“Sóng ngầm” sau sự cứng rắn của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

0
104
Thái độ cứng rắn của Trung Quốc đang làm lung lay nền tảng của tiến trình đàm phán và con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai.

Chính phủ Trung Quốc hồi đầu tháng 5/2019 đã đơn phương gửi tới Mỹ dự thảo thỏa thuận thương mại giữa hai nước sau khi chỉnh sửa, rút ngắn xuống còn 105 trang từ 150 trang, lược bỏ 30% nội dung dự thảo thỏa thuận với Mỹ. Những phần bị chỉnh sửa và xóa bỏ là các nội dung như quy định về ràng buộc pháp lý… Đây là nội dung mà giới lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc đánh giá sẽ tạo ra một “thỏa thuận bất bình đẳng”.

Thái độ cứng rắn của Trung Quốc đang làm lung lay nền tảng của tiến trình đàm phán và con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai.

Tại sao Tổng thống Donald Trump tức giận?

Số trang tài liệu so với dự thảo thỏa thuận trước đó đã bị lược bỏ 30%. Phần bị lược bỏ đề cập những vấn đề mà phía Mỹ xem trọng và coi là biện pháp pháp lý để đảm bảo sự cải cách ở Trung Quốc. Song, những nội dung quan trọng đó đã quay trở lại là tờ giấy trắng. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung thất bại đã làm rung chuyển thế giới và tuyên bố của của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang cá nhận Twitter hôm 5/5 không phải là bất ngờ quá lớn. Ông Trump chỉ trích Trung Quốc và tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc , nâng tổng số hàng hóa Trung Quốc phải chịu thuế lên 250 tỷ USD, sau khi bản thỏa thuật bị lược còn 105 trang được gửi tới Mỹ.

Điều này đã thay đổi hoàn toàn nội dung cuộc hội đàm trước đó vào cuối tháng Tư tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đảo lộn cuộc hội đàm với Mỹ, trong lúc đang có những kỳ vọng cao về một thỏa thuận Mỹ- Trung. Dự thảo trước đó được cho đã vượt qua làn ranh quy phạm do ban lãnh đạo Trung Quốc đề ra.

Như vậy có thể nói, ông Tập Cận Bình hay cánh tay phải của ông là Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã không thể nhượng bộ Mỹ về những nội dung mang tính thể chế của Trung Quốc. Đó là sự đối đầu của “10% còn lại”, điều mà Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin chỉ ra.

Sự đổ bể lần này xảy ra với nguyên nhân chính là do 10% vấn đề mà hai bên chưa thể thống nhất. Dự thảo thỏa thuận trước đó được xây dựng từ 90% nội dung mà cả Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất. Đây là thành quả sau những nỗ lực đàm phám giữa ông Lưu Hạc và ông Lighthizer. Cả hai đã liên tục có các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh và Washington, để cuối cùng tập hợp được một bản dự thảo thuận dài 150 trang gồm 7 lĩnh vực chính.

Chắc chắn trong bản dự thảo có nội dung thể hiện quan điểm của ông Lưu Hạc. Từng từ, từng câu tiếng Anh và tiếng Trung đã được so sánh, kiểm tra cẩn thận. Nội dung bản dự thảo cũng được tập hợp và kiểm tra một cách hết sức chi tiết dưới con mắt của một luật sư quốc tế là ông Lighthizer. Nhìn từ góc độ của ông Tập và ông Lưu Hạc, có lẽ nhận thức thông thường sẽ cho là “các nhà lãnh đạo chắc chắn đã chấp nhận bản dự thảo”.

Tuy nhiên, văn bản mà phía Trung Quốc gửi cho phía Mỹ đã lược bỏ 30% nội dung được cho là cốt lõi nhất. Nếu đặt vào lập trường của Mỹ, văn bản này chỉ đơn giản là sự sắp xếp câu từ với 105 trang, trong khi phần đảm bảo thực hiện nội dung thoả thuận như các ràng buộc pháp lý đã bị xoá bỏ. Đây là bằng chứng cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ bỏ cơ hội có thể sớm đạt được thoả thuận với Mỹ, khiến ông Trump nổi giận.

Ý đồ của Trung Quốc khi quyết định phản đòn

Điều gì đã dẫn tới tình trạng như vậy? Truyền thông Trung Quốc sau khi sự việc xảy ra đã đăng tải phát biểu của ông Tập rằng “tôi sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả mọi hậu quả”. Trong trường hợp này có thể thấy trước khi bản dự thảo được chuyển đến phía Mỹ, các cơ quan chỉ đạo của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị đã tiến hành các cuộc họp.

Một nguồn tin liên quan của Chính phủ Trung Quốc cho rằng thông tin mà truyền thông nước này gửi đi là có ý đồ.

Tức là “trước khi ông Lưu Hạc tới Mỹ, quyết định sửa lại bản dự thảo là quyết định tập thể của lãnh đạo tối cao nước này. Bởi Trung Quốc đang đặt dưới sự lãnh đạo của một mình ông Tập và ông không nhất thiết phải chủ động phát biểu rằng “sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn”.

Tuy nhiên, có thể thấy ông Tập Cận Bình dù được cho là hạt nhân lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, song lại một lần nữa đã không thể đảo ngược được quyết định của tập thể. Cuộc đàm phán do ông Tập và ông Lưu Hạc thực hiện đã bị cản trở bởi những người xung quanh.

Phía Trung Quốc đến tận lúc này cũng rơi vào tình huống khó khăn với các chỉ trích về một hiệp ước bất bình đẳng rõ ràng đã can thiệp vào công việc nội bộ nước này-điều không thể chấp nhận được. Trong nội bộ, những chỉ trích như vậy dường như đang ngày một tăng.

Mỹ – quốc gia thừa hiểu những hành động của Trung Quốc trong quá khứ – sẽ không thể tin một thỏa thuận với nội dung mơ hồ có thể buộc Bắc Kinh phải thực sự cải cách. Washington đã yêu cầu sự bảo đảm bằng các biện pháp pháp lý trên một phạm vi rộng. Các biện pháp như cấm ép buộc chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực tư nhân; cấm ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ quốc tế; cấm hỗ trợ vốn cho hoạt động xuất khẩu đối với tất cả các doanh nghiệp và hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Nếu nhìn lại đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một tâm trạng rất tồi tệ. Tại hội nghị Sáng kiến “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 ở Bắc Kinh từ ngày 25 – 27/4, ông Tập đã không có những biểu hiện vui vẻ, dù có hơn 30 nguyên thủ đến dự.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên năm quyền đã hơn 6 năm, song người dân vẫn chưa cảm nhận được những thành quả kinh tế. Thành quả của thời kỳ phát triển cao độ đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây hoàn toàn là thành tựu của chính quyền các nhiệm kỳ trước.

Đàm phán còn nhiều chông gai

Trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Washington, ông Lưu Hạc đã không còn là “đặc phái viên” của ông Tập. Với một vị trí không còn toàn quyền quyết định, ông Lưu Hạc chỉ có vai trò tuyên truyền rằng “cuộc đàm phán không đổ vỡ và sẽ vẫn tiếp tục”. Trong thời gian ông Lưu Hạc còn ở Washington để đàm phán, ngày 10/5, chính quyền Mỹ đã bắt đầu áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, phía Trung Quốc ngày 13/5 cũng công bố các biện pháp đáp trả của nước này sẽ được thực hiện từ ngày 1/6.

Cùng ngày 13/5, Washington công bố chi tiết các hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bị tăng thuế. Thời gian kích hoạt là thời điểm sau tháng 6/2019. Đây là “viên đạn thứ 4” mà ông Trump nhằm tới Trung Quốc.

Ông Trump cho hay ông có thể hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 tới. Dù cuộc hội đàm có được thực hiện thì cũng không tránh khỏi sự đe dọa về một danh sách trừng phạt đối với toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc. Phủ định một thỏa thuận được cho là bất bình đẳng, Trung Quốc đã loại bỏ đi 30% dự thảo thỏa thuận ban đầu và chỉ còn 105 trang. Thái độ cứng rắn của Trung Quốc đang làm lung lay nền tảng của tiến trình đàm phán và con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai.

Thành Hữu (theo Nikkei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here