Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada công bố ngày 30/8/2022, trong Quý 2/2022, Canada đã thu hút được 21,9 tỷ CAD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Canada, tăng hơn 2 tỷ CAD so với Quý I/2022 và tăng gần gấp 2 lần so với Quý II/2021 (thu hút được 12 tỷ CAD). Ở chiều ngược lại, Canada đã đầu tư ra nước ngoài 34,5 tỷ CAD trong Quý II/2022, tăng so với Quý I/2022 (19,2 tỷ CAD). Điều này đã thể hiện sự phục hồi các trao đổi kinh tế, nhờ việc các đường bay được nối lại và các biện pháp kiểm dịch quốc tế được nới lỏng từ cuối tháng 3/2022.
Đầu tư trực tiếp của Canada ra nước ngoài chủ yếu vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, năng lượng, vận tải và thương mại bán lẻ, và công nghiệp; trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Canada chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, mỏ và sản xuất công nghiệp. Trong Quý II/2022, đầu tư trực tiếp của Canada chủ yếu vẫn tập trung vào Hoa Kỳ (75%), tương đương 25 tỷ; ngược lại, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Canada, chiếm 50% tổng đầu tư nước ngoài của Canada. Brazil và Mexico là 2 nước Nam Mỹ thu hút được nhiều đầu tư của Canada nhất; ở châu Âu, Anh, Đức, Thuỵ Sĩ, Luxembourg là những nước vẫn thu hút được sự quan tâm ổn định của các nhà đầu tư Canada. Ngoài ra, các nhà đầu tư của Canada cũng tăng đầu tư vào các thiên đường thuế như Cayman, Barbados bằng cách lập doanh nghiệp tại đây để lẩn tránh thuế. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Úc, Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ là những nước thu hút được nhiều đầu tư của Canada nhất trong 20 năm qua. Bài viết dưới đây tập trung phân tích tình hình và xu hướng đầu tư của Canada vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương; chứng minh tính song hành giữa hai luồng đầu tư vào và ra của thị trường Canada và các khuyến nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương giữa Việt Nam và Canada.
Tình hình và xu hướng đầu tư của Canada vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đầu tư của Canada vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong 20 năm qua chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8% trong cơ cấu tổng đầu tư ra nước ngoài của nước này. Hơn 60% đầu tư ra nước ngoài của Canada giai đoạn 2003 – 2022 tập trung ở Hoa Kỳ, 25% vào châu Âu, 4% vào Nam Mỹ và chưa đến 1% vào châu Phi. Các nhà đầu tư Canada gần đây giảm mạnh sự quan tâm đến thị trường châu Âu, tăng cường đầu tư vào Hoa Kỳ. Thị trường Nam Mỹ cũng dần mất đi sức hút. Tuy nhiên, châu Á – Thái Bình Dương chưa thực sự nổi lên như triển vọng đáng có từ sự hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do và sự chuyển hướng chiến lược địa chính trị của các nước lớn. Về giá trị, trong gần 20 năm qua, Canada mới đầu tư vào châu Á – Thái Bình Dương 266 tỷ CAD, với gần 2.500 dự án, chỉ xấp xỉ lượng đầu tư của Canada vào riêng Hoa Kỳ giai đoạn 5 năm 2018 – 2022.
Thêm vào đó, luồng đầu tư từ Canada vào châu Á – Thái Bình Dương trồi sụt khá thất thường. Riêng năm 2021, Canada đã đầu tư 25,5 tỷ CAD vào 12 nước châu Á – Thái Bình Dương, đây là số vốn đầu tư lớn nhất từng ghi nhận trong 20 năm qua, (tăng hơn 70% so với năm 2020 – 15,1 tỷ CAD). Số lượng dự án FDI tăng từ 88 lên 105; quy mô trung bình của mỗi dự án lên đến 240 triệu CAD, cũng tăng hơn năm 2021 (171 triệu). Thế nhưng 6 tháng đầu năm 2022, luồng đầu tư của Canada vào châu Á – Thái Bình Dương lại sụt giảm đáng kể; đến nay, mới ghi nhận 27 dự án đầu tư với tổng trị giá 2,81 tỷ. Dự báo cả năm 2022, khó có thể có các cam kết mới để đạt mức ghi nhận năm 2020 – năm chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19.
Kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng ngoại giao Canada – Trung Quốc và nhất là sau các đứt gẫy do Covid-19, Canada có sự thay đổi về địa bàn đầu tư, với xu hướng giảm dần và thoái lui khỏi Trung Quốc và Hongkong. Đáng lưu ý là trong Quý II/2022, xu hướng thoái lui đầu tư ở cả 2 chiều được ghi nhận ở cả 2 chiều Canada – Trung Quốc, Canada – Hongkong. Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 8 trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương nhận nhiều đầu tư nhất (Trung Quốc liên tục giữ vị trí số 1 giai đoạn 2005 – 2009 và top 5 giai đoạn 2009 – 2019). Trong năm 2021, FDI của Canada tập trung chủ yếu vào 4 nước và vùng lãnh thổ (gần 85%): Úc nhận 15,3 tỷ CAD, Ấn Độ 3,4 tỷ CAD và Đài Loan (Trung Quốc) 2,8 tỷ CAD. Các nước và vùng lãnh thổ nhận nhiều đầu tư khác lần lượt là: Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc) và Singapore. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ vươn lên là nước tiếp nhận nhiều FDI nhất từ Canada, tương đương khoảng 55% với 10 dự án; Úc 40% với 27 dự án.
Đầu tư của Canada vào châu Á – Thái Bình Dương chủ yếu vào các lĩnh vực: bất động sản, dịch vụ công ích, tài chính, điện, công nghệ, vận tải công nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ đầu tư của Canada cũng đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng ở châu Á. Nghiên cứu trong giai đoạn 2002 – 2022 cho thấy, các doanh nghiệp Canada ưa chuộng hình thức đầu tư mới (greenfield) hơn là thông qua các hoạt động M&A. Đầu tư của Canada vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng FDI vào châu Á – Thái Bình Dương, với tổng giá trị khoảng 2,7 tỷ CAD, tương đương 1% nhưng có xu hướng tăng nhẹ trong những năm gần đây (đạt 139 triệu CAD trong năm 2021, cao nhất kể từ 2009). Đầu tư R&D của Canada chủ yếu vào lĩnh vực ô tô, y sinh, dược, điện tử viễn thông và môi trường. Các nước thu hút được nhiều đầu tư R&D ở châu Á – Thái Bình Dương của Canada, ngoại trừ Trung Quốc, chủ yếu vẫn là những nước có năng lực bảo hộ sở hữu trí tuệ cao.
Tính song hành giữa thu hút FDI và đầu tư ra nước ngoài.
Nghiên cứu cho thấy, các nước nhận nhiều FDI của Canada nhất cũng là các nước đầu tư nhiều nhất vào Canada, trừ trường hợp của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, FDI vào Canada từ châu Á – Thái Bình Dương đã tăng từ khoảng 5% lên đến trên 11% trong tổng cơ cấu luồng FDI quốc tế. Tổng giá trị FDI vào Canada giai đoạn 2003 – 2022 lên đến 225 tỷ CAD, với 1.742 dự án, đa phần từ các nước và vùng lãnh thổ là: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc) và Hàn Quốc, tập trung vào 4 tỉnh bang: BC, Ontario, Quebec và Alberta, chủ yếu vào các lĩnh vực khoáng sản, lâm nghiệp, công nghiệp giấy. Năm 2020, châu Á – Thái Bình Dương đã đầu tư vào Canada 6,4 tỷ CAD và tăng lên 14,4 tỷ CAD trong năm 2021. Trong năm 2021, Úc vượt Nhật Bản, trở thành nhà đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký mới lớn nhất vào Canada; tiếp sau là Indonesia và Trung Quốc.
Với việc mua lại dự án mỏ Brucejack ở tỉnh bang BC, Úc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Canada trong năm 2021. Các nhà đầu tư Úc chủ yếu vào thị trường qua kênh mua lại (acquisition). Ngược lại, Úc cũng trở thành địa điểm đầu tư ưa thích nhất của các doanh nghiệp Canada trong năm 2021, cả về lượng vốn và số dự án, tăng 532% so với năm 2020 (2.4 tỷ). Úc giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư ưa thích nhất của các doanh nghiệp Canada trong 20 năm qua với 91 tỷ CAD, chiếm hơn 34% tổng đầu tư của Canada vào khu vực. Canada cũng tiếp nhận 23 tỷ CAD vốn đầu tư từ Úc trong 20 năm qua. Bất chấp khoảng cách địa lý và độ chênh múi giờ, hợp tác đầu tư song phương Canada – Úc ngày càng sâu sắc và có xu hướng ngày càng tăng. Sự song hành giữa luồng đầu tư vào và ra giữa 2 nước Canada và Úc là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa 2 thành viên Khối thịnh vượng chung, cùng chia sẻ ngôn ngữ, văn hóa và các mối liên hệ dòng tộc. Sự tương đồng về trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế (nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản, lâm thủy sản…) cũng có sự bổ trợ rõ rệt giữa 2 nền kinh tế Canada – Úc. Nhờ sự song hành này, tính kết nối của chuỗi cung ứng 2 chiều Canada – Úc càng trở nên mật thiết, tạo nền tảng cho các dự án của các nhà đầu tư khác dễ dàng tham gia sau.
Nhật Bản – Canada cũng là một ví dụ về sự song hành giữa 2 luồng đầu tư. Sau Covid-19, các nhà đầu tư Canada đã có làn sóng đầu tư tăng mạnh vào Nhật Bản. Chỉ trong 2 năm 2020 – 2022, Nhật Bản đã thu hút hơn 3 tỷ CAD, tương đương 30% tổng giá trị đầu tư của Canada vào Nhật Bản trong 20 năm qua. Ngược lại, về tổng giá trị FDI vào Canada, Nhật Bản là nước đứng thứ hai trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc. Cộng đồng người Nhật Bản ở Canada khá lớn và có tính kết nối chặt chẽ với quê hương. Nhật Bản rất quan tâm giới thiệu quảng bá văn hóa, ẩm thực và tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu học thuật, R&D tại Canada. Số lượng các nghiên cứu về Nhật Bản ở Canada khá lớn và là lựa chọn đứng thứ hai ở Canada khi nghĩ về “châu Á”.
Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia là trường hợp các nước láng giềng của Việt Nam có sự hiện diện đầu tư khá quan trọng ở Canada trong những năm gần đây. Trong số các nước ASEAN, Indonesia là nước đầu tư nhiều nhất vào Canada (3,81 tỷ CAD) và tiếp nhận khoảng 4,4 tỷ CAD FDI từ Canada, tiếp theo sau là Malaysia, với giá trị đầu tư vào Canada lên đến 3,3 tỷ (và tiếp nhận 3,27 tỷ FDI từ Canada); cả Thái Lan và Singapore đều đầu tư trên 3 tỷ CAD vào Canada. Cùng với làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Indonesia vào Canada những năm gần đây, Indonessia đang ráo riết thúc đẩy ký kết Hiệp định hợp tác toàn diện Canada – Indonesia. Indonesia cũng rất tích cực hỗ trợ Canada trong quá trình đàm phán Canada – ASEAN FTAs. Tận dụng tốt năm Chủ tịch G20, Indonesia đã tổ chức được nhiều hoạt động quảng bá tại Canada thu hút các doanh nghiệp lớn của Canada tham gia và tài trợ nhiều đoàn doanh nghiệp của Canada vào Indonesia. Sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp Canada đối với Indonesia vì vậy khá cao và Indonesia đang được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất tại ASEAN trong mắt các doanh nghiệp lớn nhất của Canada. Đáng lưu ý là trong năm 2021, Indonesia đã vượt Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Hongkong, trở thành điểm đến đầu tư yêu thích thứ 5 của các nhà đầu tư lớn của Canada. Việc Indonesia trở thành top 5 điểm đến đầu tư trong năm 2021 đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ thu hút thêm sự quan tâm của các doanh nghiệp SMEs Canada.
Ở chiều ngược lại, trường hợp thoái lui vốn đầu tư 2 chiều đang ghi nhận với cả Trung Quốc và Hongkong. Trong 20 năm qua, riêng Trung Quốc đã thu hút hơn 17% tổng FDI của Canada vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc (vụ việc bắt giữ liên quan đến công dân 2 nước) và đặc biệt sau vụ việc cảng Thượng Hải phong tỏa càng thúc đẩy tiến trình rời Trung Quốc của các doanh nghiệp Canada. Mặc dù vẫn đứng thứ 8 trong danh sách, Trung Quốc thu hút chưa đến 220 triệu CAD trong năm 2021 (Hong Kong 206 triệu CAD). Trong 6 tháng đầu năm 2022, luồng vốn vào Trung Quốc và Hong Kong từ Canada còn ghi tăng âm; tương tự với luồng vốn từ Canada vào Trung Quốc. Quá trình thoái lui vốn 2 chiều này được dự báo sẽ tiếp diễn và các nhà đầu tư Canada đang đẩy nhanh chuyển dịch đầu tư sang các nước khác. Trong xu hướng thoái lui này, Ấn Độ đang hưởng lợi nhiều nhất, nhờ năng lực ngôn ngữ và nhân lực. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ đã thu hút được 1,54 tỷ CAD từ Canada.
Thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương giữa Việt Nam và Canada.
Từ 2003 đến nay, theo số liệu sở tại, Canada có 64 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị là 7,95 tỷ CAD, tương đương 6,3 tỷ USD. Con số này có sự khác biệt so với ghi nhận tại Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam, theo đó, tổng giá trị đầu tư của Canada vào Việt Nam từ trước đến nay mới đạt 4,81 tỷ USD, với 231 dự án. Mặc dù chiếm chưa đến 3% tổng đầu tư của Canada vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam hiện đứng thứ 6 về giá trị trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương nhận đầu tư từ Canada. Nhờ sự gần gũi về ngôn ngữ (cùng là thành viên của Francophonie); các mối liên hệ hợp tác mật thiết trong khuôn khổ APEC, CPTPP và triển vọng tiếp theo là IPEF; và sự giao lưu văn hóa – giáo dục của hơn 300.000 sinh viên và cộng đồng người Việt tại Canada, triển vọng hợp tác đầu tư song phương Việt Nam – Canada là rất khả quan.
Trong ASEAN, hiện nay mới chỉ có Việt Nam và Singapore phê chuẩn và là thành viên của CPTPP. Việt Nam cũng có lợi thế là nước duy nhất trong ASEAN đến nay có các cơ chế hợp tác song phương toàn diện như: Hiệp định Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada (2017); Ủy ban Hỗn hợp kinh tế Việt Nam – Canada JEC (2021)7. Đây là những lợi thế to lớn để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư song phương.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, danh sách 10 nước nhận đầu tư nhiều nhất của Canada ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chưa năm nào có tên Việt Nam. Cũng theo số liệu của Canada, từ đầu năm 2020, không có dự án đầu tư mới nào của Canada vào Việt Nam. Trong cả 2 báo cáo về đầu tư do APF mới công bố năm 2022, Việt Nam không xuất hiện một lần nào về đánh giá tình hình lẫn dự báo. Sự chững lại về mối quan tâm của các doanh nghiệp Canada đối với thị trường Việt Nam đã giải thích sự dịch chuyển dòng vốn của Canada sang các thị trường Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Qua các Diễn đàn xúc tiến và phổ biến thông tin thị trường do Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức trong năm 2022, các doanh nghiệp Canada đều thừa nhận Việt Nam là một thị trường tiềm năng, với nền chính trị – xã hội ổn định, tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, thị trường tiêu dùng lớn, hạ tầng giao thông và công nghiệp phát triển, với mạng lưới các FTAs và cam kết quốc tế hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn ngần ngại tìm đến với Việt Nam vì chưa có các doanh nghiệp lớn Canada mở đường, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước của Canada, các định chế ngân hàng tài chính và các Quỹ đầu tư của Canada.
Thực tế cho thấy, trong luồng đầu tư của Canada vào châu Á – Thái Bình Dương 20 năm qua, khu vực doanh nghiệp Nhà nước của Canada chiếm vai trò rất quan trọng, trung bình tới 37% tổng đầu tư. Úc, Ấn Độ và Đài Loan sở dĩ thu hút được đầu tư nhiều nhất chính là nhờ thu hút luồng đầu tư của các Quỹ đầu tư Canada. Thậm chí so với Campuchia, Việt Nam cũng kém lợi thế hơn về sự hấp dẫn vì Campuchia đã thu hút được sự có mặt hoạt động của 2 ngân hàng Canada là Banque Nationale và Desjardins.
Hiện nay, Việt Nam có ưu thế hơn các đối tác khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở 3 điểm: 1) tăng trưởng ổn định và ở mức khá cao; 2) lạm phát thấp; 3) Các cân đối vĩ mô khả quan. Đây là thời điểm Việt Nam cần tích cực vận động để lôi cuốn các nhà đầu tư Canada vào Việt Nam, nhất là các Quỹ đầu tư đang rất cần chuyển hướng đầu tư từ các địa bàn lạm phát cao. Hiện nay, lạm phát trung bình ở nhóm các nước G20 năm 2022 ước tính lên tới 8 – 9%. Lạm phát cao sẽ khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc vì giá trị tài sản sẽ bị giảm do lạm phát và chuyển đổi tỷ giá. Thậm chí, ở một số địa bàn, lạm phát sẽ kéo theo nguy cơ bất ổn kinh tế, suy thoái, khủng hoảng, sẽ khiến các nhà đầu tư cân nhắc lại địa bàn đầu tư. Tính kết nối cao nhờ CPTPP, JEC và các triển vọng hợp tác logistics, vận tải biển giữa hai bờ Thái Bình Dương cũng là những điểm cộng để Việt Nam nhanh chóng bứt phá thu hút đầu tư trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố về cải cách môi trường đầu tư, tạo thuận lợi về thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa chi tiêu vào R&D, đẩy mạnh năng lực R&D, song song với cải thiện hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu và đội ngũ lao động. Giữa Việt Nam và Canada có nhiều lĩnh vực và nhiều thách thức cùng phải quan tâm giải quyết như: chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu, nông lâm nghiệp và nghề cá bền vững, an ninh lương thực… Đây là cơ sở tiềm tàng để thu hút đầu tư trong R&D và đầu tư sản xuất nói chung trong các ngành chế biến thực phẩm; sản xuất các sản phẩm và dịch vụ môi trường; sản xuất pin năng lượng và các thiết bị lưu trữ và thu hồi carbon… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội thu hút đầu tư của Canada vào các lĩnh vực dịch vụ như sàn trao đổi tín chỉ carbon, tư vấn dịch vụ số và chuyển đổi số, tư vấn thiết kế đô thị thông minh và dịch vụ viễn thông…
Song song với thu hút FDI của Canada vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam vào Canada hiện nay theo ghi nhận của Cơ quan thống kê Canada trong giai đoạn 2003 – 2022 chỉ có giá trị chưa đến 14 triệu CAD, với 10 dự án. (Theo số liệu của Việt Nam, tính đến nay chúng ta có 16 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 120,9 triệu USD vào Canada). Đầu tư của Việt Nam vào Canada là chìa khoá thúc đẩy tính kết nối chuỗi cung ứng và sản xuất giữa 2 nước, từ đó cải thiện tính liên kết về logistics và vận tải và thúc đẩy thêm nữa đầu tư của Canada vào Việt Nam. Thị trường Canada và Hoa Kỳ có tính liên thông chặt chẽ, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở Canada sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Hoa Kỳ với hơn 330 triệu người tiêu dùng.
Ngoài ra, thành lập doanh nghiệp ở Canada dễ dàng với chi phí thấp. Hệ thống pháp luật của Canada rõ ràng và minh bạch; pháp luật đầu tư của Canada rất ưu đãi với nhiều cơ chế hỗ trợ, đặc biệt đối với các dự án công nghệ hoặc có hàm lượng R&D cao. Canada cũng có chính sách nhập cư thuận lợi, với lộ trình cho phép khoảng 500.000 người nhập cư mỗi năm cho đến năm 2025. Các doanh nghiệp đầu tư tại Canada được mang theo lao động với cơ chế khá dễ dàng (thậm chí, do cần lao động, trong đàm phán ASEAN – Canada FTA, Canada còn muốn tiến tới ký kết lưu chuyển tự do lao động).
Canada có thế mạnh về vốn, công nghệ, tài nguyên và đất đai; trong khi Việt Nam có thế mạnh về lao động, thị trường và tính kết nối nhờ FTAs. Việt Nam còn có khoảng trên 50 triệu tín chỉ carbon có thể thương mại hóa. Sự bổ trợ giữa 2 nền kinh tế là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào Canada, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như: xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, thương mại nông nghiệp, công nghiệp nhựa và cơ khí,…
Kết luận
Sau đại dịch Covid-19, Canada tiếp tục đầu tư lớn vào lĩnh vực hạ tầng, nhà dân dụng và xây dựng. Các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam – với năng lực xây dựng tốt và với lợi thế về nhân công (giá và kỷ luật), chi phí thiết kế thấp – có rất nhiều cơ hội để thành công khi cạnh tranh ở thị trường Canada. Canada có nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng và quy hoạch khai thác công bố rõ ràng. Các doanh nghiệp Canada cũng có xu hướng thoái lui trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động khác như nhựa, cơ khí, nông nghiệp… trong khi Canada lại vẫn cần để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế – xã hội. Thương mại điện tử và bán lẻ của Canada cũng là lĩnh vực còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Thành lập các tổng kho phân phối và giao hàng ở Canada không chỉ là lĩnh vực có lợi nhuận cao mà còn trợ giúp thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất ở trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Kinh nghiệm thu hút thành công FDI Canada của các nước châu Á – Thái Bình Dương cho thấy đã đến lúc Việt Nam phải thúc đẩy các doanh nghiệp của mình nâng quy mô, vươn ra quốc tế. Sự chững lại gần 10 năm của dòng vốn FDI Canada vào Việt Nam cho thấy đối với các nhà đầu tư chất lượng cao, lợi thế nhân công giá rẻ và thị trường chưa hẳn là chìa khóa hấp dẫn. Sự thiếu vắng các định chế ngân hàng và tài chính, quỹ đầu tư của Canada ở Việt Nam gia tăng sự ngần ngại đầu tư của các doanh nghiệp Canada vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ cần chiến lược để hấp dẫn các định chế này để thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Canada. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư vào Canada nói riêng của các doanh nghiệp Việt mới là sự đảm bảo lâu dài cho dòng chảy vốn và công nghệ từ Canada vào Việt Nam. Sự song hành của 2 luồng đầu tư không chỉ tăng cường độ tin cậy, tính an toàn dòng vốn mà sẽ thực sự tạo ra sự kết nối từ nền tảng R&D, cho đến chuỗi cung ứng và sản xuất giữa hai nền kinh tế.
TRẦN THU QUỲNH (Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada)