Ngày 19/7/2021, Inside Trade cho biết, Thượng nghị sĩ Chris Coons (D-DE) và Hạ nghị sĩ Scott Peters (D-CA) đã giới thiệu một dự luật nhằm xây dựng một cơ chế đánh thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều các-bon, một cơ chế mà một số đảng viên Dân chủ cho rằng nên là một phần của kế hoạch ngân sách 3,5 nghìn tỷ USD.
Theo thông tin từ văn phòng của Thượng nghị sỹ Coons, “Đạo luật cạnh tranh và chuyển tiếp công bằng, chi phí phải chăng, đổi mới và có khả năng phục hồi” sẽ thiết lập một biện pháp điều chỉnh ở biên giới đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều các-bon có tính đến chi phí mà các doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu khi tuân thủ các luật lệ và quy định hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuần trước các Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ tại Thượng viện đã tiết lộ ý định đề xuất thuế biên giới carbon vào cùng ngày Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất về thuế này. Madelaine Tuininga, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững và Thỏa thuận xanh châu Âu tại Cơ quan Thương mại của Ủy ban châu Âu, cho biết EU hy vọng sẽ có cơ chế điều chỉnh ở biên giới đối với carbon vào năm 2023.
Theo dự kiến, dự luật Đạo luật Cạnh tranh và Chuyển đổi công bằng do Thượng Nghị sỹ Coons và Hạ Nghị sỹ Peters đề xuất sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2024, gồm các mặt hàng thải nhiều các-bon và chịu cạnh tranh thương mại như nhôm, xi măng, sắt, thép, khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và than đá. Đề xuất của EU dự kiến sẽ bao gồm nhôm, xi măng, sắt thép, phân bón và điện. Danh sách hàng hóa được điều chỉnh theo cơ chế trong Đạo luật Cạnh tranh và Chuyển đổi công bằng sẽ tăng lên theo thời gian khi Mỹ cải thiện các quy trình xác định mức độ phát thải carbon của các loại hàng hóa khác nhau. Dự luật dự kiến giao Đại diện Thương mại Mỹ và Ngoại trưởng “hợp tác với các quốc gia khác nhằm giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu thông qua thương mại và đảm bảo sự công bằng trong việc áp dụng các mức thuế dựa trên khí thải”.
Theo Thượng nghị sỹ Coons, hợp tác quốc tế sẽ rất quan trọng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và ông hoan nghênh việc chính quyền Biden tái can dự với các đối tác trên toàn thế giới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hạ nghị sỹ Peters cho rằng dự luật sẽ cho phép Mỹ tiếp tục là một nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu bằng cách đặt mục tiêu cao khi đối diện với thời khắc lịch sử – giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao và giảm bất bình đẳng kinh tế – không phải bằng cách hạ thấp các tiêu chuẩn và từ bỏ trách nhiệm người đi đầu trong việc cung cấp năng lượng an toàn, sạch và đáng tin cậy.
Thông tin từ văn phòng Thượng nghị sỹ Coons, biện pháp điều chỉnh carbon nêu trên sẽ giúp thu hàng tỷ đô la và được sử dụng để giúp hỗ trợ các cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu và đầu tư vào các công nghệ mới để giảm phát thải. Theo dự luật, đề xuất sẽ miễn trừ cho các nước kém phát triển nhất. Nó cũng sẽ miễn trừ cho các quốc gia không áp dụng các biện pháp điều chỉnh ở biên giới đối với các sản phẩm của Mỹ và thực hiện các luật và quy định hạn chế hoặc giảm phát thải khí nhà kính ở mức ít nhất như luật và quy định của Liên bang nhằm hạn chế hoặc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bộ trưởng Bộ Tài chính có nhiệm vụ công bố danh sách hàng năm các quốc gia được miễn trừ, với danh sách đầu tiên vào ngày 01/7/2023. Ngược lại, đề xuất của EU không miễn trừ cho các nước kém phát triển nhất, vì cho rằng việc miễn trừ hàng loạt sẽ đi ngược lại với các mục tiêu của biện pháp.
Nhiều nhà phân tích đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự phù hợp của việc đánh thuế các-bon và các quy định của WTO.
USTR, trong báo cáo hàng năm cho Quốc hội vào tháng 5/2021, cho biết USTR sẽ cân nhắc việc áp dụng thuế các-bon và Tổng thống Biden, khi còn là ứng cử viên, đã đề cập đến khả năng đưa ra loại thuế này. Tuy nhiên, chính quyền hiện vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết. Một số người trong chính quyền, bao gồm cả đại diện về khí hậu của Tổng thống John Kerry, đã tỏ nghi ngờ về biện pháp này.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)