Trong sự phát triển của nền kinh tế, có nhiều thách thức lớn phải đối mặt như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái, khủng hoảng nguồn nước, thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới (Emmerij và cộng sự, 2001). Trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs – Sustainable Development Goals), nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện các chiến lược phát triển mới tập trung vào tăng trưởng xanh. Maji (2015) cho thấy, tăng 1% tiêu thụ năng lượng xanh đóng góp vào tăng trưởng kinh tế gần 1,26%, một con số ấn tượng và đáng kể đối với các quốc gia đang chịu hậu quả kinh tế tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Tài chính xanh là một trong những khái niệm đổi mới, phù hợp với trách nhiệm của ngành tài chính trong đáp ứng những thách thức lớn hiện nay, theo cách đảm bảo tạo ra giá trị kinh doanh và xã hội mà không gây hại cho môi trường (Thomson, 2021). Tài chính xanh là cách để tăng mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ các khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận để thúc đẩy ưu tiên phát triển bền vững (Desalegn & Tangl, 2022). Vì thế, tài chính xanh là công cụ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững có tính đến tăng trưởng xanh. Tài chính xanh còn giúp giảm thiểu và xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo UNEP (2021), nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thoái hóa đất, sẽ cần khoản tài chính 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Có nhiều dự án về tài chính xanh được thực hiện ở các tổ chức lớn trên thế giới như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB – Asian Development Bank) ra mắt khung trái phiếu xanh để giảm thiểu và nỗ lực thích ứng tại các nước thành viên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF – International Monetary Fund) làm việc để phát triển các tiêu chuẩn tài chính xanh và các bài kiểm tra căng thẳng liên quan đến khí hậu; nghiên cứu các khía cạnh kinh tế của biến đổi khí hậu; Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC – International Finance Corporation) là tổ chức phát triển lớn nhất liên minh với các tổ chức tài chính khu vực tư nhân để hỗ trợ khả năng phục hồi khí hậu và có trách nhiệm với xã hội và môi trường phát triển ở các nền kinh tế mới nổi. Tại khu vực ASEAN, Khung quản lý môi trường và xã hội (ESMF – Environmental and Social Management Framework) của Chương trình Phục hồi xanh của Quỹ Tài chính xúc tác xanh ASEAN (ACGF GRP – Catalytic Green Finance Facility – Green Recovery Program) được xây dựng nhằm đảm bảo rằng các rủi ro và tác động về môi trường và xã hội từ tất cả các dự án trong chương trình sẽ được giảm thiểu và giảm nhẹ đến mức có thể chấp nhận được. Khung quản lý môi trường và xã hội xác lập các nguyên tắc, quy tắc, thủ tục và hướng dẫn để tiến hành thẩm định về môi trường và xã hội đối với các dự án tiền năng trong Chương trình ACGF GRP. Ở Việt Nam nói riêng, có nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như có những tiềm năng phát triển tài chính xanh.
Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xem xét lại các cơ sở lý thuyết của tài chính xanh, thực trạng tình hình tài chính xanh ở khu vực ASEAN và tại Việt Nam, cũng như đưa ra một số khuyến nghị cho việc phát triển tài chính xanh ở Việt Nam.
1. Cơ sở lý thuyết
1.1. Khái niệm tài chính xanh
Theo Sachs và cộng sự (2019), tài chính xanh đề cập đến một danh mục rộng lớn các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ (bao gồm rủi ro tài chính, quản lý liên quan đến khí hậu và môi trường), các công cụ và cơ chế trong lĩnh vực tài chính được liên kết với các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và công nghiệp có thể tạo ra các hoạt động bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường, bao gồm đất, nước, đa dạng sinh học, không khí và con người. Tài chính xanh là sự giao thoa giữa hành vi thân thiện môi trường và lĩnh vực tài chính và kinh doanh (Scholtens, 2017).
Tài chính xanh có thể được hiểu một cách đơn giản nhất là một tập hợp các chiến lược và phương pháp để đạt được hoặc huy động và phân bổ quỹ (cả khu vực tư nhân và công, cũng như đóng góp từ thiện) để thu hẹp khoảng cách đầu tư lớn trong việc tạo ra và duy trì các công trình mới, có khả năng thích ứng với khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững. Điều này sẽ giúp các quốc gia giải quyết nhiều thách thức xã hội, đáp ứng các cam kết hành động khí hậu của họ và quyết tâm quốc gia đóng góp phù hợp với Thỏa thuận Paris và đạt được mười bảy mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc trong thập kỷ hiện tại từ năm 2021 đến năm 2030 (Nawaz và cộng sự, 2021).
1.2. Các thuật ngữ liên quan đến các phương thức tài chính xanh
Có nhiều thuật ngữ thường được sử dụng rộng rãi để diễn đạt khái niệm, hình thức và dạng của tài chính xanh như sau:
– Tài chính cacbon: Các công cụ tài chính dựa trên giá trị kinh tế của lượng khí thải cacbon mà một tổ chức không thể tránh được nhưng nó bù đắp bằng cách tài trợ cho các tổ chức khác các dự án bồi thường góp phần giảm phát thải cacbon (Sachs và cộng sự, 2019).
– Trái phiếu xanh: Tiền thu được chỉ được sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án với lợi ích môi trường rõ ràng (Dou và Qi, 2019).
– Quỹ xanh: Tài trợ nợ và vốn chủ sở hữu cung cấp cho khách hàng nền tảng cho tài trợ dài hạn của các doanh nghiệp và tổ chức thân thiện với môi trường (Jin và Han, 2018).
– Tín dụng xanh: Các khoản vay dự án (chủ yếu là thế chấp) và các khoản vay công nghiệp có thể được tạo điều kiện thông qua ký gửi xanh (Wang và cộng sự, 2021).
– Tài chính khí hậu: Tài chính thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu của cơ sở hạ tầng, cũng như các tài sản xã hội và kinh tế (Fang và cộng sự, 2021).
2. Thực trạng tài chính xanh ở khu vực ASEAN và Việt Nam
2.1. Thực trạng tài chính xanh ở khu vực ASEAN
Khu vực ASEAN là một trong những nơi tích cực khi triển khai các dự án dựa trên tài chính xanh. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì khu vực này có một số các nền kinh tế và thị trường mới nổi quan trọng trên thế giới và nó đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến sự phát triển và tăng trưởng. Một số dự án gần đây được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) theo các chương trình tài chính xanh như:
– Các sáng kiến: ADB đã phê duyệt khoản vay trị giá 7,64 triệu USD năm 2019 để hỗ trợ xây dựng một công viên năng lượng mặt trời có công suất 100 megawatt tại Campuchia, giúp nước này phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đa dạng hóa cơ cấu năng lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của nó. Đầu tư vào trái phiếu xanh, bền vững và xã hội phát hành bởi Thái Lan (hơn 1,67 tỷ USD) và hỗ trợ Indonesia (đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi) và Philippines (đối với phát hành trái phiếu xanh và phát triển kinh tế biển).
– ADB cũng đã ra mắt Quỹ Tài chính xúc tác xanh (ACGF) để hỗ trợ các dự án liên quan đến môi trường, khí hậu và tính bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế ASEAN đang phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19.
Quốc gia ASEAN đầu tiên bước vào thị trường trái phiếu xanh là Philippines, với 10,7 tỷ PHP Trái phiếu khí hậu được chứng nhận của công ty năng lượng tái tạo AP (226 triệu USD), được tài trợ tài sản năng lượng địa nhiệt. Kể từ đó, các tổ chức phát hành từ Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã phát hành nợ xanh cho số tích lũy là 5,03 tỷ USD, kể từ cuối tháng 11/2018. Indonesia có thị trường trái phiếu xanh lớn nhất trong ASEAN, với khối lượng 1,98 tỷ USD. Indonesia phát hành trái phiếu Green Sukuk vào tháng 3/2018, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, trong bối cảnh Indonesia hiện đang đứng trước thách thức làm thế nào để thực hiện phát triển bền vững (Climate Bonds Initiative, 2019).
2.2. Thực trạng tài chính xanh ở Việt Nam
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, đưa ra nhiều chính sách đột phá liên quan đến phân loại dựa trên tiêu chí môi trường đối với các dự án đầu tư, giấy phép môi trường, kinh tế tuần hoàn,… để tăng cường tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh các hoạt động của các ngân hàng với sự bền vững và ngân hàng có trách nhiệm với môi trường. Luật xác định 7 loại tài chính xanh và 10 loại trái phiếu xanh tại Điều 149 và 150, cho phép các tổ chức tín dụng quảng bá sản phẩm mới, tiếp cận các lĩnh vực mới và tiếp cận các nguồn tài trợ mới với chi phí thấp hơn; đồng thời được coi là công cụ cho vay của các ngân hàng nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản, như: Chiến lược Tăng trưởng Xanh Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg, tháng 9 năm 2012); Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận khí hậu Paris (Quyết định số 2053/QĐ-TTg, tháng 10/2016); Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững ban hành kèm theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ (Cục Xúc tiến thương mại, 2022).
Trong giai đoạn 2015 – 2022, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn khiêm tốn trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Theo Bảo Ngọc (2023), nguồn vốn quốc tế có lãi suất thấp hơn, lại được ưu tiên giải ngân, tín dụng xanh đang thực sự hấp dẫn. Hiện ngày càng nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay xanh. Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối 12 dự án xanh do Ngân hàng nhà nước xây dựng và ban hành từ năm 2015 đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế).
Hiện nay, Việt Nam đã có các quy định cơ bản về trái phiếu xanh. Tuy nhiên, việc thiết lập khung khổ pháp lý vẫn còn một số tồn tại cần sớm hoàn thiện. Tháng 7/2022, EVNFinance là doanh nghiệp đầu tiên tại thị trường Việt Nam phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). Trong khối ASEAN, Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.
Tài chính xanh tại Việt Nam tập trung vào các tổ chức tín dụng lớn. Chưa có nhiều tổ chức tín dụng nhỏ quan tâm đến danh mục cho vay này. Lý do là nguồn vốn dài hạn và lớn của các tổ chức tín dụng nhỏ không đồng đều, ổn định để phục vụ các dự án như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Bên cạnh đó, những dự án lớn, phức tạp, đòi hỏi quy trình bảo lãnh phức tạp mà các ngân hàng nhỏ chưa áp dụng được. Theo Trung Nguyên (2023), các tổ chức tín dụng đã chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh, như: Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (Dự án GIF); Sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn vốn World Bank (Dự án REDP); Sản phẩm cho vay dự án hiệu quả năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (nguồn vốn WB); Sản phẩm cho vay lại các Dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản…
Ngày 18/7/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HSX) vừa công bố rổ chỉ số VNSI (Viet Nam Sustainability Index – Chỉ số phát triển bền vững) bao gồm 20 cổ phiếu thuộc VN100 có tính phát triển bền vững tốt nhất thị trường. Từ đó, cho thấy cơ hội phát triển thị trường cổ phiếu xanh tại Việt Nam trong tương lai. Với xu hướng phát triển bền vững, các quỹ đầu tư lớn ưu tiên rót vốn vào các dự án hướng đến mục tiêu đáp ứng được ESG (Environmental, Social, and Governance – Môi trường, Xã hội và Quản trị), vì thế các doanh nghiệp có thể nằm trong được chỉ số VNSI sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận được với dòng vốn lớn từ nước ngoài để phát triển theo hướng bền vững.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, vì vậy phát triển tài chính xanh là mục tiêu tất yếu của Việt Nam trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu trên.
3. Kết luận và khuyến nghị
Nghiên cứu đã phân tích tổng quan các khái niệm liên quan đến tài chính xanh, thực trạng ở khu vực ASEAN và tại Việt Nam. Xu hướng tài chính xanh đang phát triển trên thế giới, mặc dù có nhiều vấn đề phải giải quyết để phát triển xu hướng này. Khoảng cách tài chính trong đầu tư xanh là kết quả của sự không nhất quán trong chính sách tài chính và môi trường. Vì vậy, cần có chính sách, quy định phù hợp để giải quyết các vấn đề nhất định. Vì thế, để giúp phát triển tài chính xanh tại Việt Nam nói riêng, tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau. Thứ nhất, Chính phủ nên đóng một vai trò lớn hơn bằng cách ban hành các chính sách môi trường thích hợp phải mang tính chất bắt buộc khu vực tài chính để giúp thị trường tài chính trở nên bền vững hơn. Thứ hai, phát triển đa dạng các kênh của tài chính xanh, ổn định cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch tài chính. Với những ứng dụng của công nghệ thông tin, cần hiện đại hóa các quy trình giao dịch, cũng như cơ chế giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ ba, nâng cao tính minh bạch thông tin, giảm thiểu sự bất cân xứng về thông tin trên thị trường tài chính. Để từ đó có thể thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, và nâng cao tính thanh khoản của các kênh đầu tư tài chính xanh. Đặc biệt, việc phát triển sàn giao dịch điện tử trái phiếu cũng là một phương án được nhiều quốc gia lựa chọn để tạo thanh khoản, tăng tính minh bạch và đảm bảo thuận lợi trong việc quản lý thị trường. Cuối cùng, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp nên được chuyển đổi theo xu hướng công bố các thông tin về trách nhiệm xã hội (CSR – Corporate Social Responsibility). Ngoài ra, đẩy mạnh công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, cũng như công bố các thông tin về lượng phát thải cacbon trên báo cáo của họ./.
ThS. Lê Thu Hằng (Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Bà Rịa -Vũng Tàu)
Tài liệu tham khảo:
- Bảo Ngọc (2023). Dư nợ cấp cho tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng nhanh. Truy cập tại: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/du-no-cap-cho-tin-dung-xanh-tai-viet-nam-tang-truong-nhanh-post1017305.vov
- Cục Xúc tiến thương mại (2022). Sổ tay tài chính xanh. Truy cập tại: https://www.vietrade.gov.vn/uploads/files/2022/S%E1%BB%94%20TAY%20T%C3%80I%20CH%C3%8DNH%20XANH.pdf.
- Trung Nguyên (2022). Tài chính xanh cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 – Mở rộng kênh huy động tài chính khả thi với Việt Nam. Truy cập tại: https://baotainguyenmoitruong.vn/tai-chinh-xanh-cho-muc-tieu-phat-thai-rong-bang-0-vao-nam-2050-mo-rong-kenh-huy-dong-tai-chinh-kha-thi-voi-viet-nam-348439.html
- Climate Bonds Initiative (2019). ASEAN green financial instruments guide.
- Desalegn, G., & Tangl, A. (2022). Enhancing green finance for inclusive green growth: a systematic approach. Sustainability, 14(12), 7416.
- Dou, X., & Qi, S. (2019). The choice of green bond financing instruments. Cogent Business & Management, 6(1), 1652227.
- Emmerij, L., Jolly, R., Weiss, T. G., & Weiss, T. G. (2001). Ahead of the curve?: UN ideas and global challenges. Indiana University Press.
- Fang, Z., Xie, J., Peng, R., & Wang, S. (2021). Climate finance: mapping air pollution and finance market in time series. Econometrics, 9(4), 43.
- Jin, J., & Han, L. (2018). Assessment of Chinese green funds: Performance and industry allocation. Journal of Cleaner Production, 171, 1084-1093.
- Maji, I. K. (2015). Does clean energy contribute to economic growth? Evidence from Nigeria. Energy Reports, 1, 145-150.
- Nawaz, M. A., Seshadri, U., Kumar, P., Aqdas, R., Patwary, A. K., & Riaz, M. (2021). Nexus between green finance and climate change mitigation in N-11 and BRICS countries: empirical estimation through difference in differences (DID) approach. Environmental Science and Pollution Research, 28, 6504-6519.
- Sachs, J., Woo, W. T., Yoshino, N., & Taghizadeh-Hesary, F. (Eds.). (2019). Handbook of green finance: Energy security and sustainable development.
- Scholtens, B. (2017). Why finance should care about ecology. Trends in Ecology & Evolution, 32(7), 500-505.
- Thompson, S. (2021). Green and Sustainable Finance: principles and practice (Vol. 6). Kogan Page Publishers.
- UNEP (2021). State of Finance for Nature. https://www.unep.org/resources/state-finance-nature
- Wang, H., Qi, S., Zhou, C., Zhou, J., & Huang, X. (2022). Green credit policy, government behavior and green innovation quality of enterprises. Journal of Cleaner Production, 331, 129834.