Thị trường lao động Mỹ đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất

0
91
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên tới gần 3,3 triệu được công bố vào tuần trước, thị trường đánh dấu khởi đầu một cuộc khủng hoảng mà người lao động và doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt và điều này chỉ có thể kết thúc chừng nào khống chế được dịch Covid-19.

Các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ đã rơi vào một cuộc suy thoái, tương đồng so với cuộc Đại suy thoái ở chỗ nó tác động sâu sắc tới rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng, gây nên tình trạng thất nghiệp hàng loạt và đe dọa kích hoạt phản ứng dây chuyền dẫn tới vỡ nợ và tổn thất tài chính ở hàng loạt công ty từ nhỏ đến lớn. Và một câu hỏi còn để ngỏ là cơn suy thoái này là sự suy giảm lâu dài hay chỉ là một đợt suy thoái chớp nhoáng.

Các nhà kinh tế cho rằng số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp của tuần vừa rồi chỉ là khởi đầu của một đợt thất nghiệp hàng loạt có thể lên tới 40 triệu người vào giữa tháng 4.

Theo Martha Gimbel nhà kinh tế thuộc Schmidt Futures mặc dù hiện chưa có số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của tháng 3 chắc chắn sẽ nhảy lên mức 5,5% so với 3,5% của tháng 2/2020. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015. Với gói cứu trợ 2,2 tỷ USD, hầu như mỗi người lao động Mỹ đều được nhận 1.200$ hoặc hơn và hàng tỷ đô la cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp có thể hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong lúc khó khăn nhưng sẽ không giúp ngăn được sự suy thoái cũng như không đủ để người lao động duy trì cuộc sống nếu như dịch bệnh kéo dài lâu hơn một hoặc hai tháng.

Aparma Mathur, học giả tại American Enterprise Institute nói “Chúng ta thường nghĩ rằng một cuộc suy thoái phải bắt nguồn từ những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế, nhưng cuộc suy thoái lần này chả liên quan gì đến kinh tế”.  

Joseph Brusuelas, Kinh tế gia trưởng tại RSM, một công ty kiểm toán chuyên về doanh nghiệp vừa nhận định “doanh nghiệp càng nhỏ, thiệt hại càng lớn”.

Brusuelas theo dõi thị trường bất động sản thương mại và cho rằng đây là một chỉ số quan trọng để dự báo xu hướng đi xuống của kinh tế. Chuỗi nhà hàng Cheesecake Factory đã không trả tiền thuê cửa hàng trên toàn nước Mỹ, và nhiều chủ doanh nghiệp khác cho biết họ cũng sẽ làm như vậy vì trợ giúp của Chính phủ chắc chắn chưa thể đến được vào thời hạn trả tiền nhà 1/4/2020. Cổ phiếu bất động sản thương mại đã giảm 60% trong năm nay.

Một dấu hiệu cảnh báo nữa là tình trạng giảm giá thuê mướn nhân công. Occidental Petroleum đã giảm 30% lương của người lao động, và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang cân nhắc và cho rằng điều này tốt hơn sa thải công nhân. Việc giảm chi tiêu là một chỉ dấu khác cho thấy cuộc khủng hoảng y tế này đang thay đổi quỹ đạo của nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng vững và chắc chắn khiến cho người ta khó lòng quay trở lại được mức trước khủng hoảng, ngay cả khi giữ được việc làm.

Số liệu thất nghiệp của tuần tới và các tuần tiếp theo chắc chắn sẽ là những con số biết nói. Con số 3,3 triệu của tuần trước gây sốc nhưng nó chỉ mới nói lên một phần số người người thực sự bị mất việc trong cơn suy thoái này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here