Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT) đã đưa ra một phán quyết có thể làm gia tăng thuế quan áp đặt với hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.
Tờ Sourcingjournal.com viết, sau 4 năm đầy tin xấu đối với nguồn cung ứng từ Trung Quốc (thuế quan và các tin đồn về thuế quan, cáo buộc cưỡng bức lao động hết sức khó hiểu, nguy cơ bị kéo vào vòng xoáy chính trị), hiện có vẻ như không còn nhiều tin xấu nữa. Tuy nhiên, hy vọng rằng năm 2021 có thể “trở lại bình thường” đã bị “dội gáo nước lạnh” vào ngày 1/3, không phải vì các diễn biến chính trị hay những cáo buộc nhân quyền mà vì một phán quyết của tòa án Mỹ liên quan đến nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” đối với các công ty tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc và Việt Nam.
Nếu không đảo ngược được phán quyết này trong vụ kháng cáo, phán quyết của CIT trong vụ kiện giữa tập đoàn Meyer Corp. và Mỹ sẽ làm lung lay nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” và có thể làm tăng thuế hải quan từ 10% – 15% đối với hàng may mặc cung ứng từ các nước này.
Việc này không chỉ phụ thuộc vào cách xử lý vụ việc nếu kháng cáo mà còn vào cách Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) quyết định áp dụng phán quyết đối với các nhà nhập khẩu khác. Tuy nhiên, ở mức tối thiểu, rủi ro liên quan đến việc sử dụng “đơn hàng bán đầu tiên” đã thay đổi. Các công ty phụ thuộc vào nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” đối với nguồn cung từ Trung Quốc và Việt Nam cần thực hiện các biện pháp bổ sung để giảm thiểu rủi ro bị áp thêm thuế quan và hình phạt.
Nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” được các nhà nhập khẩu hàng may mặc sử dụng rộng rãi như một phương pháp “đã thử và thấy đúng” để giảm nghĩa vụ thuế quan. Nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết, nhà nhập khẩu có thể định giá hàng hóa khai hải quan trên cơ sở đơn bán hàng trước đó trong chuỗi giao dịch nhập khẩu hàng hóa. Ví dụ: trong một giao dịch 3 cấp, gồm một nhà máy (ví dụ như ở Trung Quốc), một nhà trung gian (giả sử ở Hong Kong) và một nhà nhập khẩu Mỹ.
Quy chế giá trị hải quan của Mỹ (đây là đạo luật được Quốc hội thông qua và được tổng thống ký) quy định rằng một nhà nhập khẩu có thể định giá hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở giá thực tế đã trả hoặc sẽ trả “khi bán hàng xuất khẩu sang Mỹ”. Vài thập kỷ trước, các nhà nhập khẩu và tư vấn hải quan đã nhận ra rằng thuật ngữ này có thể được lý giải không chỉ có nghĩa là giá mà nhà nhập khẩu Mỹ phải trả mà còn là hoạt động mua bán trước đó trong chuỗi giao dịch nhập khẩu hàng hóa.
Các nhà nhập khẩu này đã đưa vụ việc ra tòa và tòa đã đồng ý. Vụ kiện mang tính bước ngoặt này diễn ra tại Tòa phúc thẩm Liên bang, quy định các yêu cầu cơ bản cho nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên”, kể từ đó, nguyên tắc này đã được áp dụng tại nhiều phiên tòa và hàng chục phán quyết hải quan. Thông thường, nguyên tắc này có 3 yếu tố như sau:
Như đã đề cập ở trên, quy chế giá trị quy định rằng giá trị giao dịch phải liên quan đến “bán hàng để xuất khẩu”, đây là yếu tố số 1. Hàng hóa được bán trong lần bán hàng hợp lệ đầu tiên phải được chuyển đến Mỹ vào thời điểm diễn ra giao dịch.
Hai “yếu tố” khác của nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” thực ra không phải chỉ áp dụng đối với “đơn hàng bán đầu tiên”; đây chỉ đơn giản là việc áp dụng lại các yêu cầu cho việc sử dụng giá bán làm giá trị khai hải quan. Nếu muốn khai báo giá bán là giá trị hải quan (dù đó là lần bán hàng đầu tiên hay cuối cùng hay lần bán hàng nào đó) thì đó phải là “đơn bán hàng xác thực” diễn ra độc lập. Đây là yếu tố số 2 và số 3.
CIT bắt đầu điều tra tập đoàn Meyer với giả định rằng một công ty muốn áp dụng nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” phải đáp ứng được 4 yếu tố, chứ không chỉ 3 yếu tố. Yếu tố gì mới trong năm 2021? Nhà nhập khẩu phải chứng minh rằng giá bán đầu tiên được đề xuất “không có bất kỳ ảnh hưởng phi thị trường nào làm biến dạng thị trường”.
Ý tưởng này là trong một nền kinh tế phi thị trường (một loại hình thị trường được chính thức áp đặt cho Việt Nam và Trung Quốc theo luật pháp Mỹ), những ảnh hưởng phi thị trường có thể dẫn đến việc giảm giá nhân tạo vì nhiều lý do như: vì sản xuất bông được trợ cấp, vì nhà máy sử dụng khoản thanh toán của chính phủ để thuê nhân công, vì các nhà sản xuất polyester không phải trả giá tiền thuê nhà hoặc tiền điện nước theo giá thị trường. Phán quyết đối với tập đoàn Meyer đề xuất rằng một nhà nhập khẩu phải có một số bằng chứng rằng giá trị đơn hàng bán đầu tiên muốn áp dụng không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây biến dạng thị trường. CIT coi đây là yêu cầu mới thứ 4 đối với nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên”.
Vậy yêu cầu pháp lý mới này xuất phát từ đâu? Hóa ra, yêu cầu mới này xuất hiện trong phán quyết của Tòa phúc thẩm. Phiên toàn này diễn ra vào năm 1992, cho rằng: giá của nhà sản xuất cấu thành giá trị giao dịch khi hàng hóa được xác định rõ là để xuất khẩu sang Mỹ và khi nhà sản xuất và nhà trung gian giao dịch độc lập với nhau mà không gây ảnh hưởng phi thị trường đến tính hợp pháp của giá bán.
Vì nhiều lý do gì, trong nhiều thập kỷ, “yêu cầu” cuối cùng bị bỏ qua. Dù yêu cầu này thường được CBP trích dẫn trong các phán quyết về “đơn hàng bán đầu tiên”, nhưng hiếm khi được công nhận là yếu tố pháp lý cần tài liệu hoặc bằng chứng bổ sung. Tuy nhiên, trong thời đại khi mọi người đánh giá thương mại Trung Quốc hơi khác một chút, dường như tất cả các bên đều như vậy, kể cả các tòa án Mỹ.
Vậy yêu cầu mới này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các nhà nhập khẩu quần áo và giày dép vốn dựa vào nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” với giá trị nhập khẩu hàng năm hơn 5 tỷ USD?
Hãy đón nhận tin tốt trước, đầu tiên, nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” chưa bị bãi bỏ. Quy chế giá trị hải quan không thay đổi và hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, nếu đáp ứng các yêu cầu về giá trị giao dịch, phải là giá trị hải quan được chấp nhận dù chính trị là gì. Hơn nữa, có cả lý lẽ pháp lý và thực tiễn có thể hạn chế tác động của phán quyết đối với tập đoàn Meyer.
Tuy nhiên, dù vụ kiện có được kháng án hay không, tất cả các nhà nhập khẩu áp dụng nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” nên đánh giá lại các trường hợp áp dụng nguyên tắc “đơn hàng bán đầu tiên” trong trường hợp này. Ngay cả trong thời kỳ bình thường, các trường hợp áp dụng “đơn hàng bán đầu tiên” cần tự kiểm tra để tránh biến thành rủi ro. Với yêu cầu pháp lý mới, các nhà nhập khẩu nên chủ động đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng chiến lược tuân thủ và giảm thiểu rủi ro.
Thu Hằng