Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn I sẽ sớm được ký kết

0
62
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Ngày 12/1, trả lời phỏng vấn một số cơ quan thông tấn (Fox News, ABC news), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày Thứ 4 (15/1). Thỏa thuận này bao gồm việc Trung Quốc mua 200 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ trong hai năm tới, trong đó riêng sản phẩm nông nghiệp giá trị khoảng 40-50 tỷ đô la Mỹ. Đây là cơ hội lớn đối với nông dân Mỹ.

Ông Mnuchin cho rằng hai bên sẽ còn tiếp tục đàm phán cho các thỏa thuận giai đoạn tiếp theo, nhưng coi thỏa thuận giai đoạn một là giao dịch có tính lịch sử – lần đầu tiên Mỹ có một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc về các vấn đề công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, mua bán và cơ chế bảo đảm thực thi thỏa thuận. Theo đó nếu phía Trung Quốc không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, Tổng thống Mỹ có quyền áp đặt thuế, cả những thuế đang áp dụng và các thuế bổ sung. Đây được coi là một thắng lợi lớn với Tổng thống Donald Trump.

Ông Mnuchin cho biết các vấn đề liên quan đến an ninh mạng sẽ được thương lượng trong giai đoạn hai, nhưng thỏa thuận giai đoạn một đã có các điều khoản quan trọng về sở hữu trí tuệ để bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ. Thỏa thuận quy định rõ không cho phép chuyển giao công nghệ cưỡng bức và Trung Quốc phải ban hành luật để bảo vệ công nghệ của Mỹ và các công nghệ khác.

Một nguồn thạo tin cũng cho biết thêm Mỹ và Trung Quốc nhất trí khởi động lại cơ chế Đối thoại Kinh tế Toàn diện được tổ chức một năm hai lần nhằm xử lý các bất đồng kinh tế giữa hai nước. Thông tin này sẽ chính thức được công bố vào ngày 15/01 như là một nội dung trong lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Các phiên đối thoại sẽ được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, tạo một diễn đàn thảo luận cấp cao, định kỳ về mọi vấn đề, bên cạnh các cuộc thương thảo đôi khi rất gay cấn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cơ chế đối thoại này bắt đầu từ thời Tổng thống George W. Bush với tên gọi Đối thoại Kinh tế Chiến lược nhằm giúp hai cường quốc kinh tế thế giới quản lý các vấn đề nảy sinh giữa hai nước khi mà kinh tế Trung Quốc và xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ mở rộng nhanh chóng đầu những năm 2000. Cơ chế này được duy trì suốt thời kỳ Obama làm Tổng thống và giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump với tên gọi Đối thoại Kinh tế Toàn diện. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại định kỳ vốn bị chỉ trích là nặng về hình thức nhẹ về nội dung cụ thể đã dừng hoạt động khi chính quyền Trump áp dụng cách tiếp cận đối kháng hơn thông qua sử dụng công cụ thuế quan gây sức ép để buộc Trung Quốc phải có các nhân nhượng về kinh tế.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại hai chiều là 635,4 tỷ USD năm 2017 (Mỹ xuất 129,9 tỷ USD, nhập 505,5 tỷ USD, nhập siêu 375,6 tỷ USD). Thương mại dịch vụ Trung – Mỹ đạt 75 tỷ USD năm 2017 (Mỹ xuất 57,6 tỷ USD, nhập 17,4 tỷ USD, xuất siêu 40,2 tỷ USD).

(Tin từ các ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here