Về nguyên tắc, năm 2019 kinh tế thế giới sẽ hạ cánh nhẹ nhàng. Tuy nhiên kịch bản này còn xa mới đạt được. Những bất trắc về thương mại và chính trị có thể tạo ra sự chệch hướng nguy hiểm.
Cách đây 3 tháng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt gần 4%. Nhưng dự báo này đã không còn cập nhật. Các con số đưa ra ngay từ mùa thu năm 2018 chỉ rõ có sự giảm sút. Cuối tháng 11/2018, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 sẽ là 3,5%.
Về cơ bản, chính sách phối hợp chung trên thế giới về ngân sách và tiền tệ sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng, cho phép kinh tế thế giới hạ cánh nhẹ nhàng. Tuy vậy đang có ba tín hiệu cho thấy những rủi ro.
Tín hiệu thứ nhất đã xuất hiện trong năm 2018 tại các nước mới nổi bị thâm hụt thương mại (Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil…). Các nước này đang bị đe dọa bởi rủi ro các dòng vốn để bù đắp cho thâm hụt thương mại bị dừng đột ngột vốn tạo ra những khủng hoảng lớn tại các nước đang phát triển từ 40 năm qua.
Tín hiệu thứ hai đến từ thương mại thế giới. Kể từ khi khủng hoảng xảy ra, trao đổi thương mại thế giới luôn thấp hơn tăng trưởng. Năm 2017, thương mại thế giới tăng tốc, tăng trưởng đạt 5,2%, nhưng sau đó đã quay lại chiều hướng đi xuống. Do vậy, thương mại thế giới không còn đóng vai trò động lực thúc đẩy sản xuất, trái ngược với những gì đã xảy ra trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tín hiệu thứ ba và chắc chắn là tín hiệu đáng ngại nhất là về chính trị. Trào lưu chủ nghĩa bảo hộ do Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn dắt đang dâng cao, đã tác động tiêu cực tới đầu tư và sẽ tác động tiêu cực đến thương mại thế giới. Nhưng đây cũng chỉ là một phần của vấn đề. Tại mỗi cường quốc kinh tế lớn đều có mối nguy hiểm đáng kể về mất kiểm soát có thể khiến kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào hỗn loạn, ví dụ như Brexit.
Tại châu Mỹ, chính Tổng thống Donald Trump đang đem đến sự rủi ro này. Ông đang gieo rắc mọi cơn bão và không ai có thể dự đoán được những gì ông sẽ làm nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cao hơn nữa.
Tại châu Âu, nguy cơ chia rẽ của EU rất mạnh sau bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới. Nguy cơ này trước tiên có thể đến từ Italia, từ Pháp trong trường hợp có những xáo trộn chính trị, từ Đức trong trường hợp quá trình thay thế Thủ tướng Angela Merkel được đẩy nhanh, từ các nước Bắc Âu đã quá mệt mỏi.
Tại Trung Quốc, nguy cơ mang một bản chất khác: Bắc Kinh dường như ngày càng khó khăn trong việc thúc đẩy kinh tế với các khoản nợ tăng với tốc độ phi mã và một chính quyền lấy tính chính đáng cho mình từ lời hứa tăng trưởng.
Tóm lại, chúng ta phải thận trọng, phải thắt dây an toàn khi chiếc máy bay kinh tế thế giới đang hạ cánh xuống đường băng.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp – tổng hợp từ Les Echos ngày 8/1/2019).