Tác động của Covid-19 đối với hệ thống thương mại thế giới

0
87
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc đại suy thoái khác, tương tự như những năm 1930 với việc sản xuất công nghiệp sụt giảm 40% và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Cũng như trước đây, việc áp thuế không phải là nguyên nhân gây ra đại suy thoái. Tuy nhiên, những rào cản thuế có thể tác động đến phục hồi kinh tế do tầm quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu xuyên quốc gia ngày nay.

Nhìn vào thực tế, kể từ khi đắc cử, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liên tiếp tấn công hệ thống thương mại thế giới, gây nên những tác động không nhỏ đối với các quốc gia, khu vực. Tiêu biểu nhất là việc ông công khai chỉ trích hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại của WTO, tiến hành chiến tranh thương mại, áp thuế bổ sung đối với hàng hoá của các quốc gia duy trì kim ngạch thương mại “bất lợi” với Hoa Kỳ, buộc các nước thuộc EU phải tổ chức riêng nhóm các nền kinh tế lớn không bao gồm Mỹ để giải quyết các bất đồng thương mại. Trong thời gian gần đây, Canada và Australia thậm chí còn dẫn đầu một nhóm các nền kinh tế vừa và nhỏ, đưa ra tuyên bố chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại liên quan đến Covid-19. Và có lẽ, không ai lấy làm ngạc nhiên khi ông chính trị hoá thảm hoạ Covid-19, dùng dịch bệnh làm cơ sở để áp đặt những rào cản thương mại mới. Cũng cần lưu ý là mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những nhượng bộ nhất định thông qua việc ký kết thỏa thuận giai đoạn I, thế nhưng các loại thuế còn lại vẫn tác động đến hơn ½ thương mại song phương. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần và các tác động của dịch Covid-19 ngày một lớn trên nhiều khía cạnh, Tổng thống Trump cần phải “kéo” sự chú ý của dư luận trong nước ra nước ngoài thông qua các tuyên bố “đổ lỗi” và các hành động bảo hộ nền kinh tế trong nước.

Đại dịch cũng góp phần làm xói mòn hơn nữa các nguyên tắc thương mại của WTO, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt đối với các sản phẩm là thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm máy móc, điện tử… Trong tháng 3, Pháp và Đức cấm việc xuất khẩu các thiết bị y tế thiết yếu, thậm chí xuất sang các điểm nóng như Italia, Tây Ban Nha,… Đây là hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Ngoài ra, thời gian mở cửa lại các nhà máy sản xuất khác nhau (Trung Quốc đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, trong khi châu Âu và Mỹ vẫn đang vật lộn với đại dịch khiến toàn bộ nền kinh tế bị ngưng trệ), điều này nhiều khả năng dẫn đến việc các quốc gia phương Tây sẽ tiến hành nhiều biện pháp để bảo hộ các doanh nghiệp nội địa. Hơn nữa, ngay cả khi đã khôi phục lại sản xuất, nhiều khả năng các quốc gia sẽ gia tăng trợ cấp đối với các sản phẩm xuất khẩu.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Sĩ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here