Tăng cường ngăn chặn hành vi gian lận thương mại

0
101
(Internet)
(Internet)

Trong bối cảnh thương mại ngày càng phức tạp và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng ngày càng nhiều, các hành vi gian lận thương mại đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi hơn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để hạn chế nguy cơ bị khởi kiện lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.

Gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa là đối tượng của biện pháp có khả năng tìm cách sử dụng xuất xứ của một nước thứ ba để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nước nhập khẩu đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Khi một mặt hàng xuất khẩu của một quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, khả năng cạnh tranh của mặt hàng này khi xuất khẩu trực tiếp sẽ giảm, vì vậy có thể xuất hiện hiện tượng được gọi là chuyển hướng thương mại, đó là xuất khẩu từ quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại giảm, trong khi xuất khẩu từ các quốc gia khác có xu hướng tăng.
Cục Phòng vệ thương mại – phân tích, việc chuyển hướng thương mại như vậy có thể dẫn tới việc gia tăng năng lực sản xuất của quốc gia do mở rộng đầu tư, nhưng cũng có thể xuất phát từ hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc đầu tư nhưng chỉ thực hiện một số công đoạn sản xuất tạo ra giá trị gia tăng không đáng kể tại quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa không chỉ gây ảnh hưởng tới thương hiệu hàng hóa Việt Nam mà còn gia tăng nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị các nước nhập khẩu tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê, xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có những cảnh báo, lưu ý các hiệp hội, doanh nghiệp và thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.

 

Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để ngăn chặn những hành vi lợi dụng có tính chất cá biệt của một vài doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng của đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bộ Công Thương cùng với các Bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Tuy vậy, đại diện Cục Phòng vệ thương mại – nhấn mạnh, dù các Bộ, ngành đã nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát nhưng vẫn tồn tại nguy cơ lẩn tránh biện pháp pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung diễn biến phức tạp, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ

Trong bối cảnh gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chuyển tải bất hợp pháp có những diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Cục Phòng vệ thương mại – cho biết, ngay sau khi Đề án và Nghị quyết được ban hành, Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ Công Thương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, thành lập các tổ công tác liên quan, khẳng định quyết tâm trong việc phòng chống, phát hiện, xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Đặc biệt, để có căn cứ xác định trọng tâm đấu tranh phòng chống tình trạng lẩn tránh phòng vệ thương mại, sau khi đề án được ban hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và trang thông tin điện tử của Bộ, gửi các Bộ/ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố phối hợp theo dõi; phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, các Bộ/ngành cũng đang tích cực rà soát các quy định pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp lý tạo hành lang pháp lý cho công tác triển khai đề án với mục tiêu để tăng hiệu quả thực thi. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng tăng cường giám sát, đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, theo Cục Phòng vệ thương mại, ngoài nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để hạn chế nguy cơ bị khởi kiện lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ. Doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp: thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. “Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính”, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị.

(Hoa Quỳnh/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here