Trong hơn 30 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. FDI là động lực cho nhiều ngành, nghề, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc thu hút FDI đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp mới nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thu hút FDI vào nông nghiệp cần được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm đối với Việt Nam.
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến thu hút vốn FDI
Theo đánh giá, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hiện nay về cơ bản chưa có tác động nhiều tới nguồn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, khi cuộc cách mạng này phát triển mạnh mẽ, những lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là lợi thế về lao động giá rẻ.
Cùng với sự dịch chuyển của xu hướng đầu tư toàn cầu, Việt Nam cũng đang có sự thay đổi trong việc xác định mục tiêu thu hút FDI. Theo đó, một trong những mục tiêu thu hút FDI trong thời gian tới là thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, những dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời, các dự án được lựa chọn phải thân thiện với môi trường, ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.
Trong ngắn hạn, thu hút FDI vẫn phải đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố như: (i) Tăng trưởng kinh tế; (ii) Phù hợp với sự phát triển cả về chất và lượng của lực lượng sản xuất; (iii) Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (iv) Hài hòa với các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, (v) Đáp ứng các yêu cầu về xây dựng chuỗi liên kết giá trị.
Trong dài hạn, việc thu hút FDI cần tập trung theo hướng chiều sâu, trong đó chú trọng vào các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến hiện đại (Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng (sạch), công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển và nông nghiệp công nghệ cao).
Cơ hội, thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
CMCN 4.0 là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác nói chung và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói riêng, cụ thể như:
Thứ nhất, các ứng dụng của công nghệ số sẽ hỗ trợ việc lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường sản xuất nông nghiệp tuân theo đúng quy trình đặt ra.
Thứ hai, ứng dụng điện toán đám mây để ngành Nông nghiệp hướng tới cung ứng các sản phẩm đầu ra chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy tăng năng suất, sản lượng. Mục tiêu đặt ra là đạt được sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, giảm thiểu chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng trong vận chuyển nông sản phẩm. Hiện nay, mặc dù Việt Nam là quốc gia sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp lớn trên thế giới song chỉ tính riêng quá trình vận chuyển và xuất khẩu nông sản thường làm hư hại khoảng 40% sản phẩm, gây ra sự lãng phí lớn cho nền kinh tế. Việc ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 sẽ giúp kiểm soát được nhiệt độ trong quá trình vận chuyển, hạn chế sản phẩm nông nghiệp, nhất là rau quả, thủy sản bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Thứ tư, sự phát triển của công nghệ gen, công nghệ sinh học từ thành tựu của CMCN 4.0 cho phép Việt Nam tạo lập, xây dựng và hình thành các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với mục đích sử dụng. Các mục đích có thể hướng tới là: (i) Đạt chất lượng cao; (ii) Cho năng suất cao; (iii) Có khả năng dễ phổ biến trong nuôi trồng; (iv) Có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng là rất lớn, nhưng để tận dụng được các cơ hội này thì Việt Nam cần phải vượt qua những khó khăn:
– Chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn nước ta hiện nay còn thấp và có nhiều hạn chế. Việt Nam là quốc gia mà gần 60% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, song chất lượng lao động trong lĩnh vực này lại đang là điều đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay.
– Nông nghiệp được dự báo là Ngành đối diện với thách thức dư thừa lao động lớn nhất là khi chuyển sang mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0. Việc máy móc tự động hóa được đưa vào sản xuất nông nghiệp, cùng với đó là quy trình sản xuất ứng dụng điện toán đám mây sẽ làm giảm mạnh mẽ số lượng lao động cần thiết ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi, nông nghiệp là lĩnh vực chiếm nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế, việc dư thừa một lượng lớn lao động không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội cần đặc biệt quan tâm.
– Việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 hoàn toàn có thể cho phép các quốc gia phát triển, các quốc gia trước đây không có các lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì ngày nay hoàn toàn có thể tự chủ trong sản xuất lương thực, thực phẩm.
Tình hình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp Việt Nam kể từ sau đổi mới đã phát triển mạnh mẽ, với giá trị sản xuất đóng góp khoảng 25% – 30% GDP/năm. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của việc huy động nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến ngày 20/11/2018, tổng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.462,107 triệu USD, xếp thứ 10 trong 19 ngành nghề, lĩnh vực thu hút vốn FDI của Việt Nam; chiếm 1,02% tổng vốn FDI.
– Xét theo cơ cấu: Vốn FDI trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản phân bố không đều, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc. Những năm gần đây, cơ cấu vốn FDI có xu hướng chuyển sang lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông lâm thủy sản. Về cơ cấu vùng, các dự án chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng Nam Bộ với trên 50% số dự án còn tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
– Xét theo đối tác đầu tư: Hiện nay, có trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với các quốc gia đi đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Đã có một số dự án FDI vào nông nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam đạt hiệu quả cao như: Các dự án trồng hoa, rau sạch tại Lâm Đồng; dự án chăn nuôi tại TP. Hồ Chí Minh…
Các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là từ năm 2016 trở lại đây được đánh giá là có nhiều đổi mới về chính sách, trong đó, phải kể đến các chính sách về hỗ trợ cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các chính sách này hiện chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, chưa áp dụng cho các dự án FDI.
Vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất cũng dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức; hạn mức giao đất trồng cây hàng năm bị giới hạn… Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn có nhiều rủi ro như: Hạ tầng nông nghiệp, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh cũng như về chất lượng nguồn lao động…
Giải pháp thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp
Mặc dù được đánh giá là lĩnh vực có nhiều lợi thế nhưng nông nghiệp có tỷ lệ thu hút vốn FDI còn thấp so với các lĩnh vực khác. Cụ thể, tỷ trọng đầu tư vốn FDI vào lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng vốn đăng ký của các dự án FDI, trong đó số dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế.
Thực tế, những năm gần đây, hoạt động thu hút vốn FDI vào nông nghiệp chỉ đạt dưới 2% tổng vốn FDI. Cụ thể, tính đến tháng 4/2018, có 499 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3,4 tỷ USD, xếp vị trí 10 trên tổng số ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất. Trong khi đó, số dự án hoạt động kinh doanh bất động sản là 673 dự án, tuy nhiên số vốn đăng ký lên tới 51,3 tỷ USD. Như vậy, chỉ cần so sánh con số một cách đơn giản đã có thể thấy, mức chênh lệch giữa giá trị các dự án và tổng giá trị đầu tư vào nông nghiệp chỉ bằng 6,6% của hoạt động kinh doanh bất động sản và bằng 1,6% tổng vốn thu hút FDI của toàn Ngành.
Nguyên nhân dẫn đến việc thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp thấp là do ngành này còn mang tính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính chuyên môn hóa, rủi ro cao; chưa có phương thức hợp tác phù hợp với trình độ của nông dân; chưa có các nghiên cứu đánh giá sâu và vướng mắc của các doanh nghiệp FDI nông nghiệp. Bên cạnh đó là việc thiếu tính liên kết để bảo đảm phát triển Ngành một cách ổn định và bền vững…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào lĩnh nông nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật liên quan đến thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ hai, xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình hội nhập của Việt Nam. Theo đó, chính sách về tập trung và tích tụ ruộng đất cần sớm được xây dựng và triển khai, hỗ trợ việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng khu nguyên liệu, chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới đầu tư công theo hướng chuyển dịch nền nông nghiệp (hiện đang chủ yếu dựa vào đất đai và nhân công giá rẻ) sang một nền nông nghiệp sáng tạo, để nắm bắt và tận dụng thành tựu của CMCN 4.0. Như vậy mới phát huy được các thành tựu, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của CMCN 4.0 tới lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ tư, trong điều kiện hiện nay phải kiên quyết thực hiện phát triển nông nghiệp 4.0 ở những vùng, địa phương có điều kiện khí hậu thích hợp, đồng thời duy trì và dịch chuyển dần các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống ở các địa phương sang phát triển nông nghiệp 4.0. Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp rất cần thiết phải chú trọng tới các yếu tố khác của tam nông là nông thôn và nông dân.
Thứ năm, vận dụng những ưu đãi thuế quan từ các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ sáu, phát triển nông nghiệp trên cơ sở chuỗi giá trị gồm: (i) Đặc điểm về tính mùa vụ và bảo quản; (ii) Đặc điểm về tác động của thời tiết, bệnh dịch và an toàn thực phẩm; (iii) Đặc điểm về tổ chức sản xuất nông nghiệp; (iv) Đặc điểm về chế biến và lưu giữ sản phẩm…/.
Phạm Thị Kim Len – Học viện Tài chính