Tại sao Thủ tướng Anh Boris Johnson cân nhắc một Brexit không thỏa thuận

0
165
(Nguồn: Atlas-network)

Để có được một nhà nước năng động hơn, Anh có nguy cơ làm tăng chi phí xuất khẩu hàng hóa tới thị trường lớn nhất của nước này.

Tổn thất kinh tế mà COVID-19 gây ra sẽ được phục hồi, nhưng những tổn thất do Brexit lại là vĩnh viễn. (Nguồn: Atlas-network)

Thỏa thuận “kiểu Australia”

Với một nền kinh tế chịu tác động tàn phá của đại dịch COVID-19, Anh chí ít có thể tự hào về một ngành mới phát triển bùng nổ: Đó là hải quan. Theo một số ước tính của ngành này (những ước tính không bị các Bộ trưởng phản bác), thì số nhân viên hải quan có thể tăng thêm 50.000 người để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa Anh và EU theo những dàn xếp Brexit mới. Đội quân những người điền biểu mẫu này có thể sẽ nhanh chóng cạnh tranh với Quân đội Anh về quy mô.

Đảng của Thủ tướng Margaret Thatcher hiện đang giám sát việc thực hiện một trong những dự án lớn nhất của bà: Hình thành một thị trường chung EU rộng lớn, nơi những dòng chảy hàng hóa và dịch vụ không hề bị cản trở khi đi qua biên giới các nước châu Âu. Các bãi tập kết hàng hóa và các điểm kiểm tra đang được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan giữa Anh và EU. Hơn 350 triệu bảng Anh đã được chi cho việc hỗ trợ các công ty Anh hoàn thành các thủ tục hành chính rườm ra mà thỏa thuận Brexit của Boris Johnson tạo ra nhằm cho phép họ giao thương với Bắc Ireland, vốn cũng là một phần của Vương quốc Anh. Tất cả những điều này đang diễn ra nhằm chuẩn bị cho điều mà Thủ tướng Anh khẳng định là lựa chọn mà ông mong muốn về một thỏa thuận thương mại không có thuế quan với EU, khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit chấm dứt vào ngày 31/12.

Tuy nhiên, ngay cả thỏa thuận thương mại có giới hạn này cũng không chắc chắn. Khi vòng đàm phán thương mại thứ 8 với EU, một vòng đàm phán quan trọng, diễn ra tại London, Johnson đang cân nhắc về việc có nên gây thêm xích mích về thương mại giữa Anh và thị trường lớn nhất của nước này bằng cách cắt đứt quan hệ với khối 27 quốc gia vào cuối năm 2020 mà không hề ký kết một thỏa thuận thương mại nào hay không.

Trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, David Frost, trưởng đoàn đàm phán Anh, nói với Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán EU, rằng Anh dù miễn cưỡng nhưng sẽ bắt đầu cuộc sống mới bên ngoài EU mà không có một thỏa thuận thương mại nào giữa hai bên, trừ phi Brussels tôn trọng tư cách “một nước có chủ quyền” của Anh – tức là cho nước này quyền tự do quyết định vận mệnh kinh tế của mình. Frost nói: “Nếu họ không thể làm như vậy trong khoảng thời gian rất hạn chế còn lại, thì hai bên sẽ giao dịch dựa trên những điều khoản tương tự như giữa EU và Australia. Chúng tôi đang tăng cường chuẩn bị cho thời điểm năm 2020 kết thúc”.

Thỏa thuận “kiểu Australia” là cách diễn đạt mà Chính quyền ông Johnson ưa thích nhằm mô tả mối quan hệ với EU trong đó không bao gồm thỏa thuận thương mại tự do. Khác với thỏa thuận “kiểu Canada”, theo đó thuế quan được bãi bỏ nhưng vô vàn giấy tờ bổ sung và các cửa kiểm tra hải quan tại biên giới thương mại mới lại nảy sinh, một Brexit không thỏa thuận sẽ kéo theo thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa của cả Anh, khiến hàng xuất khẩu Anh trở nên đắt đỏ hơn.

Ông Johnson không muốn nhắc tới thiệt hại kinh tế nếu làm theo phương án này. Khi được hỏi vì sao các lựa chọn của chính phủ về thương mại gần đây không được đưa ra để đánh giá tác động, số 10 phố Downing trả lời: “Tác động kinh tế của thỏa thuận thương mại của Anh với EU đã được tranh luận rất nhiều trong 4 năm qua và đã có nhiều nghiên cứu kinh tế về vấn đề này”.

Theo ước tính chính thức gần đây nhất vào năm 2018, Anh sẽ mất 4,9% thu nhập trong 15 năm tới nếu rời khỏi EU với một thỏa thuận thương mại cơ bản. Theo kịch bản không thỏa thuận, con số này sẽ lên tới 7,7% trong cùng kỳ, so với việc ở lại khối. Sam Lowe, một chuyên gia thương mại thuộc Trung tâm cải cách châu Âu và là cố vấn của Chính phủ Anh, cho biết việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào cũng sẽ làm phức tạp thêm các phương diện khác trong các giao dịch của Anh với EU, làm hoen ố quan hệ giữa hai bên trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson khẳng định rằng mặc dù vậy đây vẫn là “kết quả tốt”, lập luận rằng điều này sẽ cho phép Anh áp dụng các chính sách của riêng mình mà không phải chịu sự can thiệp của EU, vốn khăng khăng cho rằng Anh phải tương đối tuân thủ các quy tắc của họ về việc giới hạn mức độ hỗ trợ của nhà nước dành cho ngành công nghiệp trong nước.

Tính toán quan trọng của Thủ tướng Anh trong thời gian tới là liệu kịch bản “không thỏa thuận” có xứng đáng với cái giá về chính trị và kinh tế của nó hay không – nhất là vào thời điểm nền kinh tế đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và vấn đề nền độc lập của Scotland đang quay trở lại nghị trình.
Một nhà ngoại giao EU nói: “Việc rời khỏi bàn đàm phán và lựa chọn phương án không thỏa thuận sẽ gây thiệt hại nặng nề hơn nhiều cho nền kinh tế và tình hình việc làm của Anh so với thiệt hại nó gây ra cho EU. Người ta có thể tự hỏi đây là một cuộc thương lượng thực sự hay không?

Nghề cá và trợ cấp
Bề ngoài, một thỏa thuận về hiệp định thương mại tự do hẳn nằm trong khả năng của Frost và Barnier khi họ đàm phán căng thẳng với nhau. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab mới đây khẳng định rằng chỉ có 2 khúc mắc còn tồn tại: một vấn đề có liên quan tới việc phân phối hạn ngạch đánh bắt cá, vấn đề còn lại liên quan tới cơ chế kiểm soát trợ cấp của nhà nước.
Bầu không khí đã trở nên u ám khi Johnson quyết định sử dụng công cụ lập pháp để bắt đầu xóa bỏ một phần hiệp ước Brexit mà ông đã đàm phán với EU vào tháng 10/2019 – cái được gọi là giao thức Bắc Ireland, trong khi Frost và Barnier đang thảo luận về mối quan hệ tương lai.

Thủ tướng Johnson đã tìm cách xoa dịu tình hình, trấn an Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng những thay đổi mà ông nghĩ tới chỉ là thay đổi nhỏ, nhưng Barnier khăng khăng cho rằng một thỏa thuận tương lai phải bắt đầu từ việc tuân thủ hoàn toàn hiệp ước quốc tế mà Thủ tướng Anh đã thương thuyết và Quốc hội Anh đã phê chuẩn cách đây chưa đầy 1 năm.

Về bản chất, các quan chức của cả hai bên cho rằng vấn đề nghề cá mang tính biểu tượng quan trọng nhưng có thể giải quyết được. Barnier mới đây đã nhắc lại rằng Brussels đã thay đổi lập trường “tối đa hóa” trước đây trong vấn đề ngư trường và đang tìm cách đạt được sự thỏa hiệp: “Tôi cho rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận. Đó là vấn đề về thiện chí”.

Các quan chức EU cho biết đề xuất của Anh hiện nay trên thực tế sẽ khiến sản lượng đánh bắt của Anh tăng gấp đôi, một kết quả mà Brussels lập luận rằng sẽ tàn phá các cộng đồng ven biển của EU. Theo kế hoạch của Brussels, các cuộc thảo luận về nghề cá sẽ tập trung vào những dàn xếp của chính phủ về bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai khi xét tới những khó khăn hiện tại trong việc đạt được tiến bộ về quyền đánh bắt trên thực tế.

Điểm mấu chốt thực sự là vấn đề trợ cấp nhà nước, mà đáng chú ý là việc Johnson và cố vấn hàng đầu đầy quyền lực của ông, Dominic Cummings, khăng khăng cho rằng Anh phải được tự do cung cấp trợ cấp công cho các công ty để giúp vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng COVID-19, nhằm biến đổi các khu vực “bị bỏ lại phía sau” và biến nguồn lực nhà nước thành cú hích thúc đẩy ngành công nghệ Anh.

Các nhà ngoại giao kỳ cựu nhận thấy rõ điểm trớ trêu trong đòi hỏi này. Kim Darroch, cựu Đại sứ Anh tại Brussels và Washington, nhớ lại cách thức các quan chức Bộ Tài chính Anh dưới thời Chính quyền Thatcher vào những năm 1980 thiết kế các quy tắc thương mại với mục đích chính là thúc đẩy cạnh tranh công bằng và ngăn chặn các quốc gia châu Âu khác tham gia cuộc chạy đua trợ cấp.

Ông nói: “Chúng tôi là những người ủng hộ các quy định cứng rắn về trợ cấp nhà nước một cách nhiệt tình nhất trong toàn EU. Những người tham gia việc đề ra cơ chế đó hẳn sẽ vô cùng kinh ngạc – hoặc không thể yên nghỉ ở thế giới bên kia – khi thấy ý tưởng lớn của chính quyền Bảo thủ hiện nay là can thiệp nhằm tạo ra một Thung lũng Silicon phiên bản Anh”.

Phố Downing khẳng định họ không muốn Anh trở thành một chế độ chú trọng trợ cấp. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Brussels về việc những cam kết như vậy có thể có được hiệu lực pháp lý như thế nào đối với một cơ quan quản lý độc lập.

Tuy nhiên, mọi việc đang hoàn toàn trái ngược với những gì mà nhiều người ở Brussels lo ngại sẽ xảy ra sau Brexit. Các cuộc tranh luận ban đầu tập trung vào việc liệu Anh có trở thành một nền kinh tế nước ngoài “kiểu Singapore”, cạnh tranh với EU bằng các mức thuế thấp và quy định lỏng lẻo hay không. Tuy nhiên, vì cần tăng thuế trong giai đoạn hậu đại dịch nhằm chi trả cho các chương trình chi tiêu ở các khu vực bầu cử phía Bắc vốn từng ủng hộ Công đảng, nên Johnson đã rút lại các kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp trước đó và thuế suất được dự kiến sẽ gia tăng.

Còn về việc giảm bớt quy định, công chúng không mặn mà với một nghị trình như vậy – quả thật, Thủ tướng đã hứa hẹn sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn. Hy vọng của Johnson về việc đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ đã vấp phải khó khăn khi công chúng và nông dân Anh phản đối ý tưởng nhập khẩu thịt bò được xử lý hormone hay thịt gà ngâm trong clo.

“Xoay trục sang chủ quyền”

Những vấn đề gặp phải khi tìm cách đạt được các thỏa thuận thương mại mới và đầy tham vọng với Mỹ – hay với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác – đã giáng thêm một đòn vào giấc mơ hậu Brexit của những người hoài nghi châu Âu. Những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản đã cho thấy Tokyo sẽ không mang lại cho Anh một thỏa thuận tốt hơn những gì họ đang được hưởng nhờ tư cách thành viên EU. Liz Truss, Bộ trưởng Thương mại Anh, đã tìm cách giành được đãi ngộ đặc biệt cho các nhà sản xuất phô mai Anh – đáng chú ý là Stilton – để có thể ghi dấu ấn của nước này lên bản sao không chỉnh sửa của thỏa thuận hiện có giữa EU và Nhật Bản.

Luận điệu về thương mại tự do của ông Johnson hồi tháng 2/2020 đã bắt đầu trở nên lỗi thời. Trong bài phát biểu tại trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia ở Greenwich, ông đã dẫn lời Richard Cobden, một nhà vận động ủng hộ thương mại tự do thế kỷ XIX: “Thương mại tự do là ngoại giao của Thiên Chúa”. Thủ tướng than vãn về việc thương mại tự do đang bị những trở ngại mới bóp nghẹt. Đổ lỗi cho Brussels, Washington và Trung Quốc, ông nói: “Người ta lấy thuế quan ra đe dọa như thể đó là một chiếc dùi cui”.

Những nguồn tin trong chính phủ cho biết Johnson giờ đây chấp nhận vấn đề này và đang âm thầm thay đổi luận điệu hậu Brexit từ thương mại tự do sang những khái niệm về chủ quyền: một cách tiếp cận kiểu “nước Anh trước tiên”, “làm một mình” cộng hưởng với thiên hướng dân túy và can thiệp chủ nghĩa của Cummings và tương đồng với nghị trình mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ.

Sự “xoay trục sang chủ quyền” này sẽ cho Cummings quyền tự do theo đuổi tầm nhìn về một nhà nước năng động thúc đẩy các công nghệ mới. Một người bạn của Cummings cho biết: “Ông ấy chắc chắn coi trợ cấp nhà nước là một phần quan trọng của bộ công cụ”. Những nhân vật khác ở phố Downing cho biết vị cố vấn có thiên hướng đả phá những niềm tin lâu đời này đang thuyết phục Johnson rằng trợ cấp nhà nước và nguyên tắc chủ quyền có ý nghĩa quan trọng đến mức một Brexit không thỏa thuận là cái giá xứng đáng để có được những điều đó.

Tuy nhiên, Nick Macpherson, cựu lãnh đạo cấp cao Bộ Tài chính Anh, nhớ lại những vụ giải cứu các công ty lớn bằng ngân sách nhà nước vào những năm 1970, đã đăng dòng tweet: “Tin tôi đi, đây không phải là vấn đề đáng để bất chấp tất cả”.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tàn phá nền kinh tế Anh, khiến tổng sản phẩm quốc nội sụt giảm 22% trong nửa đầu năm 2020, một số người theo đường lối bảo thủ đã thúc đẩy một Brexit không thỏa thuận để Anh hoàn toàn tách khỏi EU, một phần vì tác động của nó sẽ là tương đối nhỏ so với cuộc khủng hoảng mà nền kinh tế Anh vừa phải trải qua. Họ có thể giành lại từ EU quyền kiểm soát hoàn toàn các sự kiện kinh tế, khi mà tác động của việc này sẽ bị COVID-19 lấn át.

Thomas Sampson, phó giáo sư thuộc trường Kinh tế London, cho rằng cách tính toán này là sai lầm nghiêm trọng vì phần lớn tổn thất kinh tế mà COVID-19 gây ra sẽ được phục hồi, nhưng những tổn thất do Brexit lại là vĩnh viễn. Ông nói: “COVID-19 có khả năng gây mất việc làm và gây bất ổn lớn về sản lượng, nhưng hậu quả mà Brexit gây ra cho nền kinh tế trong năm 2035 có thể sẽ lớn hơn COVID-19”.

Hầu hết các mô hình kinh tế vĩ mô đều cho thấy lợi ích lớn nhất của tư cách thành viên EU là làm giảm gánh nặng về quy định ở phía bên kia biên giới. Ngay cả với một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada – tức là có các biện pháp kiểm soát hải quan nhưng miễn thuế – thì gánh nặng mới về quy định vẫn sẽ được đặt lên vai các công ty Anh.

Sự khác biệt so với kịch bản không thỏa thuận nằm ở chi phí thuế quan bổ sung, vốn có ý nghĩa quan trọng trong các ngành như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chế tạo ô tô, nhưng không đáng kể trong hầu hết các ngành khác. Xe ô tô do Anh sản xuất sẽ phải chịu thuế suất 10% do EU áp đặt, trong khi đó Michael Gove – giờ đây là bộ trưởng phụ trách việc lập kế hoạch cho tình huống không thỏa thuận – đã cảnh báo vào năm 2019 rằng thịt bò và thịt cừu Anh xuất khẩu sẽ phải chịu thuế suất ít nhất là 40%.

Lowe lập luận rằng kết quả không thỏa thuận có lẽ cũng gây phản ứng dây chuyền tiêu cực. Nó có thể khiến Anh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đạt được thỏa thuận trong những lĩnh vực như dịch vụ và dữ liệu tài chính, hay trong việc nhất trí với các nước thứ ba về những dàn xếp nới lỏng quy định song phương nhằm giảm bớt thủ tục ở biên giới.

Ông cho rằng một thỏa thuận sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác trong tương lai: “Nó có giá trị khá lớn và có thể dẫn tới sự hội nhập hơn nữa dưới thời một chính phủ khác trong tương lai”. Mặc dù Johnson gọi kết quả không thỏa thuận là một thỏa thuận “kiểu Australia”, nhưng Canberra đã phải tìm cách đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với EU trong 2 năm qua. Các chuyên gia thương mại cho rằng rốt cuộc Anh cũng sẽ trở lại với Brussels và tìm cách làm điều tương tự.

“Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc hoàn toàn tách khỏi EU”
Trong Chính quyền của Thủ tướng Johnson đang xuất hiện tình trạng bất đồng quan điểm về việc Thủ tướng có sẵn sàng thỏa hiệp trong những vấn đề như nghề cá và trợ cấp nhà nước để có được một thỏa thuận hay không, hoặc những lời lẽ cứng rắn của ông về kịch bản không thỏa thuận có đi đôi với những hành động cứng rắn hay không. Một quan chức chính phủ nói: “Tình trạng này phần lớn chỉ là một màn kịch. Chúng ta vẫn chưa đi tới hồi kết, tức là khi đạt được một thỏa thuận”.

Một số người cho rằng Johnson vẫn chưa quyết định sẽ lựa chọn Brexit “cứng” theo lời khuyên của Cummings hay nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận thương mại tự do. Một cựu bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ cho rằng EU đã đúng khi nhìn nhận mối de dọa này một cách nghiêm túc: “EU rốt cuộc đã nhận thức được rằng chúng ta là một quốc gia độc lập và cuộc chơi đã thay đổi. Chúng ta đã chuẩn bị và sẵn sàng cho việc hoàn toàn tách khỏi EU”.

Việc không đạt được một thỏa thuận thương mại với EU cũng có thể làm dấy lên những câu hỏi khác về năng lực của Thủ tướng Anh và làm gia tăng sự ủng hộ đối với nền độc lập của Scotland, nơi mà đa số người dân đã bỏ phiếu phản đối Brexit. Tuy nhiên, Johnson đã khẳng định rằng ông muốn có một thỏa thuận vào giữa tháng 10, nếu không thì ông sẽ rời khỏi bàn đàm phán: “Nếu đến thời điểm đó chúng ta vẫn chưa thể nhất trí, thì tôi cho rằng một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên là bất khả thi, và hai bên đều nên chấp nhận việc này”.

Một số quan chức EU không rõ Johnson đã suy nghĩ kỹ về vấn đề này hay chưa. Một quan chức nói: “Không phải vô duyên vô cớ mà Australia lại đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với EU”. Phát biểu trước chuyến đi gần đây nhất tới London, Barnier nói đơn giản: “Ở Anh, đôi khi tôi nghe thấy người ta nói về cơ hội của kịch bản không thỏa thuận. Tôi xin chúc các vị may mắn”.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here