CBDC là tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, là một tiền tệ hợp pháp tùy thuộc vào quy định của chính phủ hoặc luật pháp. Sự chuyển đổi từ tiền pháp định sang tiền điện tử tư nhân đã thách thức các chức năng của tiền, vai trò của các ngân hàng trung ương (NHTW), mô hình trung gian tài chính và các vấn đề truyền dẫn chính sách tiền tệ. Các NHTW đã phải chịu áp lực để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử và cải thiện hiệu quả của hệ thống thanh toán của mình.
Vì vậy, các NHTW đã bắt tay vào các dự án thăm dò để nghiên cứu tiềm năng phát hành tiền kỹ thuật số NHTWMột loạt mô hình đang xem xét các vấn đề như: ảnh hưởng của CBDC đối với lãi suất, sự ổn định tài chính và vấn đề an ninh đòi hỏi phải được đánh giá cẩn thận. Những thay đổi này đối với các trung gian tài chính cũng sẽ có những tác động đến khả năng cấp vốn và thanh khoản của ngân hàng. Rõ ràng, đổi mới công nghệ đã tạo điều kiện cho tiền điện tử phát triển.
Ví dụ Blockchain cho phép giao dịch không cần đến các trung tâm tài chính hay cơ quan có thẩm quyền. Chính điều này đã đưa ra những lợi thế được ca ngợi là chìa khóa cho sự tăng trưởng trong tương lai của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, các mối quan tâm về hiệu suất, khả năng tương tác, khả năng mở rộng và bảo mật đã làm cho các NHTW không tin rằng công nghệ này đã đủ trưởng thành để thay thế các hệ thống tiền tệ hiện tại.
1. Sự phát triển của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành của các nước trên thế giới
Trang Cointelegraph dẫn kết quả một cuộc khảo sát mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố cho thấy, hơn 90% trong số 81 ngân hàng trung ương thuộc các quốc gia chiếm đa phần sản lượng kinh tế toàn cầu tham gia khảo sát cho biết họ đang nghiên cứu ý tưởng về việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Hơn 25% ngân hàng trung ương đang tích cực phát triển một đồng tiền kỹ thuật số hoặc đang triển khai các chương trình thử nghiệm, với tỷ lệ tăng gần gấp 2 lần trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021. BIS cho hay, trên toàn cầu, hơn 2/3 ngân hàng trung ương cho rằng họ có khả năng hoặc có thể phát hành CBDC bán lẻ trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Các khu trung tâm thương mại bán buôn ngày càng được thúc đẩy nhờ hiệu quả thanh toán xuyên biên giới. Nhiều ngân hàng trung ương coi CBDC có khả năng làm giảm bớt các “điểm nghẽn” như thời gian hoạt động hạn chế của các hệ thống thanh toán hiện tại và độ dài của chuỗi giao dịch hiện tại.
Thực tế cho thấy, vào tháng 5/2020, chỉ có 35 quốc gia đang xem xét CBDC – một mức cao mới trong số 60 quốc gia đang trong giai đoạn thăm dò tiên tiến (phát triển, thí điểm hoặc ra mắt). Dựa trên dữ liệu từ CBDC Tracker tháng 12/2022, có 114 quốc gia, chiếm hơn 95% GDP toàn cầu đã tìm hiểu các đề xuất đa dạng về thiết kế, quyền truy cập và cơ sở hạ tầng của CBDC. Hiện tại, có 60 quốc gia đã đạt tới giai đoạn phát triển chuyên sâu, thí điểm và triển khai CBDC. Có 11 quốc gia, bao gồm Bahamas, Nigeria và các quốc gia trong Liên minh tiền tệ Đông Caribê đã ra mắt đầy đủ một loại tiền điện tử của họ tiếp cận 260 triệu người, dự kiến sẽ mở rộng sang hầu hết các quốc gia trong năm 2023. Jamaica là quốc gia mới nhất ra mắt CBDC. Có 18 trong số các quốc gia G20 đang trong giai đoạn phát triển CBDC tiên tiến. Gần như mọi quốc gia G20 đã đạt được tiến bộ đáng kể và đầu tư các nguồn lực mới vào các dự án này trong. Kể từ tháng 12 năm 2022, tất cả các nền kinh tế G7 đã chuyển sang giai đoạn phát triển của CBDC. Năm 2023, dự kiến có hơn 20 quốc gia sẽ thực hiện các bước quan trọng để thí điểm CBDC, trong đó có Úc, Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga dự định sẽ tiếp tục hoặc bắt đầu thử nghiệm này.
Tờ Asia Nikkei đưa tin, Philippines và Việt Nam sắp bắt đầu nghiên cứu tính khả thi về việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương – CBDC khi các ứng dụng thanh toán của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Cụ thể, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tiền điện tử là thể hiện của đồng tiền pháp định của ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, xu, nhưng người cầm tiền lưu giữ dưới dạng điện tử trong điện thoại, máy tính bảng,…
Tiền điện tử đòi hỏi pháp định 1-1 với tiền pháp định và được thanh toán bằng tiền này. Ngân hàng Nhà nước đã có quy định ví điện tử hay còn được gọi là ví tiền Online là tiền điện tử, một tài khoản thanh toán các giao dịch trực tuyến phổ biến nhất hiện nay như: thanh toán tiền điện, nước, học phí, nạp tiền điện thoại (Top Up), mua vé xem phim,… . Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, làm rõ khái niệm này. Tiền thuật toán, hay còn được gọi là tiền ảo, tài sản ảo (như bitcoin) không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương các nước phát hành, mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính. Đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ… Tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dạng điện tử. Các nước đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Với Việt Nam, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước lập ban nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, do Thống đốc Ngân hàng làm Trưởng ban.
2. Cơ hội và thách thức khi phát hành tiền kỹ thuật số pháp định
Thứ nhất, CBDC dựa trên công nghệ Blockchain, góp phần hiện đại hóa hệ thống thanh toán bằng cách tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính và công ty Fintech ứng dụng và thử nghiệm các công nghệ hiện đại, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam. Công nghệ Blockchain mang lại một số lợi ích, như giảm chi phí giao dịch vì không qua trung gian, cải thiện hiệu quả của thanh toán xuyên biên giới. Do đó, các công ty nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn cầu, cải thiện tốc độ, hiệu quả và tính minh bạch trên thị trường nợ, cải thiện tính minh bạch và bảo mật của tất cả giao dịch, cải thiện việc giám sát và điều tiết thị trường.
Thứ hai, CBDC cải thiện độ tin cậy, an toàn và giảm thiểu rủi ro của hệ thống thanh toán nhờ tính minh bạch, xác minh và bảo mật. CBDC còn là một nền tảng có thể hỗ trợ hệ thống ngân hàng Việt Nam thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi số.
Thứ ba, CBDC sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam bằng cách cho phép nhiều người hơn tiếp cận với các dịch vụ tài chính, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, CBDC có thể được sử dụng ở những khu vực không có kết nối Internet, cho phép mọi người thực hiện các giao dịch tài chính với chi phí thấp bằng các thiết bị điện tử đơn giản, phổ biến rộng rãi.
Thứ tư, CBDC cũng cung cấp một công cụ hữu hiệu và hiệu quả để thực thi chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Việc phát hành CBDC cho phép Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nguồn cung tiền một cách chính xác. Do đó, độ trễ chính sách sẽ giảm hơn nữa, nhờ vậy mà nâng cao năng suất và hiệu quả của việc điều tiết tiền tệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích do CBDC mang lại, việc đưa tiền kỹ thuật số vào thành tiền pháp định cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, thách thức. Thách thức lớn nhất, đặc biệt là liên quan đến quyền riêng tư trong nền kinh tế kỹ thuật số, vượt ra ngoài khả năng của các ngân hàng trung ương. Các quy định chặt chẽ hơn phải giải quyết những mối quan tâm cấp bách nhất liên quan đến các vấn đề ổn định tài chính xung quanh các công nghệ mới như tiền ổn định.
Ngoài ra, còn rủi ro tiềm ẩn khi chiếm dụng quá mức CBDC, cùng những tác động tiềm tàng đối với nguồn cung tín dụng và sự ổn định tài chính. Sự sẵn có của CBDC làm thay đổi mức độ rủi ro của các ngân hàng đối với rủi ro rút tiền ồ ạt. Một mặt, với bản chất là khoản đầu tư an toàn và có lãi suất, sự sẵn có của CBDC làm tăng động lực rút tiền khỏi ngân hàng của người gửi tiền, so với một nền kinh tế nơi tiền mặt là sự thay thế duy nhất cho tiền gửi ngân hàng (đây được xem là “tác động trực tiếp”). Mặt khác, để giữ lại tiền gửi, các ngân hàng sẽ phản ứng với sự xuất hiện của CBDC bằng cách tăng lãi suất; điều này làm cho các khoản tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn và do đó làm giảm tính dễ tổn thương (“hiệu ứng gián tiếp”).
Kết quả là, ảnh hưởng tổng thể của CBDC đối với tính chất dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng thay đổi theo sức mạnh tương đối của hai lực lượng này. Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách đã đề xuất các biện pháp bảo vệ, như làm cho việc nắm giữ số lượng lớn CBDC trở nên kém hấp dẫn bằng cách áp lãi suất rất thấp (thậm chí có thể là âm) hoặc áp đặt các giới hạn trực tiếp đối với số tiền mà các cá nhân có thể nắm giữ.
3. Khuyến nghị cho Việt Nam trong hình thành và phát triển tiền kỹ thuật số phát định
Đầu tiên, cần phải cải cách quy định quan trọng cho phép chính phủ phát hành tiền số. Bên cạnh đó, chính phủ cần xác minh xem mình có đang thực hiện đúng không, trước khi nộp đơn yêu cầu phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền cấp quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Nhà nước ta cần đầu tư nghiên cứu về tiền kỹ thuật số để có thể tạo lập ra một loại tiền kỹ thuật số phù hợp với đời sống kinh tế, xã hội của nước ta, tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hóa, trao đổi tài sản, cất trữ tài sản. Việc đầu tư này là đầu tư vào nghiên cứu về mặt kỹ thuật, về việc xây dựng và tạo ra đồng tiền kỹ thuật số với những tác dụng, tính năng nhất định của nó. Tuy nhiên, cùng với đó, Nhà nước cũng cần tạo dựng được mối liên hệ nhất định giữa tiền kỹ thuật số do Nhà nước phát hành và đồng tiền hiện hành để bảo đảm ổn định cho nền kinh tế khi triển khai hai loại hình tiền tệ khác nhau.
Thứ hai, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng số quốc gia để tương thích với việc phát hành CBDC tại Việt Nam. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thí điểm và ra mắt CBDC đặc biệt hữu ích cho Việt Nam, nhằm giảm thiểu những khó khăn và vướng mắc trong giai đoạn nghiên cứu và giai đoạn phát triển CBDC. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong các hoạt động dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong đời sống xã hội.
Thứ ba, cần phải xây dựng chính sách phát triển tiền kỹ thuật số, chính sách pháp luật về quản lý tiền kỹ thuật số. Cần phải có chính sách pháp luật theo lộ trình từng bước đi, cụ thể như phải định danh, định nghĩa, ghi nhận được trong pháp luật về tiền kỹ thuật số; ghi nhận tiền kỹ thuật số là loại tài sản mới, có những đặc điểm riêng biệt; xây dựng các chính sách tài chính liên quan đến tiền kỹ thuật số như chính sách thuế, chính sách lưu thông tiền kỹ thuật số; xây dựng được chính sách kiểm soát các giao dịch bằng tiền kỹ thuật số.
ThS. Nguyễn Ngọc Anh (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Orla Ward, Sabrina Rochemont (2019). “Understanding Central Bank Digital Currencies
(CBDC)”, Institute and Faculty of Actuaries. - Cấn Văn Lực (2020), Quản lý tiền kỹ thuật số, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam, truy cập tại https://tinnhanhchungkhoan.vn/quan-ly-tien-ky-thuat-so-kinh-nghiem-quoc-te-va-ham-y-chinh-sach-voi-viet-nam-post240707.html
- Trần Hùng Sơn (2021), Đồng nhân dân tệ số và chính sách cho Việt Nam; truy cập tại https://vietstock.vn/2021/03/dong-ndt-so-va-chinh-sach-cho-viet-nam-757-837007.htm
- Anh Thư (2021), Xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia, Tạp chí Tài chính Online; truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/xu-huong-phat-trien-tien-ky-thuat-so-quoc-gia-332099.html