Số hoá làm chuyển đổi dịch vụ công như thế nào ?

0
87
ảnh minh hoạ

Ngày 26/12/2018, Báo Les Echos, Pháp cho biết “Cải cách sâu rộng Nhà nước” là một trong những nội dung quan trọng được Tổng thống Pháp E. Marcon rất quan tâm kể từ khi lên nắm quyền tháng 5/2017. Lĩnh vực này tiếp tục được ông E. Marcon nhấn mạnh trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 10/12/2018 nhằm xử lý cuộc “khủng hoảng xã hội” mà phong trào “Áo vàng” gây ra. Cải cách này sẽ được thực hiện bằng nhiều biện pháp. Nhất là bằng việc số hoá mạnh mẽ các dịch vụ công với mục tiêu đến năm 2022, 100% các dịch vụ công sẽ thực hiện qua mạng trực tuyến, và ngay từ năm 2019 sẽ thực hiện thí điểm “bỏ việc sử dụng giấy tờ trong kê đơn của các bác sỹ.

Việc ứng dụng mạnh mẽ số hoá cũng sẽ giúp đổi mới công việc hàng ngày của công chức, viên chức. Theo nghiên cứu mới nhất thực hiện theo đề nghị của Ban chỉ đạo liên bộ về chuyển đổi công (DITP), nhờ số hoá, công việc hàng ngày của hơn 70% trong 3,5 triệu công chức, viên chức, đối tượng nghiên cứu sẽ thay đổi một cách rõ rệt, thậm chí triệt để. Đáng chú ý, sẽ không hề có mối đe doạ về mất việc làm mà chỉ là sự thay đổi căn bản về cách thức làm việc đối với những người công tác giảng dạy, những người làm trong ngành y tế, thư ký toà soạn và cảnh sát. Điều này cũng khác biệt so với một nghiên cứu tiến hành năm 2014, dự báo giảm 3 triệu việc làm tại Pháp do tự động hoá. Thêm nữa, hai lĩnh vực công chức Nhà nước và công chức bệnh viện hiện chiếm 94% biên chế công chức, viên chức. Ngoài hai lĩnh vực này, công việc của tất cả các nhân viên đón tiếp và định hướng sẽ được xem xét lại, theo cách đã thực hiện đối với các nhân viên hướng dẫn ngành bưu điện. Nhiệm vụ nhập thông tin và thu thập tài liệu sẽ mất dần, để tập trung vai trò cố vấn có tính chuyên gia hơn nếu như cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt.

Số hoá cũng cho những kết quả vượt mong đợi. Chẳng hạn đối với lực lượng cảnh sát, công việc sẽ hiệu quả hơn nhờ “phân tích tự động các hình ảnh và âm thanh thông qua trí tuệ nhân tạo” và nhờ “sử dụng các phần mềm dự báo từ việc so sánh các dữ liệu khác nhau để đưa ra các khả năng chỉ dẫn đến hành động hoặc dự báo trước những tình huống nguy hiểm để ưu tiên xử lý tránh những trường hợp nghi ngờ.

Số hoá cũng giúp nghề giảng dạy thay đổi một cách triệt để. Việc tự động chữa bài với các công cụ cấu hình tạo điều kiện rất dễ cho việc kiểm tra và tiết kiệm thời gian chấm bài. Các “lớp học kết nối với nhau” cũng được phát triển mạnh với việc nhiều thành phần giáo viên và học viên khác nhau tham gia dạy và học trực tuyến. Tất cả điều này sẽ cho phép “cá nhân hoá” mạnh mẽ quá trình của người học. Tuy vậy, ở đây cũng nảy sinh những lo ngại chính đáng là nghề giáo cao quý sẽ bị suy giảm xuống thành công việc đánh giá thuần tuý.

Như vậy, số hoá có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và mang lại hiệu quả to lớn. Tuy nhiên, nhóm tác giả nghiên cứu khuyến nghị số hoá cần tiếp cận theo ngành nghề. Điểm đáng lưu ý là để tận dụng tối ưu tiềm năng của số hoá thông qua việc so sánh các dữ liệu cũng đòi hỏi phải chủ động phá “rào cản” giữa lĩnh vực dịch vụ và hành chính (dữ liệu xã hội và dữ liệu thuế).

(Tin từ ĐSQVN tại Pháp).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here