Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đạt được thỏa thuận về tiền tệ

0
50
(Internet)
(Internet)

Sáng 19/7/2021, theo Tuyên bố chung giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, hai bên đã đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết những lo ngại của Mỹ đối với thực tiễn tiền tệ của Việt Nam, trong đó Việt Nam cam kết cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian cũng như “nỗ lực không ngừng” để hiện đại hóa chính sách tiền tệ của mình. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp trực tuyến giữa bà Hồng và Yellen và sau nhiều tháng “thảo luận mang tính xây dựng” và “tăng cường cam kết” giữa chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ tháng 12/2020 cho rằng Việt Nam là nước thao túng tiền tệ với lập luận Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quản lý chặt chẽ tỷ giá hối đoái của tiền đồng so với đồng đô la. Trong khi đó, Việt Nam phủ nhận việc họ thao túng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Tháng 4/2021 trong Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Bộ Tài chính cho rằng “không đủ bằng chứng để kết luận” Việt Nam thao túng tỷ giá hối đoái của mình nhằm mục đích đạt lợi thế thương mại cạnh tranh không lành mạnh hoặc để ngăn chặn điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả. Bộ Tài chính Mỹ tháng 4/2021 bắt đầu thực hiện “trao đổi tăng cường song phương” với Việt Nam, cam kết làm việc với các quan chức Việt Nam để xây dựng một kế hoạch với “các hành động cụ thể” nhằm giải quyết các nguyên nhân cơ bản khiến đồng tiền Việt Nam bị định giá thấp.

Độc lập với quá trình này, tháng 10/2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã mở một cuộc điều tra về các hành vi, chính sách và thực tiễn của Việt Nam liên quan đến định giá tiền tệ theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Chính quyền Trump tháng 1/2021 đã đưa ra kết luận rằng các hoạt động của Việt Nam là “không hợp lý và gây gánh nặng hoặc hạn chế thương mại của Mỹ,” nhưng đã để cho chính quyền Biden quyết định về các hành động đối với Việt Nam.

Chính quyền Biden trong những tuần gần đây đã cân nhắc có nên áp đặt thuế quan đối với các hành động tiền tệ của Việt Nam hay không và thực hiện các cuộc tham vấn với Việt Nam. Đáp lại, một liên minh rộng rãi các nhóm ngành công nghiệp tuần trước đã thúc giục USTR không áp thuế, cho rằng động thái này sẽ dẫn đến thuế quan trả đũa và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 19/7/2021 trong tuyên bố của mình,  USTR Katherine Tai hoan nghênh thông báo chung của bà Hồng và Yellen, đồng thời cho biết USTR sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để giám sát “việc thực hiện các cam kết” của Việt Nam và đảm bảo nước này giải quyết các hành vi, chính sách và thông lệ liên quan đến việc định giá tiền tệ của mình “đã được phát hiện có thể hành động trong cuộc điều tra Mục 301″. “Các quốc gia không thể thao túng tỷ giá hối đoái của họ để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế, và tôi khen ngợi Việt Nam đã cam kết giải quyết các mối quan ngại của chúng tôi”. “Việt Nam có thể là một ví dụ quan trọng cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách cho phép tỷ giá hối đoái của mình di chuyển phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản”.

Theo Tuyên bố chung sáng 19/7/2021, Yellen đánh giá cao các cuộc đối thoại “mang tính xây dựng” giữa Bộ Tài chính và Việt Nam về chính sách tiền tệ cũng như “sự hiểu biết lẫn nhau” mà hai bên đã đạt được. “Tôi tin rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này theo thời gian không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của nó”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “nhấn mạnh” rằng khuôn khổ chính sách tiền tệ của họ được thiết kế để thúc đẩy “ổn định kinh tế vĩ mô” và kiểm soát lạm phát. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Việt Nam cũng cam kết tránh thao túng tỷ giá hối đoái để đạt lợi thế cạnh tranh không lành mạnh và đồng ý “kiềm chế” việc phá giá cạnh tranh của đồng Việt Nam. NHNN Việt Nam cũng đang “nỗ lực không ngừng để tiếp tục hiện đại hóa và minh bạch hóa hơn nữa khuôn khổ chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái của mình”. “Để hỗ trợ những nỗ lực này, NHNN sẽ tiếp tục cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian, cho phép đồng Việt Nam vận động phù hợp với giai đoạn phát triển của thị trường tài chính, ngoại hối và với các nền tảng kinh tế, đồng thời duy trì kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính ổn định” NHNN Việt Nam cam kết cung cấp “thông tin cần thiết” để Bộ Tài chính Mỹ phân tích, báo cáo về hoạt động của mình trên thị trường ngoại hối trong các báo cáo định kỳ 6 tháng trước Quốc hội. Bà Hồng đánh giá cao công tác kỹ thuật mà cả hai bên đã thực hiện để đạt được thỏa thuận “dựa trên các nguyên tắc đối tác và tôn trọng lẫn nhau”.“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá hối đoái trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung của mình để bảo vệ sự vận hành thích hợp của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, không tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế”. Hai bên cũng cam kết duy trì “hợp tác chặt chẽ” và cho biết họ “mong muốn” giải quyết các mối quan tâm khác như nỗ lực phục hồi đại dịch COVID-19.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here