Theo trang qz.com, nhiều công ty trên thế giới đã phải mất nhiều năm qua để chuyển dịch các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang các quốc gia Đông Nam Á lân cận nhằm khai thác chi phí lao động rẻ hơn so với các nước khác và né tránh bị đánh thuế quan áp đặt trong cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc. Việt Nam, cùng với Cambodia, Indonesia, Myanmar và Malaysia, là một trong những điểm đến phổ biến nhất đối với các công ty Mỹ khi họ mở nhà máy sản xuất mới.
Tuy nhiên, giờ đây, chính các công ty trên đang từ bỏ xu thế đó và chuyển dịch số nhà máy của họ quay trở lại Trung Quốc sau khi làn sóng các ca nhiễm Covid-19 bùng phát, điều đã khiến các nhà máy trên khắp Việt Nam buộc phải đóng cửa tạm dừng sản xuất. Sau ba tháng phong tỏa, Chính phủ Việt Nam mới chỉ bắt đầu nới lỏng các hạn chế một cách dần dần. Trong các cuộc họp cổ đông, các giám đốc điều hành hiện đang tỏ ra lo lắng năng lực sản xuất của các cơ sở kinh doanh bị sụt giảm. Theo biên bản của một hội nghị quản lý doanh nghiệp ngày 14/9/2021, ông Roger Rawlins, Giám đốc điều hành của tập đoàn giày dép và phụ kiện Designer Brands cho biết ông đã trao đổi với một giám đốc điều hành một hãng khác-người đã chia sẻ với tôi rằng anh ấy đã có sáu năm để thiết lập chuỗi cung ứng song chuỗi này đã bị kéo sụp trong vòng có sáu ngày. Trong khi chúng ta nghĩ về nỗ lực mà các hãng sản xuất đã đầu tư ra để thoát khỏi Trung Quốc thì ngay bây giờ, một trong những nơi người ta có thể sản xuất ra hàng hóa chính lại là Trung Quốc. Đây thực sự là điều điên rồ.
Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát chủng Coronavirus mới tồi tệ nhất
Thời gian qua, nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên diện rộng nên Việt Nam đã tránh được nhiều đợt bùng phát lớn của chủng coronavirus mới cho đến tận tháng 6/2021 khi mà biến thể Delta mới có khả năng lây truyền nhanh, đã làm gia tăng số ca dương tính trên toàn quốc. Đợt bùng phát dịch mới này đang đe dọa hầu hết các địa phương trong cả nước-quốc gia chỉ mới đạt 4% tổng số dân được tiêm phòng ngừa Covid-19 đầy đủ. Nhằm triển khai các biện pháp phòng dịch, Chính phủ Việt Nam đã đóng cửa hầu hết các nhà máy sản xuất và đưa ra các quy định chỉ cho phép tái mở cửa trở lại với những điều kiện nghiêm ngặt, trong đó, các công nhân phải sống trong những các nơi cách ly gắn liền với nhà máy sản xuất của họ.
Các biện pháp phòng dịch và hạn chế đã làm giảm mạnh năng lực sản xuất của đất nước, điều này bắt đầu ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các thương hiệu toàn cầu. Ví dụ, hãng Adidas cho biết việc chậm trễ trong việc khôi phục lại sản xuất ở Việt Nam sẽ khiến hãng này hao hụt khoảng 600 triệu USD doanh thu trong năm nay. Ban lãnh đạo của hãng Hooker Furniture thì ước tính rằng thương hiệu Home Meridian International của họ sẽ chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm tới 30% trong quý này do hậu quả của việc ngừng hoạt động sản xuất. Tại cuộc phỏng vấn trực tuyến ngày 9/9/2021, Giám đốc tài chính của hãng Hooker Furniture Paul Huckfeldt cho biết thêm hãng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do việc các nhà máy bị đóng cửa trong thời gian qua.
Các nhà máy sản xuất rời khỏi Việt Nam
Các doanh nghiệp đã thực hiện ngay các biện pháp ứng phó với sự đứt gãy chuỗi sản xuất của họ một cách nhanh nhất có thể làm trong lúc này. Ông Charles Roberson, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất quần áo bảo hộ Lakeland Industries thì cho biết công ty đã phải tuyển dụng thêm các giám đốc điều hành mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp “chuyển năng lực sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc trong vài tuần tới”. Một số doanh nghiệp khác thì thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn bằng cách mở rộng sản xuất ra khắp khu vực. Ông Jeremy Hoff, Giám đốc điều hành của Hooker Furniture cho biết hãng thực sự đã đa dạng hóa chuỗi sản xuất khá nhiều bên ngoài Việt Nam, cụ thể là ở Thái Lan cũng như tại một số quốc gia khác nhau, thậm chí, hãng sẽ quay trở lại Trung Quốc sớm ngay khi cần thiết.
Tuy vậy, nhiều giám đốc điều hành khác lại không muốn quay trở lại Trung Quốc do đã phải vượt qua những rào cản đáng kể về mặt hậu cần để chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Đó là việc tuyển dụng nhân công, di dời trang thiết bị, thiết lập các chiến lược vận chuyển hàng hóa mới để đưa hàng hóa qua các tuyến đường và cảng vận chuyển bị tắc nghẽn. Việc thiết lập chuỗi cung ứng trở lại Trung Quốc cũng sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xem xét kỹ một chi phí khác: mức thuế quan của Mỹ áp đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Ông Shawn Nelson, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất bao bì đồ nội thất LoveSac thì cho biết hãng đã phải chuyển đơn hàng sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc dẫu biết rằng hàng tồn kho sản xuất tại Trung Quốc thì sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan khi xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đó cho phép hãng găm giữ lại hàng trong kho của mình, điều này là cực kỳ quan trọng đối với hãng cũng như đối với chính bản thân khách hàng của hãng.
Đối với nhiều doanh nghiệp thì việc quay trở lại Trung Quốc chỉ đơn giản là lựa chọn tồi tệ nhất mà họ có thể thúc đẩy sản xuất trước những gì đang định hình là một mùa kỳ nghỉ mua sắm hỗn loạn. Trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã xây dựng được danh tiếng một cách khá vững chắc. Trong một email trả lời phỏng vấn, Giáo sư Willy Shih về quản trị của Đại học Harvard (Mỹ) cho biết một số công ty đã bắt đầu quay trở lại Trung Quốc ngay từ cuối năm ngoái, nơi có nhiều địa điểm có thể đặt sản xuất. Điểm mấu chốt là nếu doanh nghiệp muốn trở thành nhà sản xuất có uy tín thì Trung Quốc thường là một địa điểm lý tưởng nhất để chọn làm việc đó.
(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ)