Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada công bố ngày 30/8/2022, trong Quý 2/2022, Canada đã thu hút được 21,9 tỷ CAD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Canada, tăng hơn 2 tỷ CAD so với Quý I/2022 và tăng gần gấp 2 lần so với Quý II/2021 (thu hút được 12 tỷ CAD). Ở chiều ngược lại, Canada đã đầu tư ra nước ngoài 34,5 tỷ CAD trong Quý II/2022, tăng so với Quý I/2022 (19,2 tỷ CAD). Điều này đã thể hiện sự phục hồi các trao đổi kinh tế, nhờ việc các đường bay được nối lại và các biện pháp kiểm dịch quốc tế được nới lỏng từ cuối tháng 3/2022.
Đầu tư trực tiếp của Canada ra nước ngoài chủ yếu vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, năng lượng, vận tải và thương mại bán lẻ, và công nghiệp; trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Canada chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, mỏ và sản xuất công nghiệp. Trong Quý II/2022, đầu tư trực tiếp của Canada chủ yếu vẫn tập trung vào Hoa Kỳ (75%), tương đương 25 tỷ; ngược lại, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Canada, chiếm 50% tổng đầu tư nước ngoài của Canada. Brazil và Mexico là 2 nước Nam Mỹ thu hút được nhiều đầu tư của Canada nhất; ở châu Âu, Anh, Đức, Thuỵ Sĩ, Luxembourg là những nước vẫn thu hút được sự quan tâm ổn định của các nhà đầu tư Canada. Ngoài ra, các nhà đầu tư của Canada cũng tăng đầu tư vào các thiên đường thuế như Cayman, Barbados bằng cách lập doanh nghiệp tại đây để lẩn tránh thuế. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Úc, Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ là những nước thu hút được nhiều đầu tư của Canada nhất trong 20 năm qua. Bài viết dưới đây tập trung phân tích tình hình và xu hướng đầu tư của Canada vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương; chứng minh tính song hành giữa hai luồng đầu tư vào và ra của thị trường Canada và các khuyến nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương giữa Việt Nam và Canada.
Tình hình và xu hướng đầu tư của Canada vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đầu tư của Canada vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong 20 năm qua chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8% trong cơ cấu tổng đầu tư ra nước ngoài của nước này. Hơn 60% đầu tư ra nước ngoài của Canada giai đoạn 2003 – 2022 tập trung ở Hoa Kỳ, 25% vào châu Âu, 4% vào Nam Mỹ và chưa đến 1% vào châu Phi. Các nhà đầu tư Canada gần đây giảm mạnh sự quan tâm đến thị trường châu Âu, tăng cường đầu tư vào Hoa Kỳ. Thị trường Nam Mỹ cũng dần mất đi sức hút. Tuy nhiên, châu Á – Thái Bình Dương chưa thực sự nổi lên như triển vọng đáng có từ sự hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do và sự chuyển hướng chiến lược địa chính trị của các nước lớn. Về giá trị, trong gần 20 năm qua, Canada mới đầu tư vào châu Á – Thái Bình Dương 266 tỷ CAD, với gần 2.500 dự án, chỉ xấp xỉ lượng đầu tư của Canada vào riêng Hoa Kỳ giai đoạn 5 năm 2018 – 2022.
Thêm vào đó, luồng đầu tư từ Canada vào châu Á – Thái Bình Dương trồi sụt khá thất thường. Riêng năm 2021, Canada đã đầu tư 25,5 tỷ CAD vào 12 nước châu Á – Thái Bình Dương, đây là số vốn đầu tư lớn nhất từng ghi nhận trong 20 năm qua, (tăng hơn 70% so với năm 2020 – 15,1 tỷ CAD). Số lượng dự án FDI tăng từ 88 lên 105; quy mô trung bình của mỗi dự án lên đến 240 triệu CAD, cũng tăng hơn năm 2021 (171 triệu). Thế nhưng 6 tháng đầu năm 2022, luồng đầu tư của Canada vào châu Á – Thái Bình Dương lại sụt giảm đáng kể; đến nay, mới ghi nhận 27 dự án đầu tư với tổng trị giá 2,81 tỷ. Dự báo cả năm 2022, khó có thể có các cam kết mới để đạt mức ghi nhận năm 2020 – năm chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19.
Kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng ngoại giao Canada – Trung Quốc và nhất là sau các đứt gẫy do Covid-19, Canada có sự thay đổi về địa bàn đầu tư, với xu hướng giảm dần và thoái lui khỏi Trung Quốc và Hongkong. Đáng lưu ý là trong Quý II/2022, xu hướng thoái lui đầu tư ở cả 2 chiều được ghi nhận ở cả 2 chiều Canada – Trung Quốc, Canada – Hongkong. Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 8 trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương nhận nhiều đầu tư nhất (Trung Quốc liên tục giữ vị trí số 1 giai đoạn 2005 – 2009 và top 5 giai đoạn 2009 – 2019). Trong năm 2021, FDI của Canada tập trung chủ yếu vào 4 nước và vùng lãnh thổ (gần 85%): Úc nhận 15,3 tỷ CAD, Ấn Độ 3,4 tỷ CAD và Đài Loan (Trung Quốc) 2,8 tỷ CAD. Các nước và vùng lãnh thổ nhận nhiều đầu tư khác lần lượt là: Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc) và Singapore. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ vươn lên là nước tiếp nhận nhiều FDI nhất từ Canada, tương đương khoảng 55% với 10 dự án; Úc 40% với 27 dự án.
Đầu tư của Canada vào châu Á – Thái Bình Dương chủ yếu vào các lĩnh vực: bất động sản, dịch vụ công ích, tài chính, điện, công nghệ, vận tải công nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ đầu tư của Canada cũng đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng ở châu Á. Nghiên cứu trong giai đoạn 2002 – 2022 cho thấy, các doanh nghiệp Canada ưa chuộng hình thức đầu tư mới (greenfield) hơn là thông qua các hoạt động M&A. Đầu tư của Canada vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng FDI vào châu Á – Thái Bình Dương, với tổng giá trị khoảng 2,7 tỷ CAD, tương đương 1% nhưng có xu hướng tăng nhẹ trong những năm gần đây (đạt 139 triệu CAD trong năm 2021, cao nhất kể từ 2009). Đầu tư R&D của Canada chủ yếu vào lĩnh vực ô tô, y sinh, dược, điện tử viễn thông và môi trường. Các nước thu hút được nhiều đầu tư R&D ở châu Á – Thái Bình Dương của Canada, ngoại trừ Trung Quốc, chủ yếu vẫn là những nước có năng lực bảo hộ sở hữu trí tuệ cao.
Tính song hành giữa thu hút FDI và đầu tư ra nước ngoài.
Nghiên cứu cho thấy, các nước nhận nhiều FDI của Canada nhất cũng là các nước đầu tư nhiều nhất vào Canada, trừ trường hợp của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, FDI vào Canada từ châu Á – Thái Bình Dương đã tăng từ khoảng 5% lên đến trên 11% trong tổng cơ cấu luồng FDI quốc tế. Tổng giá trị FDI vào Canada giai đoạn 2003 – 2022 lên đến 225 tỷ CAD, với 1.742 dự án, đa phần từ các nước và vùng lãnh thổ là: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc) và Hàn Quốc, tập trung vào 4 tỉnh bang: BC, Ontario, Quebec và Alberta, chủ yếu vào các lĩnh vực khoáng sản, lâm nghiệp, công nghiệp giấy. Năm 2020, châu Á – Thái Bình Dương đã đầu tư vào Canada 6,4 tỷ CAD và tăng lên 14,4 tỷ CAD trong năm 2021. Trong năm 2021, Úc vượt Nhật Bản, trở thành nhà đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký mới lớn nhất vào Canada; tiếp sau là Indonesia và Trung Quốc.
Với việc mua lại dự án mỏ Brucejack ở tỉnh bang BC, Úc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Canada trong năm 2021. Các nhà đầu tư Úc chủ yếu vào thị trường qua kênh mua lại (acquisition). Ngược lại, Úc cũng trở thành địa điểm đầu tư ưa thích nhất của các doanh nghiệp Canada trong năm 2021, cả về lượng vốn và số dự án, tăng 532% so với năm 2020 (2.4 tỷ). Úc giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư ưa thích nhất của các doanh nghiệp Canada trong 20 năm qua với 91 tỷ CAD, chiếm hơn 34% tổng đầu tư của Canada vào khu vực. Canada cũng tiếp nhận 23 tỷ CAD vốn đầu tư từ Úc trong 20 năm qua. Bất chấp khoảng cách địa lý và độ chênh múi giờ, hợp tác đầu tư song phương Canada – Úc ngày càng sâu sắc và có xu hướng ngày càng tăng. Sự song hành giữa luồng đầu tư vào và ra giữa 2 nước Canada và Úc là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa 2