Tính đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 131 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 7,29 tỷ USD của 9 quốc gia, trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Kể từ dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên có mặt trên địa bàn (năm 1993) với tổng vốn đầu tư trên 21,7 triệu USD của nhà đầu tư Singapore, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 131 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 7,29 tỷ USD của 9 quốc gia, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, từ năm 1993 đến hết năm 2011 việc thu hút đầu tư FDI chỉ tăng trưởng trung bình từ 1 đến 2 dự án/năm và trong cả giai đoạn này Thái Nguyên mới thu hút được 23 dự án với tổng vốn đầu tư 106,8 triệu USD. Tuy nhiên từ năm 2012 trở lại đây, tốc độ thu hút đầu tư dự án FDI tại Thái Nguyên tăng vượt bậc.
Đặc biệt là năm 2013 khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) triển khai dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên) đã đưa Thái Nguyên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 22 dự án cấp mới, tổng vốn trên 3,4 tỷ USD.
Nhờ “hiệu ứng” thu hút đầu tư từ tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm phụ trợ cho Samsung, trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, thu hút đầu tư FDI ở Thái Nguyên đã tăng gấp 6 lần về số lượng và tăng xấp xỉ 70 lần về vốn đầu tư so với cả giai đoạn 1993 – 2012…
Ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyêncho biết, để có được những kết quả vượt bậc trong thu hút đầu tư FDI, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, phổ biến lan tỏa các chính sách nhà nước, tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn và cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, huy động các nguồn vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp trọng điểm như: Điềm Thụy, Yên Bình, Nam Phổ Yên…
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư thật sự có năng lực về tài chính cũng như năng lực về chuyên môn, đặc biệt là quan tâm đến các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ…. Các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở phối hợp, song hành cùng nhà đầu tư đảm bảo một môi trường an ninh bền vững giúp đỡ các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn bó lâu dài với Thái Nguyên…
Cũng theo ông Hoàng Thái Cương, tỉnh Thái Nguyên hiện đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc và một số nước khác.
Tuy nhiên, trong chiến lược thu hút đầu tư ở giai đoạn mới, Thái Nguyên xác định cần thu hút đầu tư nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI.
Do vậy, tỉnh đang xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thu hút FDI, rà soát khung chính sách FDI, kịp thời có các giải pháp cụ thể giúp đẩy mạnh thu hút FDI vào các lĩnh vực ưu tiên.
Trước mắt, tỉnh tập trung vào một số giải pháp chính như: tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư.
Cùng đó, kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, dự án ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; tăng cường vận động, thu hút các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, tỉnh tạo mối liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng, đầu tư mới các khu, cụm công nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI triển khai dự án đầu tư.
Nguồn: Hoàng Thảo Nguyên/TTXVN