Thoả thuận quốc tế áp thuế tối thiểu lên các doanh nghiệp đa quốc gia: Loại bỏ thiên đường thuế

0
78
(minh hoạ)
(minh hoạ)

136 quốc gia đã ký kết một thoả thuận mới mang tính bước ngoặt về thuế đối với các doanh nghiệp toàn cầu, sau nhiều năm bất đồng. Các quốc gia đã đồng thuận mức thuế tối thiểu đối với các doanh nghiệp toàn cầu là 15%, qua đó, loại bỏ các thiên đường thuế.

Thoả thuận về khuôn khổ cải cách thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã được công bố cuối tuần qua. Theo đó, 136 quốc gia và khu vực đã tham gia ký kết chiếm tổng 90% GDP toàn cầu. Thoả thuận cam kết áp mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp toàn cầu này được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực kiểm soát thuế doanh nghiệp đã kéo dài hơn 30 năm qua.

Thông cáo chung của OECD công bố ngày 8/10/2021 cho biết, thoả thuận bước ngoặt này sẽ cùng phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất cho các quốc gia trên toàn cầu. Đại diện của OECD khẳng định, thoả thuận này sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp phải nộp thuế một cách công bằng dù hoạt động và tạo lợi nhuận ở đâu. Cũng theo OECD, mức thuế này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu euro (tương đương với 868 triệu USD) trở lên.

Thỏa thuận trên đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách thuế toàn cầu bởi nó không chỉ áp một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu mà còn buộc các công ty phải nộp thuế ở nơi họ hoạt động, thay vì chỉ nộp thuế ở nơi họ đặt trụ sở như trước đây.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp toàn cầu đổ tới những thiên đường thuế như: Ireland, British Virgin Islands đặt trụ sở, trong khi hoạt động, khách hàng và nhân viên của họ ở khắp nơi trên thế giới.

Theo bình luận của các chuyên gia, thoả thuận này cũng sẽ chấm dứt chính sách “cuộc đua xuống đáy”: các quốc gia đưa ra chính sách giảm thuế để thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia. Đồng thời, thoả thuận cũng ngăn chặn hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài – một cách để né thuế của các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen bình luận: “Hoạch định chính sách thuế quốc tế rất phức tạp. Tuy nhiên, thỏa thuận của ngày hôm nay đã cho thấy sự đơn giản và lức độ lan toả đối với các bên tham gia”. Bà cũng khẳng định, thoả thuận này sẽ giúp người Mỹ nhận thấy kinh tế toàn cầu là nơi dễ sống hơn và có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Đối với Mỹ, thoả thuận này sẽ đảm bảo tầng lớp trung lưu, người lao động đều được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hoá chứ không chỉ các tỉ phú hay các tập đoàn đa quốc gia.”

Theo đó, các quốc gia có thể tăng thuế đối với doanh số bán hàng của các công ty đa quốc gia như: Amazon, Apple, Facebook và Google phát sinh trên lãnh thổ của mình.

Trước đó, Ireland, Estonia và Hungary – những quốc gia trước đó kiên quyết phản đối mức thuế 15% – rốt cuộc cũng đã từ bỏ lập trường và tham gia thỏa thuận, theo OECD. Tuy nhiên, công thức chính xác để xác định số thuế phải nộp tại các khu vực pháp lý khác nhau là nội dung đang cần được tiếp tục thảo thuận và thống nhất.

Tuy nhiên, một số quốc gia đang phát triển muốn áp một mức thuế cao hơn và cho rằng thoả thuận này chủ yếu làm lợi đối với các nước giàu. Các nước giàu hiện nay đánh thuế trung bình khoảng 23,5%, vì vậy, sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách thuế của các quốc gia này. Mặt khác, đối với nền kinh tế nhỏ, vốn đang cần thu hút vốn đầu tư, sẽ phải điều chỉnh chính sách khá nhiều.

Tuy nhiên, theo OECD, thỏa thuận trên không tìm cách loại bỏ cạnh tranh về thuế, mà thay vào đó áp đặt các giới hạn về thuế đã được nhất trí ở cấp độ đa phương.

OECD cho biết, năm 2022, tất cả thành viên sẽ ký vào một công ước đa phương về thực thi hiệu quả cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu mới vào năm 2023. Ông Mathias Cormann khẳng định, đây là chiến thắng lớn của chủ nghĩa đa phương cân bằng và hiệu quả. Thỏa thuận này bảo đảm hệ thống thuế quốc tế phù hợp với mục tiêu của một nền kinh tế thế giới số hóa và toàn cầu hóa”.

Thoả thuận này sẽ được xem xét lại tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), diễn ra vào ngày 13/10/2021 tới tại Mỹ và Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Italia vào cuối tháng này.

(Thu Thuỷ/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here