Tác động của Covid-19 lên nền kinh tế Singapore

0
932
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Ngày 7/4 Singapore bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay, “ngắt mạch” (circuit-breaker) để khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 trong đó bao gồm đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh tế (trừ các dịch vụ thiết yếu), dự kiến kéo dài đến ngày 4/5. Đây cũng là thời điểm chính phủ công bố gói ngân sách hỗ trợ lần thứ 3 liên tiếp (Ngân sách đoàn kết) kể từ lúc dịch bệnh bùng phát. Phóng viên cao cấp Ovais Subhani có bài phân tích về cuộc chiến đấu của Singapore chống lại tác động kinh tế của đại dịch này và tập hợp một số dự báo, nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Singapore về tăng trưởng kinh tế Singapore trong năm nay cũng như khả năng đương đầu của Singapore nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nội dung như sau:

Singapore đang áp dụng các biện pháp để giải quyết tình hình khó khăn và chuẩn bị mọi mặt để đối phó với các đợt sóng khó khăn liên tiếp do đại dịch coronavirus toàn cầu. Tuy nhiên các cú sốc hiện nay quá lớn và sự hồi phục kinh tế bất cứ khi nào có thể bắt đầu sẽ là một quá trình lâu dài và rất khó khăn.

Điều chưa từng có tiền lệ về cuộc khủng hoảng này đó là nó là một cuộc khủng hoảng được ủy nhiệm (by mandate) với việc các chính phủ tự hạn chế các hoạt động kinh tế thông qua đóng cửa toàn bộ đất nước trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus. Tình thế khó khăn khác thường này đã khiến các nhà làm chính sách phản ứng bằng những chính sách cũng khác thường không kém.

Nỗ lực của Singapore nhằm tránh xảy ra các kịch bản tồi tệ nhất cho các cá nhân và các công ty không chỉ thể hiện ở các gói hỗ trợ ngân sách có tổng trị giá 60 tỷ đô la Singapore công bố thời gian vừa qua. Các cam kết khác rất khó có thể định lượng được ngay. Các cam kết đó bao gồm ưu đãi dành cho người vay tiêu dùng và công ty, gia hạn và mở rộng phạm vi bảo hiểm rủi ro cho các khoản vay ngân hàng, nới lỏng các điều kiện cho vay và nhiều biện pháp khác để tăng lưu lượng tín dụng do Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đưa ra bên cạnh việc áp dụng nới lỏng chính sách đặc biệt.

Tuy nhiên, nhiều khả năng là kinh tế Singapore sẽ bị suy thoái ít nhất hết năm nay, thất nghiệp gia tăng, xảy ra nhiều vụ vỡ nợ và phá sản là điều được dự đoán.

Trong khi việc áp dụng các biện pháp để kiềm chế lây lan virus là cần thiết, song chỉ một tháng “ngắt mạch” cũng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế Singapore trong quý II và sẽ kéo nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu sắc hơn.

Ngân hàng DBS dự báo rằng việc áp dụng các biện pháp ngắt mạch mới nhất này có khả năng khiến cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Singapore rơi vào kết cục ảm đạm hơn trong mức dự báo của Chính phủ trước đó là kinh tế tăng trưởng âm từ -1% đến -4%. Kịch bản cơ sở (base-case scenario) mà Ngân hàng này đưa ra là Singapore tăng trưởng -2,8% cho thấy Singapore có thể rơi vào một cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Ngân hàng Maybank dự báo rằng việc đóng cửa các dịch vụ phi thiết yếu trong vòng 1 tháng có thể gây thiệt hại 10 tỷ đô la (SGD) hoặc khoảng 2% GDP của Singapore. Ngân hàng này cũng hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Singapore xuống mức –6% so với mức dự báo lúc trước là -2,3%.

Để so sánh, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Singapore tăng -3,1% và trong cuộc khủng hoảng tài kính châu Á năm 1997, kinh tế Singapore tămg -2,2%.

Theo một số nhà phân tích của Maybank, mặc dù Chương trình hỗ trợ việc làm tăng cường các biện pháp hỗ trợ thu nhập khác trong “Gói Ngân sách Đoàn kết” (Solidarity Budget) mới công bố có thể giữ lại một số công ăn việc làm, song số người bị mất việc có thể tăng lên mức 150.000 đến 200.000 trong năm nay.

Theo đánh giá của bà Selena Ling thuộc ngân hàng OCBC nếu đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và tại Singapore không bình ổn sau một tháng ngắt mạch này, khi đó “Gói Ngân sách Đoàn kết” sẽ có thể cũng không đủ và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng mạnh trong những tháng sắp tới. Bà cũng nhận định rằng có thể nhiều doanh nghiệp sẽ thất bại trong cuộc suy thoái toàn cầu này bởi chi tiêu của chính phủ sẽ không bù đắp được sự giảm sâu về cầu hàng hóa và dịch vụ.

Biện pháp đóng cửa kinh tế này cũng không phải là lý do duy nhất khiến cuộc suy thoái toàn cầu lần này trở nên khác biệt. Thông thường, suy thoái sẽ diễn ra tiếp sau một đợt bùng nổ về kinh tế và giúp giải quyết những dư thừa tích lũy trước đó. Cả hai cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và châu Á được tạo ra sau những năm kinh tế bùng nổ, khuyến khích tích lũy nợ một cách quá mức và thiếu kiểm soát bởi hộ gia đình, các công ty và cho vay của các ngân hàng.

Đợt suy thoái lần này diễn ra sau một đợt tăng trưởng ấm lên và đang ăn phần nào vào bảng cân đối kế toán tương đối yếu của các hộ gia đình và công ty.

Tuy nhiên việc vay vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh (leverage) vẫn tăng. Ngân hàng Standard Chartered Bank ước tính tổng tín dụng của Singapore ở mức 305% GDP, trong đó vay doanh nghiệp khoảng 122% và vay của các hộ gia đình khoảng 63%. Mặc dù vậy, nền kinh tế Singapore nói chung và phần lớn các công ty hàng đầu nói riêng đặc biệt là các ngân hàng vẫn có một nền tảng tài chính tốt và có thể tự vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ví dụ hệ số an toàn vốn (capital adequacy ratio – CAR) của Singapore ở mức 16,7% (cao hơn nhiều so với so với quy định ít nhất 8% của Ngân hàng Thanh toán quốc tế – BIS). Tỷ lệ nợ xấu (non-performing loans ratio) chỉ ở mức 1,4%, thấp hơn nhiều so với bất kỳ nước nào khác trong khu vực.

Ngoài ra Singapore còn có dự trữ quốc gia mạnh và luôn ở top đầu trong phổ xếp hạng tín dụng của tất cả các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế, cho phép nước này có thể vay rẻ nếu cần.

Trong lúc đề xuất chi tiêu của chính phủ đứng ở mức khoảng 12% GDP và thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 8,9% GDP, các chỉ số này chưa cho thấy một nguy cơ trước mắt nào.

Bộ phận nghiên cứu Fitch Solutions thuộc Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings cho rằng không có nguy cơ trước mắt nào đối với tình hình tài chính công của Singapore do việc tăng mạnh trong dự kiến chi tiêu và khả năng tăng chi tiêu diễn ra sau đó. Lý do là Singapore có dự trữ tài chính rất lớn, được tích lũy qua nhiều nhiệm kỳ chính phủ liên tiếp từ khi nước này giành độc lập đến nay.

Tuy nhiên, một số nước đối tác thương mại của Singapore lại đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ nền kinh tế của nước họ. Do vậy, kể cả nếu Singapore có thành công trong việc giải quyết các vấn đề trong nước thì vẫn sẽ phải chịu tác động của môi trường bên ngoài đang xấu đi.

Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) dự báo xuất khẩu (không bao gồm dầu mỏ) của Singapore sẽ giảm 5% trong năm nay. “Gió ngược chiều đối với môi trường xuất khẩu của Singapore vẫn luôn nằm ở bên ngoài Singapore về bản chất, điều đó có nghĩa là Singapore sẽ bị tác động chủ yếu do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và các cú sốc tiêu cực về cầu”.

Những thiệt hại về tài chính của các hộ gia đình và nỗi lo sợ về sức khỏe có thể giữ chân khách du lịch ở lại trong nước vào các kỳ nghỉ, điều đó có thể khiến cho ngành du lịch và các ngành liên quan khác của của Singapore sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của Chính phủ lâu hơn nữa./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here