Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 – 2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó xuất khẩu tăng từ 9,3 tỷ USD năm 2010 lên mức 29,1 tỷ USD vào năm 2021.
NHIỀU CƠ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN
Tại hội thảo với chủ đề “Thị trường ASEAN: Từ các sáng kiến đến hành động” do Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), đồng tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: Hội nhập kinh tế và hợp tác ASEAN đang mang lại nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn nhiều hiệp định quan trọng như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN…
Đồng tình, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Thương mại Quốc tế, cho biết một trong những thuận lợi cho các doanh nghiệp ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng khi tham gia các hiệp định về thương mại sẽ được ưu tiên hơn khi được áp dụng mức thuế ưu đãi trong việc xuất khẩu hàng hoá.
“Cùng với đó, các hiệp định sẽ giảm bớt những rủi ro trong trong đầu tư, điều kiện hợp đồng được đảm bảo, phạm vi quyền đầu tư cũng được mở rộng. Hướng đến mục tiêu lớn hơn chính là thương mại trong nội khối được tự do, an toàn và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bên trong khu vực”, bà Trang nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nathanael Lim, Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Euromonitor Quốc tế, cũng cho rằng tăng trưởng tại khu vực ASEAN đang được đánh giá ngày càng tăng cao khi thu nhập của người dân đang được cải thiện. Thống kê cho thấy TP.HCM là nơi có mức thu nhập và chi tiêu tăng nhanh trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu từ Euromonitor, trong năm 2022 có 4,8% hộ gia đình tại TP.HCM có mức thu nhập khả dụng hơn 25.000USD. Dự báo cho hấy, con số này có thể tăng gấp 2,8 lần trong giai đoạn 2022 – 2040 và đến năm 2040 thu nhập trung bình của hộ gia đình tại TP.HCM là khoáng 34.000USD.
“Đồng thời, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất đang ngày càng mạnh mẽ, lĩnh vực này chiếm đến 60% tổng vốn FDI, cùng với đó là quá trình số hoá mạnh mẽ dẫn tới sự trỗi dậy của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam”, ông Nathanael Lim cho biết thêm.
ĐẨY MẠNH HƯỚNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG 680 TRIỆU DÂN
Nhìn vào kết quả giao thương giữa Việt Nam vào ASEAN vẫn còn ở mức khiêm tốn, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét rằng chưa phản ánh hết tiềm năng phát triển giao thương giữa các nước ASEAN. Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam gặp nhiều thách thức trong việc tận dụng các cơ hội này.
Biểu đồ thu nhập khả dụng tại 4 nước ASEAN – Nguồn Euromonitor.
Theo ông Trung, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các nền tảng số để tìm kiếm thị trường trong chính khu vực ASEAN, Cục Phát triển doanh nghiệp và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ đã triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ASEAN thực hiện tại Việt Nam giai đoạn II” – ASEAN SME II để xây dựng và phát triển cổng thông tin ASEAN Acess.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM, doanh nghiệp Việt còn tập trung hướng đến những thị trường lớn nhưng chưa tập trung vào những thị trường ngách như các nước trong ASEAN.
Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải đó là vấn đề truy xuất nguồn góc của sản phẩm. Nếu không có hệ thống truy xuất, hàng hoá của Việt Nam sẽ trở nên không minh bạch, không đáng tin cậy trên thị trường.
Liên quan đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trong tương lai, ông Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt cần biết cách nắm bắt thì “sân chơi” sẽ rộng mở. Trên 120 quốc gia trên thế giới đã tham gia cam kết về phát thải, do đó để có thể cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tuân thủ những cam kết này. Từ đó sẽ đảm bảo được nguồn hàng, việc sản xuất bền vững, dễ dàng xuất khẩu đi những quốc gia khác.
“Nhiều đoàn doanh nghiệp của các quốc gia khác đã sang Việt Nam tìm hiểu rất kĩ về thị trường. Nhưng đối với doanh nghiệp các hiệp hội Việt Nam việc đi tìm hiểu thị trường vẫn còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này”, ông Nam nói.
Theo đó, ASEAN là thị trường màu mỡ với hơn 680 triệu dân và doanh nghiệp Việt Nam cần thâm nhập và thúc đẩy hàng hoá vào thị trường này bằng những hành động cụ thể. Đơn cử như việc nghiên cứu thói quen, văn hoá của người tiêu dùng trong khu vực từ đó đưa ra những mẫu mã hàng hoá, bao bì phù hợp.
Dù có nhiều cơ hội để phát triển, song doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn. Ông Nathanael Lim cho biết các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam được dự đoán sẽ phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lao động. Bên cạnh đó, năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới, trình độ chuyên môn còn chưa cao.
“Ngoài ra, tính dễ tổn thương của nền kinh tế, sự phụ thuộc tương đối vào nhu cầu bên ngoài và giao dịch hàng hoá ở quy mô lớn dẫn đến việc các nước ASEAN dễ bị chi phối bởi tài chính và kinh tế toàn cầu”, Nathanael Lim nêu thách thức.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhận định bên cạnh thách thức từ sức ép cạnh tranh lớn hơn khi hàng hoá đến từ nhiều thị trường khác nhau, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với thách thức đến từ nguồn nhân lực khi trong tương lai sự dịch chuyển lao động từ các quốc gia, cạnh tranh về trình độ lao động đối với thị trường lao động trong nước.