Chiến lược 2030 của Ngân hàng Phát triển Châu Á

0
78

Tại cuộc họp thường niên lần thứ 51 của Hội đồng điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), được tổ chức tại Manila hôm 5/5, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết, ADB sẽ theo đuổi “Chiến lược 2030” mới. Mục tiêu của Chiến lược mới là hướng tới một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát triển bền vững, bao trùm, thịnh vượng. Những lĩnh vực được ưu tiên trong Chiến lược mới này bao gồm: giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng, thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực, huy động nguồn lực, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh lương thực, đẩy nhanh tiến độ bình đẳng giới và tăng cường hỗ trợ chống biến đổi khí hậu.

Ông Takehiko Nakao cũng cho biết hiện có một số thách thức đặc biệt là liên quan đến nghèo đói dai dẳng, bất bình đẳng, vấn đề môi trường và đô thị hóa. Do vậy, ADB sẽ hỗ trợ tạo ra các công việc có chất lượng, thúc đẩy giáo dục trung và đại học, mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tăng cường các chương trình bảo trợ xã hội để giúp giảm nghèo và kiểm soát tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng. Ngoài ra, ADB sẽ tiếp tục đưa vấn đề bình đẳng giới vào các dự án của mình và hỗ trợ các dự án tập trung vào bình đẳng giới trong giáo dục, y tế và tài chính. Liên quan đến nguồn tài chính cung cấp cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các hoạt động phát triển khác của khu vực, ADB cam kết sẽ huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho các hoạt động này. ADB cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả quan hệ đối tác Công – Tư và thúc đẩy huy động nguồn lực thông qua việc cung cấp nguồn tín dụng và đồng tài trợ với các đối tác song phương và đa phương khác.

Về triển vọng kinh tế khu vực, Chủ tịch ADB cho biết tốc độ phát triển của châu Á đã tăng 6,1 %  trong năm 2017 và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng trung bình ở mức 6,0 %  vào năm 2018. Ngoại trừ bốn nền kinh tế mới công nghiệp hóa là Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và Đài Bắc (Trung Quốc), tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á dự kiến ​​sẽ đạt 6,5% vào năm 2018. Riêng các nước như Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 7,0% hoặc cao hơn./.

(ĐSQVN tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here