Thái Lan và bài toán thoát bẫy thu nhập trung bình

0
549
Nền kinh tế trị giá 505 tỷ USD của Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư thấp và tiến bộ đổi mới hạn chế. (Nguồn: Bangkok Local Expert)
Nền kinh tế trị giá 505 tỷ USD của Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư thấp và tiến bộ đổi mới hạn chế. (Nguồn: Bangkok Local Expert)

Từ những năm 1970 đến những năm 2000, kinh tế Thái Lan được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng có mức thu nhập trung bình thấp và nước này đã nhích lên vị trí thu nhập trung bình cao vào năm 2011. Tuy nhiên, căn cứ vào tình trạng bất ổn chính trị hiện nay, cũng như sự yếu kém của các thể chế quản trị, dự báo Thái Lan có thể vẫn sẽ thuộc nhóm các nước có mức thu nhập trung bình trong rất nhiều năm tới. Điều này đã trở thành một “vấn đề khó giải quyết” đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia Đông Nam Á này.

Trong bài phân tích mới đây trên tờ Bangkok Post, hai chuyên gia của trường Quản lý Hành chính Địa phương (COLA) thuộc Đại học Khon Kaen, bao gồm nguyên hiệu trưởng Peerasit Kamnuansilpa và nghiên cứu sinh Le Anh Khan Minh nhận định trong gần 5 thập kỷ qua, Thái Lan là nạn nhân của bẫy thu nhập trung bình.

Trở ngại lớn nhất

Kể từ khi trở thành một nước có mức thu nhập trung bình cao, Thái Lan nhìn chung không còn là một nền kinh tế có chi phí nhân công thấp, tay nghề người lao động thấp, sử dụng nhiều nhân công và phụ thuộc vào nông nghiệp nữa mà đã trở thành một trung tâm chế tạo điện tử, xe hơi và y tế. Thái Lan có những thành tích xuất khẩu đáng chú ý như đứng thứ hai thế giới về ổ đĩa cứng, đứng thứ sáu về lốp cao su, đứng thứ bảy về các thiết bị máy tính, và đứng thứ 12 về các sản phẩm máy móc. Nước này đang thành công trong việc trở thành một bên tham gia mạnh vào chuỗi sản xuất công nghệ cao toàn cầu.

Thế nhưng, bất chấp việc đó, Thái Lan vẫn mòn mỏi nằm trong nhóm những nền kinh tế có mức thu nhập trung bình. Thái Lan đã không thể cạnh tranh với các nước láng giềng như Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam về tiền lương và chi phí đầu vào cũng như không thể bắt kịp với những nước trong khu vực về sự đổi mới và những công nhân lành nghề như Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc. Kết quả là nền kinh tế trị giá 505 tỷ USD của Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư thấp và tiến bộ đổi mới hạn chế, đặc biệt trong ngành chế tạo công nghệ cao, đòi hỏi có nhiều tri thức.

Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy một giải pháp nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Năm ngoái, Chính phủ nước này đã công bố một kế hoạch tổng thể kéo dài 20 năm với tên gọi “Thailand 4.0” để nâng cấp vị thế phát triển của đất nước.

Ở tâm điểm, chính sách này nhằm thúc đẩy sự đổi mới và công nghệ thông qua kênh đầu tư công và ưu đãi thuế. Tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Thái Lan không đặt ra hạn chế hoặc điều kiện nào cho chế tạo và xuất khẩu. Hơn nữa, các cơ quan chính phủ cũng đã được thành lập nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài thông qua thông tin thị trường và gặp gỡ kinh doanh.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là sự ổn định xã hội-chính trị. Bất ổn chính trị được coi là một trong những nhân tố chính làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. Kể từ khi thay đổi chế độ từ quân chủ tuyệt đối sang quân chủ lập hiến năm 1932, quốc gia này đã chứng kiến 13 cuộc đảo chính và thêm vào đó là các cuộc khủng hoảng chính trị, với hai cuộc đảo chính gần đây thuộc loại tàn phá nhất về mặt xã hội-kinh tế.

Tại Thái Lan, bất ổn chính trị đã là mặc định trong 87 năm qua. Sau cuộc đảo chính gần đây nhất vào năm 2014, Thái Lan phải mất 5 năm để tổ chức tổng tuyển cử bầu ra một chính phủ mới. Sau cuộc đảo chính, Mỹ và Liên minh châu Âu đã bày tỏ những lo ngại mạnh mẽ về các hiệp định thương mại khi đó đang trong quá trình thương lượng và hối thúc Thái Lan thành lập một chính phủ mới cũng như bảo toàn dân chủ. Các cuộc biểu tình đã diễn ra để phản đối rất nhiều trì hoãn trước khi cuộc bầu cử cuối cùng xuất hiện. Những trì hoãn đó, cùng việc kiểm phiếu không theo quy tắc sau đó, đã khiến cho chính phủ mới phải vật lộn để lấy lại niềm tin từ các đối tác phát triển chiến lược của Thái Lan.

* Cần một nỗ lực toàn diện

Sau cuộc bầu cử, đồn đại của công chúng đã tăng lên về những bất bình thường và việc thiếu minh bạch trong cách thức mà khu vực công làm kinh doanh và cung cấp các dịch vụ. Sự hoài nghi này được nhấn mạnh bởi việc Thái Lan chỉ được có 36/100 điểm về tính liêm trực của các thể chế chính phủ trong báo cáo Minh bạch Quốc tế 2018.

Những khía cạnh khó giải quyết của vấn đề này nằm trong tính chất liên kết của nó với những vấn đề khác. Bất ổn chính trị báo hiệu các thể chế yếu nhưng lại gắn với những yêu cầu về các hoạt động kinh tế. Khi tham nhũng tồn tại và các quyền bị phớt lờ, cạnh tranh không thể công bằng và tòa án không được tin cậy để bảo vệ các quyền của người tiêu dùng. Những điều này khiến đầu tư trở nên rủi ro hơn, do đó kém hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo công nghệ cao vốn đã rủi ro, nhưng hoạt động trong một môi trường rủi ro cao như Thái Lan thì không phải là một sự đánh cược tốt. Tình hình này trở thành một vòng xoáy liên tục khi bất ổn chính trị tạo ra những điều kiện kinh doanh không thuận lợi. Do đó, đất nước không thể thu hút đầu tư lớn hơn từ các khu vực tư nhân và nước ngoài, đặc biệt trong đổi mới và sản xuất các sản phẩm dựa trên nền tảng tri thức, vốn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người lao động.

Tại Thái Lan, nguy cơ hỗn loạn chính trị hơn nữa không thể bị loại trừ và kinh nghiệm trước đây cho thấy lo ngại về một sự cố như vậy có thể chứng minh là đúng. Hơn nữa, trong khi chiến lược “Thailand 4.0” cố gắng giải quyết bẫy thu nhập trung bình, không có sự đồng thuận để giải quyết những bất ổn chính trị liên tiếp. Tranh giành quyền lực và lợi ích kinh tế vẫn diễn ra dai dẳng và niềm tin của công chúng đã trở nên xấu đi sau cuộc bầu cử năm 2019, vốn bị nhìn nhận là không công bằng trên quy mô toàn cầu. Sự can dự dai dẳng của quân đội vào các sự vụ công cùng các cơ chế của quân đội như chế độ nghĩa vụ quân sự cũng đang bị chỉ trích mạnh. Rõ ràng, một tầm ảnh hưởng chính trị như vậy không mang lại sự thuận buồm xuôi gió cho tăng trưởng kinh tế.

Việc phá vỡ vòng tròn khắc nghiệt này đòi hỏi một nỗ lực toàn diện ngay từ đầu, tập trung vào quản trị vững mạnh, dân chủ và những thể chế chính trị tốt hơn. Ví dụ, việc khôi phục ủy ban nhân quyền quốc gia có thể mang lại tính hợp pháp đạo đức lớn hơn.

Trong khi đó, giải quyết tham nhũng là một nhiệm vụ cần thiết khác để duy trì tính cạnh tranh. Đảm bảo tính minh bạch và có thể kiểm chứng thông qua chính phủ mở và các trang web đấu thầu minh bạch sẽ hàn gắn niềm tin của công chúng và của các đối tác quốc tế. Các chính đảng cần thúc đẩy những thỏa hiệp mà có thể làm hồi sinh các thể chế. Ví dụ, các đảng từ cả hai phía của sự chia rẽ chính trị cần mạnh mẽ hỗ trợ phi tập trung hóa thông qua tự trị địa phương và bầu cử ở tất cả các cấp chính quyền.

Chỉ khi Thái Lan bắt đầu giải quyết những tồn tại đó, nước này mới có thể mang lại một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nhằm giải phóng một nền kinh tế đổi mới, dựa trên tri thức, để cuối cùng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ngọc Quang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here