Nếu Tổng thống Mỹ làm đồng đô la sụt giá ?

0
84

Với việc tăng giá 8% kể từ đầu năm 2018, giá trị của đồng đô la Mỹ đang tiến sát đỉnh điểm cao chưa từng thấy kể từ hơn một thập kỷ nay. Các chỉ số trên thị trường cho thấy dấu hiệu đồng bạc xanh sẽ còn tiếp tục tăng giá trong những tháng tới.

Thoạt nhìn, điều này dường như đang đi đúng hướng của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn «mang lại sự vĩ đại cho nước Mỹ». Người ta có thể nghĩ rằng đồng đô la mạnh hơn có nghĩa là những chính sách về kinh tế của ông Trump nhằm thúc đẩy tăng trưởng đang vận hành tốt. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng hơn sẽ thấy mọi việc phức tạp hơn nhiều. Do vậy, có thể sắp tới ông Trump sẽ phải làm đông đô la sụt giá mạnh.

Vai trò của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed)

Đồng đô la lên giá không hoàn toàn do trách nhiệm của ông Trump. Nhưng, thậm chí nếu như ông muốn vậy, thì đồng đô la mạnh cũng không thực sự tốt cho những mục tiêu chính trị của ông và tỷ giá hối đoái cũng không là một biện pháp giúp đồng đô la mạnh thực sự.

Chính quyền Mỹ có lẽ muốn mọi người tin rằng việc đồng đô la lên giá phản ánh sự tăng trưởng kinh tế nhanh, là kết quả của chương trình bãi bỏ các quy định, giảm thuế mạnh mẽ và giảm chi tiêu quốc phòng rộng dãi. Sau nhiều năm quản lý yếu kém, Chính quyền Mỹ nay đã thành công trong việc lấy lại lòng tin của các doanh nghiệp: nước Mỹ cuối cùng đã ở đúng tầm cao tiềm năng của mình.

Tuy nhiên, đa số các nhà kinh tế đều cho rằng việc đồng đô la lên giá là do lãi suất tăng cao. Trong nỗ lực ngăn chặn lạm phát, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed trong năm nay đã hai lần tăng lãi suất cơ bản và cũng đã thông báo từ nay đến cuối năm sẽ tăng tiếp lãi suất hai lần nữa. Khi lãi suất của Mỹ tăng cao, các dòng vốn tài chính cũng sẽ tăng, điều này sẽ dẫn tới nhu cầu về đồng đô la tăng lên. Do vậy, hiên nay tiền bạc từ khắp thế giới đang đổ về Mỹ.

Tình hình hiện nay không khác tình hình trước đây dưới các thời tổng thống tiền nhiệm thuộc phe cộng hòa của ông Trump. Các cựu Tổng thống Ronald Reagan và George W. Bush cũng đã thực hiện giảm thuế mạnh mẽ, kéo theo thâm hụt ngân sách khiến Fed phải tăng lãi suất. Khi đó, đồng đô la đã lên giá một cách ngoạn mục (tăng thêm tới 60% giá trị dưới thời Tổng thống Ronald Reagan từ 1981 đến 1985). Ngày nay, Fed một lần nữa đang hành động một cách động lập để khắc phục tác động của lạm phát từ việc mở rộng ngân sách. Vì vậy, nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm về đồng đô la lên giá thì đó chính là Fed.

Làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại

Tuy nhiên, có thể ông Trump sẽ nói rằng đồng tiền yếu là của những người «thua cuộc». Và ông có thể huênh hoang về sức mạnh của đồng đô la khi ông đối chọi với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với việc đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá gần 60% kể từ đầu năm nay. Nhưng mặc dù tỷ giá hối đoái mạnh của đồng đô la có thể đề cao cái tôi của ông Trump thì điều này theo một nghĩa rộng hơn cũng không nhất thiết phục vụ cho chương trình của ông ta. Việc đồng đô la lên giá sẽ làm tăng giá hàng xuất khẩu và giảm chi phí tổng thể nhập khẩu, như vậy sẽ không tạo thuận lợi cho xuất khẩu, và khuyến khích nhập khẩu, điều này đi ngược lại với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Trump.

Ám ảnh về thâm hụt thương mại đã buộc ông Trump phải tăng thuế hải quan đối với nhập khẩu thép, nhôm và một loạt sản phẩm đến từ Trung Quốc. Nhưng điều mỉa mai là đánh thuế cao hàng nhập khẩu sẽ làm tăng lạm phát trong nước, điều này có thể buộc Fed phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Hậu quả là đồng đô la tiếp tục tăng giá hơn nữa và làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại như đã từng xảy ra dưới thời các Tổng thống Reagan và Bush.

Cuối cùng, cần phải nhớ lại rằng những động thái ngắn hạn trên các thị trường hối đoái không phải là phương tiện tốt để đánh giá sức mạnh ngầm của một đồng tiền ngoại tệ. Các xu hướng dài hạn trong cách mà đồng tiền được sử dụng ở bình diện quốc tế – đặc biệt đối với những đồng tiền dự trữ có giá trị cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng trung ương – mới có tính biểu lộ nhiều hơn.

Các cách thức thay thế cho đồng đô la

Trong nhiều thập niên qua, không một đồng tiền nào được sử dụng nhiều như đồng đô la. Nhờ sự thống trị của đồng bạc xanh, nước Mỹ đã từ lâu được hưởng «sự ưu ái quá đáng» như cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing đã từng nêu. Chừng nào người nước ngoài còn ham muốn đồng đô la, thì Mỹ còn có thể chi tiêu mua sắm những gì mà họ cần để thể hiện sức mạnh của họ trên toàn thế giới. Để trả tiền cho tất cả những mua sắm này, Mỹ chỉ cần in thêm tiền. Nhưng những chính sách hiếu chiến của ông Trump đang khiến vị thế được ưu ái này của Mỹ gặp rủi ro. Khẩu hiệu « Nước Mỹ trên hết » mang đầy tính bảo hộ của ông đang mang lại những đám mây u ám của chủ nghĩa dân túy bài ngoại, và việc ông sử dụng thuế hải quan như một công cụ để hù dọa đang làm ông xa dần cả bạn bè lẫn kẻ thù. Ông càng theo đuổi những chính sách hiếu chiến này thì càng có khả năng các thị trường sẽ dần dần hướng tới những đồng tiền khác thay thế đồng đô la. Cuối cùng thì đồng đô la sẽ yếu dần đi và sự ưu ái quá đáng của nước Mỹ cũng như ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới sẽ tan tành thành mây khói.

Ngoài ra, Trung Quốc đã thuyết phục được Nga chấp nhận sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán mua khí gas, thay vì chỉ bằng đồng đô la như trước đây. Gần đây nhất, Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị để thanh toán mua dầu thô nhập khẩu bằng đồng nhân dân tệ. Chẳng hạn đầu năm nay, Trung Quốc đã tung ra một thị trường dầu ngắn hạn tại Thượng Hải mà dường như để dành cho hình thành giá đối chiếu bằng đồng nhân tệ, bên cạnh giá đối chiếu dầu thô brent và West Texas Intermediate. Nếu thành công, thị trường Thượng Hải cũng có thể sẽ áp dụng thay đổi phương thức thanh toán đối với mua bán các nguyên liệu khác. Tất cả những điều này sẽ làm giảm sức mạnh của đồng đô la.

Cũng vậy, một số nước khác đang tìm cách «lách» các trừng phạt của Mỹ đối với các nhà sản xuất dầu lửa Iran. Ấn Độ chẳng hạn đã thanh toán một phần dầu lửa mua của Iran bằng nguyên liệu hơn là bằng đồng đô la. Nga và Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt bằng vàng để giảm phụ thuộc vào kho dự trữ bằng đồng đô la. Riêng hai nước này đã mua 10% của tổng số vàng hiện có trên thị trường thế giới.

Tóm lại, mặc dù hiện nay đang lên giá đến đỉnh điểm, đồng đô la Mỹ về dài hạn có thể sẽ yếu đi do tác động của chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump. Không những không giúp đem lại được sự vĩ đại cho nước Mỹ, ông Trump dường như đang đẩy nhanh sự xuống dốc của kinh tế Mỹ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here