Tin Kinh tế Mỹ

0
47
(AFP)
(AFP)

1. Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ thúc đẩy các dự luật nhắm vào Trung Quốc

Ngày 21/4/2021, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã đưa ra một dự luật gồm nhiều điều khoản nhằm đối phó với Trung Quốc, trong khi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (D-NY) và Thượng nghị sĩ Todd Young (R-IN) đã giới thiệu phiên bản mới nhất của một dự luật riêng để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc –  “Đạo luật không biên giới” mở rộng.

Trước đó, Chủ tịch Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez (D-NJ) đã giới thiệu “Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược”, kêu gọi sự ủng hộ của lưỡng đảng. Dự luật đã được Ủy ban thông qua với tỉ lệ áp đảo 21-1 vào ngày 21/4. Đạo luật nêu một loạt ưu tiên của chính quyền để đối phó với Trung Quốc và xây dựng các chương trình khuyến khích doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Menendez phát biểu “Với kết quả bỏ phiếu có sự ủng hộ mạnh mẽ lưỡng đảng, Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược trở thành đạo luật đầu tiên trong chuỗi các hoạt động lập pháp để Mỹ đối mặt với thách thức Trung Quốc trên mọi khía cạnh quyền lực, chính trị, ngoại giao, kinh tế, đổi mới, quân sự và thậm chí là văn hóa”.

TNS Jim Risch (R-ID) hoan nghênh sự thúc đẩy Đạo luật Cạnh tranh chiến lược nhưng lưu ý đạo luật này độc lập với Đạo luật không Biên giới. TNS Schumer đã mô tả Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược là một “thành phần tiềm năng” trong gói các sáng kiến lập pháp của ông.

Các TNS đã chấp thuận một sửa đổi do Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (D-NH) đưa ra nhằm giúp chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi và châu Mỹ Latinh. Mục tiêu là sẽ mở rộng các nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi tăng 200% trong 10 năm. Theo bà Shaheen “Hoạt động thương mại của Trung Quốc có nguy cơ làm suy yếu nhiều thập kỷ đầu tư của chúng ta vào Mỹ Latinh và châu Phi; đạo luật cần điều chỉnh để phát huy “vai trò điều phối một chiến lược hướng tới mục tiêu đào tạo cho các nhà ngoại giao Mỹ và tăng cường các phái đoàn thương mại tới cả 02 khu vực trên”.

Trong khi đó, Đạo luật không biên giới của các TNS Schumer-Young hướng tới phục hồi chuỗi cung ứng, mở rộng chương trình Sản xuất tại Mỹ của Bộ Thương mại và yêu cầu đánh giá những thách thức khoa học và công nghệ mới nổi mà Mỹ phải đối mặt. Đạo luật dự kiến kêu gọi ngân sách 100 tỉ USD cho Quỹ Khoa học Quốc gia từ năm tài chính 2022 đến 2026. Chương trình Sản xuất tại Mỹ sẽ nhận được 2,41 tỷ USD để mở rộng các chương trình hỗ trợ đổi mới và tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất trong nước. 10 tỷ USD được tài trợ cho các trung tâm công nghệ.

Dự luật đã được các nhóm công nghệ ca ngợi. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn John Neuffer cho rằng “Chất bán dẫn là nền tảng cho nền kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ, và quốc gia dẫn đầu về công nghệ chip sẽ có vai trò lớn trong việc triển khai các công nghệ thay đổi cuộc chơi trong tương lai”. “Chúng tôi hoan nghênh việc giới thiệu Đạo luật không biên giới, mong muốn được hợp tác với chính quyền Biden và Quốc hội để tiếp tục nỗ lực đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn trong nước”.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Jason Oxman bình luận “Để duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, Mỹ phải tiếp tục mở rộng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và tiến bộ công nghệ. “Chúng tôi biết ơn các Thượng nghị sĩ Schumer (D-NY) và Young (R-IN) vì sự lãnh đạo của lưỡng đảng trong việc tài trợ cho Đạo luật không Biên giới. Dự luật hứa hẹn sẽ tạo ra việc làm và cơ hội mới trong các cộng đồng trên khắp Mỹ. Chúng tôi kêu gọi Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua các biện pháp này”.

2. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm 23 nghìn tỉ USD của nền kinh tế thế giới vào năm 2050

Theo NYT, nhiệt độ tăng cao có thể làm giảm đáng kể nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050, khi năng suất cây trồng giảm, dịch bệnh lây lan và nước biển dâng làm biến mất các thành phố ven biển.

Theo báo cáo từ Swiss Re, một trong những nhà cung cấp bảo hiểm lớn nhất thế giới cho các công ty bảo hiểm khác, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm 11% đến 14%, tương đương khoảng 23,000 tỉ USD, sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2050 so với mức tăng trưởng không có biến đổi khí hậu. Patrick Saner, người phụ trách dự báo kinh tế vĩ mô toàn cầu cho Swiss Re, cho biết: “Phân tích của chúng tôi cho thấy những chi phí tiềm tàng mà các nền kinh tế có thể phải đối mặt nếu các chính phủ không hành động quyết đoán hơn về vấn đề khí hậu.”

Các dự báo được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung vào hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trực tuyến tại Washington ngày 22, 23/4 do Tổng thống Biden chủ trì, thúc giục các quốc gia nỗ lực nhiều hơn để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Biden dự kiến ​​sẽ cam kết cắt giảm khoảng một nửa lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030.

 Jerome Jean Haegeli, kinh tế trưởng của Swiss Re, cho biết các dự báo cũng có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của Swiss Re và các công ty bảo hiểm khác, những công ty quản lý khoảng 30 nghìn tỷ USD tài sản.

Theo Swiss Re, nếu các quốc gia thành công trong việc giữ nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng dưới 2 độ C so với mức trước công nghiệp – mục tiêu được đặt ra bởi Hiệp định Paris năm 2015, thì thiệt hại kinh tế sẽ là rất nhỏ, không quá 5%. Nhưng với mức phát thải hiện tại, nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ tăng thêm 2,6 độ vào năm 2050. Nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế của Mỹ sẽ thiệt hại hơn 7% so với kịch bản không có biến đổi khí hậu. Các quốc gia phương Tây khác như Canada, Anh và Pháp, có thể mất từ ​​6% đến 10% GDP. Ngay cả khi sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được giữ ở mức 2 độ, Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn 20% so với mức kỳ vọng vào năm 2050.

Trong khi đó, theo Donald L. Griffin, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Tai nạn Tài sản Mỹ cho biết trong 40 năm qua, Mỹ đã trải qua gần 300 thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu với mức thiệt hại hơn 1 tỷ USD mỗi vụ. Chỉ riêng năm ngoái, đã có 22 thảm họa gây thiệt hại hàng tỷ USD như vậy. Nếu biến đổi khí hậu tiếp tục không suy giảm, chi phí bảo hiểm rủi ro sẽ trở nên quá cao.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here