Những bong bóng bất động sản khiến thị trường toàn cầu lo lắng

0
164

Tại nhiều thành phố trên thế giới, giá nhà đất đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh nợ nần đáng lo ngại. Đây chưa phải là báo động đỏ. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu-hậu quả của bong bóng bất động sản chưa từng có tại Mỹ và châu Âu, hiện đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường xuyên cảnh báo về mức nợ cao, đặc biệt là nợ tư nhân. Trong báo cáo ổn định tài chính ngày 11/4 vừa qua, IMF chỉ ra có nguy cơ đảo ngược giá bất động sản vốn tăng mạnh trong những năm gần đây ở nhiều quốc gia, đạt đến mức lịch sử ở Canada, Úc và Bắc Âu. Nhiều thành phố lớn có giá nhà ở tăng vọt như Dublin, Sydney hay Thượng Hải. Nico Valckx, nhà kinh tế của IMF, một trong những tác giả của báo cáo cho biết: “Giá bất động sản tăng nhiều nơi, điều này tăng khả năng xảy ra một cú sốc”. Các ngân hàng trung ương đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển thị trường. Nhiều ngân hàng tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc hoặc Úc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và đã thực hiện các biện pháp để hạn chế tín dụng theo gương Canada hoặc Thụy Sĩ. Các ngân hàng này có một phần trách nhiệm qua việc giữ lãi suất ở mức rất thấp, góp phần tăng giá nhà ở với những khoản cho vay dễ dàng.

Peter Praet, thành viên ban điều hành và nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh : “hơn 2/3 trong số 46 cuộc khủng hoảng ngân hàng có hệ thống xảy ra sau các giai đoạn bùng nổ và sụt giảm giá bất động sản”.  Vậy liệu chúng ta có đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính mới? Có thể nói đang có bong bóng bất động sản và liệu nó có thể bùng nổ? Để đánh giá bong bóng, cần phải so sánh diễn biến giá cả so với thu nhập. Ở một số quốc gia như ở Bỉ, Anh hoặc Thụy Điển, sự mất cân đối này lớn hơn so với năm 2008. Khả năng tiếp cận nhà ở có xu hướng xấu đi nhưng vẫn tốt hơn so với năm 2008 nhờ lãi suất rất thấp, tỷ lệ thất nghiệp giảm và các biện pháp thận trọng vĩ mô do các ngân hàng trung ương thực hiện để tránh giá bất động sản tăng vọt.

Theo P.Artus, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Natixis, chìa khóa thực sự nằm trong tay các ngân hàng trung ương. Còn nhớ, năm 2008, việc tăng tỉ ệ lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến bất động sản sụt giá mạnh. Trong bối cảnh lạm phát thấp và tình hình thế giới bấp bênh, lãi suất nên duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Ngân hàng FED đã làm chậm tốc độ tăng và thậm chí đóng băng lãi suất. ECB cũng sẵn sàng kích hoạt tất cả các đòn bẩy để hỗ trợ hoạt động và tín dụng. P.Artus nhấn mạnh: “Trong môi trường lãi suất thấp này, các ngân hàng trung ương cần phải thực hiện các biện pháp thận trọng vĩ mô để tránh giá bất động sản tăng vọt”. Đây cũng là điều IMF mong muốn. IMF khuyến nghị cần thực hiện các biện pháp để tăng sức chống chịu của các hộ gia đình và các ngân hàng, hạn chế mức cho vay tín dụng dựa trên giá trị của tài sản hoặc sử dụng đòn bẩy thuế để kiềm chế sự tăng vọt của bất động sản. Theo IMF, cũng cần có các chính sách dài hạn để tăng nguồn cung nhà ở, gồm cả việc tăng mật độ các trung tâm đô thị.

Các chuyên gia Washington đã xây dựng một công cụ mới để đánh giá nguy cơ đảo ngược giá bất động sản trong vòng ba năm, tích hợp nhiều dữ liệu: những đợt tăng vọt trước đây, tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tín dụng và điều kiện tài chính. Sau khi áp dụng công cụ này tại 22 nước phát triển và 10 nước đang trỗi dậy thì thấy rằng, nguy cơ bất động sản sụt giảm mạnh đã tăng lên dù không ở mức cách đây 10 năm. So với năm 2007, nguy cơ này lớn hơn tại các nước đang trỗi dậy. Theo Nico Valckx, nguy cơ này khá cao tại hơn 25% các nước phát triển và tại gần 40% các nước đang trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc”.

Tin từ ĐSQVN tại Pháp (theo Le Figaro ngày 23.4)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here