Ngày 21/7/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh Tổng thống “Về mục tiêu phát triển Liên bang Nga trước năm 2030”. Sắc lệnh này còn được gọi là “Sắc lệnh tháng 7”, là sự điều chỉnh quan trọng đối với mục tiêu phát triển quốc gia của Nga so với “Sắc lệnh tháng 5” công bố năm 2018. Theo đó, “Sắc lệnh tháng 7” đã xác định quy hoạch phát triển trong 10 năm tới của Nga trên 5 phương diện.
Khởi động lại mô hình ứng phó khủng hoảng
Từ khi độc lập đến nay, Nga đã rơi vào các cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, 2009, khủng hoảng kinh tế năm 2014 và suy thoái kinh tế nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mỗi cuộc khủng hoảng đều gây rối loạn bước đi thực hiện chiến lược phát triển quốc gia của Nga. Giữa chính sách chống khủng hoảng được chính phủ đưa ra để chấn hưng kinh tế, hỗ trợ đời sống nhân dân với quy hoạch phát triển kinh tế dài hạn thường tồn tại mâu thuẫn, việc tăng cường phối hợp hai nhân tố này luôn là vấn đề gai góc mà Chính phủ Nga phải đối mặt. Ngày 13/7/2020, tại Hội nghị Hội đồng phát triển chiến lược và dự án trọng điểm quốc gia, Tổng thống Putin cho biết những khó khăn hiện nay không cần thiết thay đổi phương châm dài hạn phát triển kinh tế, điều cần thiết là phải xác định mục tiêu phát triển của Nga trong 10 năm tới.
Thách thức nghiêm trọng mà nền kinh tế và xã hội Nga đang đối mặt là một bối cảnh khác dẫn đến sự ra đời của “Sắc lệnh tháng 7”. Bắt đầu từ cuối tháng 3/2020, dịch COVID-19 nhanh chóng lan rộng ở Nga, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành bình thường của kinh tế xã hội nước này. Theo tính toán của Vụ nghiên cứu và dự báo, Ngân hàng Trung ương Nga, GDP quý II/2020 của Nga giảm từ 9,5-10% so với cùng kỳ năm 2019. Một báo cáo khác của Cơ quan thống kê Liên bang Nga cho thấy thu nhập khả dụng của người dân nước này giảm 8%, mạnh nhất kể từ năm 1999. Đồng thời, sự thay đổi cục diện và biến động giá cả năng lượng quốc tế đã ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến kinh tế Nga. Do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng) đạt được vào tháng 4/2020, lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong 6 tháng đầu năm giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu thống kê do Bộ năng lượng Nga công bố tháng 8/2020 cho thấy lượng xuất khẩu dầu mỏ trong tháng 7 đã giảm 25,2%.
Nga phụ thuộc quá mức vào ngành công nghiệp năng lượng và khai thác tài nguyên dẫn đến nền kinh tế có kết cấu đơn nhất. Khi Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 tháng 5/2018, Nga thông qua phương thức triển khai các dự án trọng điểm quốc gia để thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, chính sách phòng dịch COVID-19 và chống khủng hoảng đã sử dụng một lượng lớn nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia làm cho kế hoạch phát triển và điều chỉnh cơ cấu kinh tế bị rối loạn. Chính phủ Nga đã lần lượt đưa ra 3 gói giải pháp chống khủng hoảng, trong đó hai gói giải pháp đầu tiên đã đầu tư 2.100 tỷ ruble (khoảng 28,6 tỷ USD).
Từ “Sắc lệnh tháng 5” đến “Sắc lệnh tháng 7”
Khi bắt đầu bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 4, Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tổng thống “Về nhiệm vụ chiến lược và mục tiêu quốc gia phát triển Liên bang Nga trước năm 2024”, được nước này gọi là “Sắc lệnh tháng 5”. Đây không phải là sắc lệnh tổng thống đầu tiên được Putin công bố. Tháng 5/2012, sau khi đắc cử tổng thống, ông từng công bố Kế hoạch mở rộng về phát triển kinh tế xã hội Nga, được gọi là “Sắc lệnh tháng 5”. Hai sắc lệnh tháng 5/2012 và 2018 này lần lượt thiết lập mục tiêu phát triển của 11 chương trình và 9 lĩnh vực, còn “Sắc lệnh tháng 7” lại tương đối đơn giản, điều chỉnh phương hướng phát triển quốc gia thành 5 mục tiêu lớn.
5 mục tiêu lớn này gồm: Thứ nhất, duy trì số lượng dân số, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người dân. Trước năm 2008, dân số Nga liên tục ở trạng thái suy giảm, số lượng dân số sau này chủ yếu dựa vào dân nhập cư để bù đắp. Sau năm 2018, số lượng dân nhập cư không thể bù đắp số lượng suy giảm nhiều của dân số, số lượng dân số tiếp tục xuất hiện xu hướng giảm. Mục tiêu này nhằm gia tăng dân số, nâng cao chất lượng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của người dân…
Thứ hai, đảm bảo công dân thực hiện giá trị tự do của mình, có cơ hội thể hiện tài năng. Mục tiêu này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thông qua xây dựng thể chế giáo dục hiệu quả cao, thúc đẩy trình độ nghiên cứu khoa học của Nga lọt vào top 10 quốc gia hàng đầu thế giới.
Thứ ba, xây dựng môi trường sống thoải mái và an toàn cho nhân dân. Mục tiêu này bao gồm các nội dung như cải thiện điều kiện sống của người dân, cải thiện môi trường sinh thái…, đồng thời mong muốn thông qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà ở để thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ tư, đảm bảo lao động được tôn trọng và đạt hiệu quả cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mục tiêu này xác định rõ 10 năm tới, cùng với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Nga phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức bình quân thế giới; đảm bảo tốc độ tăng thu nhập của người dân và lương hưu không thấp hơn tỷ lệ lạm phát; đến năm 2030 tăng trưởng thực tế đầu tư tài sản cố định không thấp hơn 70%; thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm phi năng lượng và nguyên liệu thô là biện pháp quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, mục tiêu này còn nêu rõ đến năm 2030, tăng trưởng thực tế xuất khẩu những sản phẩm đó năm 2030 không thấp hơn 70% so với năm 2020; số lượng việc làm trong doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng thêm 25 triệu người vào năm 2030.
Thứ năm, chuyển đổi, bao gồm đảm bảo thực hiện số hóa những ngành nghề chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, đầu tư trong nước trên lĩnh vực công nghệ thông tin phải gấp 3 lần so với năm 2019. Trong thời gian tới, chuyển đổi số của Nga sẽ chủ yếu bắt tay vào việc nâng cao trình độ dịch vụ số của hệ thống hành chính công, ví dụ xây dựng nền tảng điện tử nhận phúc lợi xã hội thống nhất, kho dữ liệu ứng dụng thuốc thống nhất, triển khai giáo dục trực tuyến…
Quan tâm đến tính liên tục và tính thực tế
Trong 20 năm cầm quyền, chú trọng đời sống nhân dân là chính sách kinh tế xã hội của Nga xuyên suốt được Putin thực hiện. Thời kỳ đầu cầm quyền, Putin đã xác định xu hướng xã hội của chiến lược quốc gia. Hai nhiệm kỳ đầu đảm nhận cương vị tổng thống của Putin, tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân Nga luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 vào năm 2012, ông đã điều chỉnh lại chiến lược đưa ra năm 2008, coi trọng hơn việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học và giáo dục. Đến nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 năm 2018, Vladimir Putin lại ký “Sắc lệnh tháng 5”, đưa ra phương thức dựa vào các dự án trọng điểm quốc gia để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế. Trong 12 dự án trọng điểm quốc gia được xây dựng khi đó, có 7 dự án liên quan đến đời sống nhân dân. Ba mục tiêu quốc gia đầu tiên của phiên bản mới cũng liên quan đến đời sống nhân dân.
Trong hàng loạt chiến lược phát triển đất nước do Tổng thống Putin chỉ đạo xây dựng, cải thiện cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới phát triển kinh tế cũng là mục tiêu quan trọng. Tôn chỉ thứ tư và năm được xác định trong mục tiêu quốc gia phiên bản mới lần này là giải quyết vấn đề “phát triển kinh tế”. Cùng với duy trì tính liên tục của chính sách, mục tiêu phát triển quốc gia phiên bản mới càng thực tế hơn. Thứ nhất, không tiếp tục sử dụng cách biểu đạt “5 nền kinh tế hàng đầu thế giới”. Chiến lược được xây dựng năm 2008 coi việc trở thành 5 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế. Lý do là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2003-2008 của Nga lên tới 7%, GDP của Nga năm 2008 đứng thứ 8 thế giới. Căn cứ theo tốc độ tăng trưởng đó, thì đến năm 2020, Nga có thể trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế Nga năm 2008 suy giảm nhanh chóng, sau đó lún sâu vào khủng hoảng và tình hình khó khăn tăng trưởng thấp. GDP của Nga năm 2019 rơi xuống thứ 11 trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thứ hai, tăng cường hơn nữa tầm quan trọng của chuyển đổi số. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, việc cách ly ở nhà đã hạn chế sự phát triển của nền kinh tế thực, làm nổi bật hơn tính ưu việt và tính cấp bách của việc phát triển nền kinh tế số, do đó, chuyển đổi số rõ ràng trở thành một trong những mục tiêu phát triển đất nước phiên bản mới, chiếm vị trí quan trọng hơn.
Mục tiêu phát triển quốc gia phiên bản mới chưa đề cập đến kế hoạch cụ thể phát triển kinh tế Nga trong tương lai, nhưng có thể ngầm đánh giá một phần trong báo cáo công tác chính phủ năm 2019 do Thủ tướng Mikhail Mishustin trình bày trước Duma (Hạ viện) ngày 22/7.
Trong báo cáo này, Mishustin đề xuất chính phủ đổi mới chiến lược thay thế nhập khẩu trước tháng 10, tăng cường hỗ trợ đối với công nghiệp ô tô và xuất khẩu nông sản. Trong thời gian tới, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mishustin cho biết Chính phủ Nga sẽ thúc đẩy xây dựng 19 dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm mở rộng xây dựng tuyến đường sắt Baikal xuyên Siberia, xây dựng tuyến đường bộ cao tốc châu Âu-Tây Trung Quốc… Chính phủ Nga còn thông qua việc khai phá khu vực Viễn Đông và Bắc Cực để khai thác điểm tăng trưởng kinh tế mới. Đầu tháng 7, Thượng viện Nga thông qua một gói quy định chính sách ưu đãi về việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ở khu vực Bắc Cực, trên thực tế Bắc Cực đã trở thành khu kinh tế tự do lớn, cung cấp cơ hội cho các nhà đầu tư. Thời gian tới, Chính phủ Nga sẽ phê chuẩn “Quy hoạch quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng Viễn Đông năm 2024 và tầm nhìn năm 2035”.
“Sắc lệnh tháng 7” ra đời cách “Sắc lệnh tháng 5” 2 năm đã làm nổi bật tính nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế xã hội ở Nga, đồng thời cũng thể hiện tư duy mới của Nga về chiến lược phát triển quốc gia trong khủng hoảng.
Quyên Trần