Thể hiện vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế

0
95
(Ông Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc)
(Ông Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc)

Ông Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thành công và đóng góp của Việt Nam vào công việc chung của Liên hợp quốc cùng định hướng lớn trong năm 2021.

Thưa Đại sứ, Việt Nam đã đóng góp những gì vào công việc chung của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc trong năm 2020?

Hiến chương Liên hợp quốc trao cho HĐBA đảm nhiệm trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, Hội đồng có 3 mảng công việc chính là ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột và xử lý các vấn đề nảy sinh. Và để triển khai nhiệm vụ của mình, hàng năm, Hội đồng tổ chức hàng trăm cuộc họp, tham vấn trực tiếp và hàng chục chuyến thăm thực địa tại các khu vực có xung đột vũ trang.

Nhưng năm 2020, sau khi Việt Nam và Bỉ hoàn thành tháng Chủ tịch vào tháng 1 và tháng 2 thì Covid-19 nổ ra. Trụ sở chính Liên hợp quốc đóng cửa. HĐBA dừng họp. Vấn đề đặt ra là, HĐBA phải làm sao để tiếp tục công việc của mình trong bối cảnh các thách thức đối với hòa bình, an ninh quốc tế sẽ gia tăng do tác động của đại dịch, nhất là ở các khu vực có xung đột vũ trang.

Sau 2 tuần tham vấn, tranh luận khá căng thẳng, HĐBA đã nhất trí về phương pháp làm việc mới. Các cuộc họp tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với cường độ thậm chí còn dày đặc hơn trước trong một số lĩnh vực; các phương thức làm việc linh hoạt, sáng tạo được áp dụng như bỏ phiếu bằng văn bản thay cho bỏ phiếu trực tiếp, thương lượng văn bản trực tuyến hay thậm chí chiêu đãi trực tuyến. Đến nay, phần lớn các nước thành viên Liên hợp quốc và dư luận quốc tế cho rằng, HĐBA đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong những nỗ lực chung ấy,Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình tranh chấp. Việt Nam cũng đã góp phần vào cải cách phương pháp làm việc của HĐBA, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VIII của Hiến chương; bảo vệ thường dân, các cơ sở dân sự trong xung đột vũ trang; giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế – xã hội.

Chúng ta đã đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng 1/2020, tháng đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ này. Và đã đặt dấu ấn Việt Nam với việc tổ chức cuộc thảo luận mở và thông qua Tuyên bố Chủ tịch về chủ đề: “Thượng tôn Hiến chương Liên hợp quốc trong bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế” với số lượng các nước thành viên tham gia đông nhất trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc.

Trong năm qua, hợp tác Liên hợp quốc – ASEAN đã được thúc đẩy, trong đó đã có 3 kỷ lục của Nghị quyết hợp tác Liên hợp quốc – ASEAN được thiết lập. Đại sứ có thể nói rõ hơn về các kỷ lục này?

Tuy 2020 là năm thực sự khó khăn, nhưng hợp tác Liên hợp quốc – ASEAN đã có những điểm bứt phá khá thú vị. Trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Việt Nam đã đề xuất trao đổi về hơp tác Liên hợp quốc – ASEAN tại HĐBA Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên, HĐBA Liên hợp quốc trao đổi về vấn đề này.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại New York, ta cũng đã chủ trì xây dựng nội dung, thương lượng và thúc đẩy Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết hợp tác Liên hợp quốc – ASEAN bằng đồng thuận với 3 kỷ lục về thời gian tham vấn các bên ngắn nhất, thời gian vận động ngắn nhất và số nước đồng bảo trợ nhiều nhất.

Một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam tại Liên hợp quốc trong năm 2020 là đã xây dựng và đạt được Nghị quyết đầu tiên của Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Thành tựu này có ý nghĩa quan trọng như thế nào thưa Đại sứ?

Ngày 27/12/2020, lần đầu tiên, thế giới tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy các nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WTO) có thông điệp. Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ có thông điệp về tầm quan trọng và các biện pháp cần triển khai để tiếp tục và tăng cường phòng chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam về việc xây dựng và thông qua Nghị quyết về Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh (27/12) đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên Liên hợp quốc. Các nước Canada, Nigeria, Senegal, Saint Vincent& Grenedines và Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam. Bên cạnh đó, hơn 100 nước thành viên Liên hợp quốc tại tất cả các khu vực đã tham gia bảo trợ Nghị quyết.

Đây cũng là một hành động cụ thể của Việt Nam triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Các đóng góp cụ thể như trên đã góp phần thể hiện vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong việc đưa ra ý tưởng về Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh là gì, thưa Đại sứ?

Việc Việt Nam đưa ý tưởng và thúc đẩy Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết này vừa có mặt thuận, nhưng cũng rất nhiều khó khăn.

Thuận vì trong bối cảnh Covid-19, các nước đều quan tâm đến chủ đề này. Ý tưởng của Việt Nam về việc phải nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai mang tính thiết thực lớn và có tầm ảnh hưởng lâu dài.

Khó khăn vì khi xảy ra Covid-19, tại Liên hợp quốc cùng lúc xuất hiện rất nhiều đề xuất, sáng kiến về chủ đề này, trong khi quan điểm về nội hàm, nguồn gốc, tác động của đại dịch cũng như trách nhiệm, vai trò của các thành phần liên quan trong phòng chống và ứng phó đại dịch có sự khác nhau rất lớn, thậm chí là gay gắt. Thực tế, nhiều đề xuất của các nước đưa ra vào thời điểm này sau đó đã không được thông qua và chỉ được sử dụng là thành tố trong một nghị quyết chung về Covid -19.

Để thành công, ta phải tìm hiểu, chắt lọc các ngôn ngữ đã được nhất trí tại các văn bản trước đây để xây dựng nghị quyết; xây dựng một lộ trình tiếp cận phù hợp và thống nhất trước các nguyên tắc trước khi bước vào đàm phán cụ thể với các nước. Đối với các khác biệt, ta giữ vững các nguyên tắc cơ bản như đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, vai trò của các cơ quan Liên hợp quốc, đặc biệt là WHO trong phòng chống bệnh dịch, đồng thời khẳng định trách nhiệm, vai trò và chủ quyền của các quốc gia trong vấn đề này.

Chúng ta đã bước vào năm 2021, vậy phương hướng, mục tiêu trong năm thứ 2 của Việt Nam tại HĐBA Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021 là gì, thưa Đại sứ?

Năm 2021, tình hình thế giới sẽ còn có nhiều biến động, Covid-19 có thể sẽ được kiểm soát ở mức độ nào đó, nhưng  tác động do nó để lại còn rất lớn, những diễn biến mới, khó lường cũng có thể xảy ra. Trong khi đó, những cuộc xung đột hiện nay từ Syria, Lybia, Yemen, khu vực Sahel, Afghanistan đến Ethiopia hay Somalia… đang tiếp diễn. Vấn đề hạt nhân Iran hay mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và xung đột vẫn diễn biến phức tạp…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng các ưu tiên mà ngay khi chúng ta tham gia HĐBA Liên hợp quốc đã đưa ra, đặc biệt là đề cao luật pháp quốc tế và thực thi các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các biện pháp ngăn ngừa xung đột, quan tâm đến các vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, cơ sở hạ tầng tại các nơi xung đột, chú trọng tìm kiếm các giải pháp khắc phục hậu quả sau xung đột như khôi phục kinh tế – xã hội và giải quyết hậu quả bom mìn. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các vấn đề liên quan vai trò của phụ nữ trong hoà bình, an ninh, giải quyết các thách thức liên quan biến đổi khí hậu trong xung đột. Một nội dung rất quan trọng nữa là thúc đẩy các hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó có các hoạt động gìn giữ hoà bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc…

Chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng các nước thành viên HĐBA Liên hợp quốc cũ và mới, để thúc đẩy thực hiện các ưu tiên này.

(Thanh Tùng/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here