Thực trạng tham gia hoạch định chính sách công của công dân Trung Quốc sau Đại hội XVIII (Phần cuối)

0
107

2.3. Mức độ tham gia vào việc hoạch định chính sách công của công dân Trung Quốc

Sau Đại hội XVIII, tuy Trung Quốc luôn nhấn mạnh về nền quản trị dân chủ, đa chủ thể, khuyến khích công dân tham gia vào các chính sách công, nhưng các con số thực tế cho thấy, mức độ tham gia của công dân Trung Quốc vào việc hoạch định chính sách còn rất thấp.

Một trong những số liệu khảo sát mang tính toàn diện nhất về sự tham gia của công chúng vào các chu trình chính sách được công bố chính thức là cuốn “Sách xanh về sự tham gia(2012)” được Trung tâm Nghiên cứu Chính trị học – Viện Khoa học xã hội Trung Quốc kết họp với Trung tâm Điều tra và thông tin số liệu – Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cùng Nhà xuất bản Văn hiến khoa học xã hội công bố. Trong cuộc điều tra với quy mô lớn nhất này các tác giả đã tiến hành điều tra ở các khu vực đô thị, khu vực Đông Bắc, khu Vực duyên hải phía Đông, khu vực Trung bộ và miền Tây, tổng cộng gồm 10 tỉnh, phát đi 7000 phiếu điều tra, thu về 6286 phiếu. Kết quả cho thấy tỷ lệ người dân có hiểu biết về cách thức và quyền lợi tham gia chính sách đạt 64,67%, tỷ lệ người dân có nhận thức về tầm quan trọng của chính sách chỉ đạt 53%, tỷ lệ người dân có nhận thức về nội dung chính sách đạt 46,4%, tỷ lệ người dân có nhận thức về các chu trình chính sách đạt 43,67%. Quan trọng nhất là tỷ lệ người dân thực chất tham gia chính sách lại rất thấp, chỉ đạt 11%. Từ đó có thể đưa ra kết luận là mức độ tham gia thực tế vào các chu trình chính sách của người dân Trung Quốc là rất thấp.

Đến những năm gần đây, sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, tình hình tham gia hoạch định chính sách của người dân Trung Quốc tuy có được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa tích cực. Rất nhiều cuộc khảo sát ở từng địa phương đã thể hiện điều này.

Tháng 7-2013, một nhóm học giả đã tiến hành điều tra về mức độ tham gia của người dân thành phố Phụ Tân – tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào quá trình hoạch định các chính sách liên quan đến việc chuyển đổi mô hình kinh tế tại đây. Cuộc điều tra này đã tiến hành khảo sát từ công nhân viên chức đến những người làm nghề tự do, công nhân các doanh nghiệp… Số phiếu phát ra là 100 phiếu và thu về được 77 phiếu hợp lệ. Kết quả cho thấy mức độ tích cực tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của người dân còn hạn chế, có 9,1% người dân thành phố này tham gia vào quá trình hoạch định chính sách một cách tích cực, 17,2% người dân tham gia một cách tương đối tích cực, 43,4% người dân tham gia với thái độ bình thường, 30,3% người dân tham gia một cách không tích cực. Ngoài ra, cuộc điều tra còn thể hiện tỷ lệ người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách trên thực tế cũng rất thấp, chỉ có 7,1% người dân từng tham gia nhiều, 21,4% người dân rất hiếm khi tham gia hoạch định chính sách và có tới 53,1% người dân chưa từng tham gia hoạch định chính sách. Thực tế này cho thấy người dân Trung Quốc chưa tích cực tham gia chính sách và lượng người tham gia chính sách còn rất ít.

3. Một số nhận xét

Sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách của đất nước này đã có một số bước tiến mới. Trước hết có thể kể đến một số ưu điểm như sau:

Công dân Trung Quốc muốn tham gia vào quá trình hoạch định chính sách đã có thể thông qua nhiều con đường, nhiều phương thức khác nhau để biểu đạt ý kiến của mình. Bên cạnh những con đường chính thức, công dân nước này đang ngày càng tích cực biểu đạt ý kiến của mình thông qua những con đường phi chính thức (ví dụ như mạng xã hội).

Ý thức tham gia hoạch định chính sách của công dân Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, tố chất văn hóa của người dân cũng được nâng cao. Vì thế, họ càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ lợi ích của bản thân. Đồng thời Chính phủ Trung Quốc cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để công dân có thể tham gia vào hoạch định chính sách một cách hiệu quả nhất. Ví dụ như việc thiết lập các đường dây nóng, giúp người dân dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng phản ánh ý kiến đến cơ quan chức năng. Từ đó, ý thức tham gia hoạch định chính sách của người dân cũng được nâng cao đáng kể.

Bên cạnh đó, sự tham gia của công dân Trung Quốc vào quá trình hoạch định chính sách công vẫn tồn tại những hạn chế nhất định.

Trước hết là năng lực tham gia chính sách của bản thân công dân chưa cao. Như trong cuộc điều tra ở thành phố Phụ Tân nói trên, có đến 30% người dân cho rằng năng lực của họ còn yếu để có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.

Ngoài ra, việc công dân Trung Quốc tham gia chính sách công với mô hình tổ chức hóa còn kém. Thực tế cho thấy, đa phần là cá nhân công dân tham gia đóng góp ý kiến, phát biểu các kiến nghị lên chính quyền. Còn các tổ chức hoạt động và dẫn dắt người dân tham gia hoạch định chính sách còn rất yếu. Các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn… đều là các tổ chức do Chính phủ thành lập, tính độc lập không cao, khó có thể trở thành tổ chức độc lập cho người dân tham gia hoạch chính sách.

Các con đường để công dân tham gia hoạch định chính sách ở Trung Quốc tuy đa dạng nhưng vẫn chưa thông suốt. Ví dụ, trong việc bầu cử, lựa chọn đại biểu cho mình, công dân chưa có cơ chế giám sát việc các đại biểu này có thay mình biểu đạt ý kiến lên chính quyền hay không, hiệu quả biểu đạt ra sao… như trong việc sử dụng các đường dây nóng để công dân có thể gọi điện trực tiếp, đưa ra kiến nghị cho chính quyền các cấp nhưng lại có hiện tượng những đường dây nóng này chỉ tồn tại trên hình thức mà không hoạt động, không đem lại hiệu quả, mất đi chức năng là cầu nối giao lưu giữa chính quyền địa phương với người dân. Cuộc điều tra vào năm 2015 cho thấy, chỉ có 28,8% người dân cho rằng các đường dây nóng ở các địa phương là thân thiện với người dân và dễ dàng liên lạc được, còn có đến 16,5% người dân cho rằng những đường dây nóng này chỉ tồn tại trên hình thức mà không hề hoạt động.

Chính vì thế, Trung Quốc sẽ có những biện pháp hữu hiệu gì để có thể tạo điều kiện thuận lợi, thu hút công dân tham gia hoạch định chính sách là điều cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sherry Amstein, “Citizen participation”, Joumal of the Royal Town Planning Institute, 1971, pg. 216-224.
  2. Phương Giang Sơn, “Sự tham gia chính trị theo hình thức phi chế độ”, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 2000, tr.2.
  3. Du Khả Bình, “Vài vấn đề lý luận về sự tham gia của công dân ”, Thời báo Học tập, số 12, năm 2006, tr.5.
  4. Dương Quang Bân, “Sự tham gia của công dân và sự thay đổi trong con đường trị quốc của Trung Quốc hiện nay”, Nghiên cứu Khoa học xãhội, số 1, năm 2009, tr. 18-30.
  5. Lý Đồ Cường, “Sự tham gia của công dân vào nền hành chính công hiện đại , NXB Quản lý Kinh tế, Bắc Kinh, 2004, tr.37.
  6. Sử Vệ Dân, “Sách xanh về sự tham gia chính trị (2015)”, NXB Văn hiến khoa học xã hội, Bắc Kinh, 7/2015.
  7. Trương Kim Nhiễm, “Nghiên cứu về sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách công dưới lý luận quản trị”, Đại học Giao thông Thượng Hải, 1/2014.
  8. Trương Minh Quân, “Báo cáo phân tích các sự việc mang tính tập thể của xã hội Trung Quốc năm 2015”, Báo cáo Nghiên cứu an ninh công cộng xã hội Trung Quốc, số 1, năm 2016.
  9. Trương Minh Quân, “Báo cáo phân tích các sự việc mang tính tập thể của xã hội Trung Quốc năm 2016”, Báo cáo Nghiên cứu an ninh công cộng xã hội Trung Quốc, 11-2017.
  10. Phan Kim Hoa, Phùng Long (2014), “Những vấn đề tồn tại trong quá trình hoạch định chính sách công ở chính quyền địa phương và đối sách – Lấy Chính sách định giá vé của huyện Phượng Hoàng — Hồ Nam làm ví dụ”, Tạp chí Người Quản lý kinh doanh, (số 1), tr.109.
  11. Phòng Ninh, Sử Vệ Dân, Dương Hải Giao, “Sách xanh về sự tham gia chính trị” (2012)”, Nxb Văn hiến khoa học xã hội, 7-2012.
  12. “Nghiên cứu về sự sáng tạo chính sách công trong quá trình chuyển đổi mô hình đối với cấc thành phố có nguồn tài nguyên cạn kiệt”.
  13. http://paraff. org/images/Other_documents/C1-011_Tai_lieu_tap_huan_can_bo.pdf.
  14. http://hn.rednet.en/c/2015/12/01/3853652.htm.
  15. http://news.com.cn/system/2014/01/ 08/011714251.shtml.
  16. http://www.jl.chinanews.com/xwfbh/2016-11-10/9310.html.
  17. http://www.sohu.eom/a/125906742_115588.
  18. Báo cáo công tác công khai tin tức Chính phủ năm 2016 của Cục Tiếp nhận đơn thư Trung Quốc: http://www.gjxfj.gov.cn/2017-03/31/c_136_ 173333.htm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here