Trong khuôn khổ hợp tác song phương, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 01/12/2023 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS) và Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quan hệ hữu nghị Việt-Lào: Thúc đẩy hợp tác song phương, chia sẻ kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến giữa 2 điểm cầu Hà Nội và Viêng Chăn, với mục đích nhằm góp phần cụ thể hóa hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan, chia sẻ kinh nghiệm đôi bên, cung cấp thêm luận cứ khoa học trong công tác tư vấn chính sách cho các cơ quan của Đảng và Chính phủ của hai nước về các vấn đề cấp bách trong kinh tế – xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm, cho biết dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã chủ động phối hợp và tích cực triển khai có hiệu quả các kế hoạch hợp tác trong từng giai đoạn, trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên luôn chú trọng triển khai các thỏa thuận giữa hai Chính phủ nhằm mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng truyền thống và tập quán thương mại quốc tế. Hai nước đã ký các hiệp định quá cảnh hàng hóa, ban hành quy chế về hàng hóa của Lào quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam; xây dựng nhiều siêu thị và trung tâm giới thiệu hàng hóa Việt Nam tại các địa phương của Lào; xây dựng một số khu thương mại tự do ở các cửa khẩu biên giới. Kết quả trao đổi thương mại Việt Nam – Lào không ngừng tăng lên (Kim ngạch song phương năm 2005 mới đạt 165 triệu USD, đến năm 2022 đã tăng gần 10 lần, đạt 1,6 tỷ USD).
Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam hiện có hơn 400 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD đầu tư trên nhiều lĩnh vực tại Lào như: nông nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng… Nhiều dự án đầu tư hiệu quả, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của hai nước.
Chính phủ Lào cũng đang tập trung triển khai kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng để tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh giữa Lào và Việt Nam, như dự án đường sắt Lào – Việt Nam, đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội…Có thể khẳng định rằng tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào ngày càng được tăng cường, phát triển, mở rộng, gắn bó khăng khít hơn”
Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, thế giới đang có nhiều biến động khó lường; xu thế đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ucraina, khủng hoảng năng lượng, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình kinh tế – xã hội trên quy mô toàn cầu nói chung, trong đó có Việt Nam và Lào. Bối cảnh này đòi hỏi hai nước cần có sự trao đổi kinh nghiệm, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau tìm ra giải pháp ổn định vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Phát tại hội thảo, TS. Kikeo Chanthaboury, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào cho biết tình hình kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng nói chung và những khó khăn về kinh tế và tài chính hiện nay của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đang gặp phải, đặc biệt là kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Đối với kế hoạch 5 năm 2021-2025, Lào đưa dự kiến mức tăng trưởng là 4%/năm, nhưng do tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, đặc biệt là với dịch bệnh Covid-19 gây ra và xung đột Nga-Ukraine, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu và tình trạng lạm phát, việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái lãi suất của FED đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự ổn định của nền kinh tế Lào.
Do đó, TS. Kikeo Chanthaboury hy vọng, thông qua hội thảo này sẽ nhận được những bài học về quản lý, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để từ đó đề ra được những giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế, tài chính tại Lào trong thời gian tới.
Hội thảo được chia thành 02 phiên: Phiên thứ nhất “Hợp tác song phương và kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô Việt – Lào” và Phiên thứ hai “Phục hồi tăng trưởng và phát triển”. Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận cũng như những ý kiến trao đổi hết sức thẳng thắn, cởi mở.
Đây là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học và những người hoạt động thực tiễn của hai nước trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của hai nước; đồng thời các hoạt động của hội thảo còn tiếp tục góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nâng tầm tham mưu chiến lược, chính sách của hai Viện nghiên cứu, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
(Huyền Ly/vneconomy)