Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là trọng tâm trong chiến lược hướng tới nền kinh tế số của Malaysia. Trước Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, SMEs của Malaysia đang xây dựng những nền tảng tốt nhất cho những bước đột phá về công nghệ.
Xây dựng nền tảng vững chắc
Chính phủ Malaysia đã đặt mục tiêu đưa nước này vào top 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2050, đồng thời xác định 4 trụ cột công nghệ chính giúp họ đạt được mục tiêu này là công nghiệp 4.0, du lịch thông minh, giáo dục thông minh và thành phố an toàn. Đây là 4 hướng phát triển trong chiến lược chuyển đổi nền kinh tế kỹ thuật số (digital transformation) mà quốc gia này đang thực hiện.
Công nghiệp 4.0 cũng sẽ đặt trọng tâm cụ thể vào các SMEs. Gần 98,5% doanh nghiệp nhỏ của Malaysia nằm trong khu vực sản xuất và cung cấp 42% cơ hội việc làm trong nước.
SMEs sẽ được trao quyền nắm lấy ngành công nghiệp 4.0 thông qua những đối tác chiến lược quan trọng. Những đối tác này bao gồm việc cung cấp kinh phí và các sáng kiến dựa trên kết quả, tạo ra các hệ sinh thái kỹ thuật số dựa trên hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả, khung pháp lý đầy đủ, sự nâng cao và tương lai của lực lượng lao động cũng như tiếp cận với các công nghệ thông minh.
Tuy nhiên, hiện nay SMEs Malaysia cũng phải đối mặt với những thách thức xung quanh sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, rủi ro an ninh mạng, cũng như việc xây dựng một chiến lược toàn diện để đổi mới nền kinh tế. Các công nghệ biến đổi sẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa quá trình robot (RPA) dần thay thế các công nghệ hiện tại để trở thành ưu tiên đầu tư trong 3 năm tới.
Để “lên dây cót” cho những bước đột phá mới, SMEs của Malaysia đang xây dựng nền tảng kỹ thuật số nhưng tốc độ của quá trình này tương đối chậm. 62,7% doanh nghiệp SMEs đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, chỉ có khoảng 6,8% doanh nghiệp SMEs đang hoàn thiện những giai đoạn cuối cùng. Hiện nay, Malaysia đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ dưới hình thức như tài trợ về vốn và công nghệ để các SMEs nhanh chóng đạt được sự trưởng thành về nền tảng kỹ thuật số.
Một nền tảng công nghệ số vững chắc còn giúp Malaysia thu hút được đầu tư. Các nhà đầu tư quốc tế và các nhà xây dựng hệ sinh thái nền kinh tế số tiếp tục cam kết và tăng cường đầu tư vào Malaysia. Chính phủ và doanh nghiệp Malaysia cũng đang rất chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế số thông qua việc thành lập trung tâm công nghệ và kỹ thuật số hàng đầu ASEAN, qua đó ngày càng tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Từ lâu, Malaysia đã là một trung tâm cho các thương nhân, với Eo biển Malacca được biết đến như một điểm trung chuyển chính kết nối châu Á, châu Âu và Trung Đông. Với những nền tảng sẵn có và quyết tâm phát triển một hệ sinh thái kinh doanh sôi động trên cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, đất nước này tiếp tục mang đến những cơ hội lý tưởng cho bất kỳ ai có tầm nhìn về tương lai và đam mê biến nó thành hiện thực.
Hành trình không dễ dàng
Tuy nhiên, có thể khẳng định, chuyển đổi số là một quá trình không dễ dàng với các SMEs của Malaysia nói riêng và của các nền kinh tế Đông Nam Á nói chung. Hiện nay, các thách thức mà SMEs trong khu vực gặp phải tập trung ở 3 vấn đề chính: Thiếu khả năng tiếp cận với công nghệ số; áp lực khi phải tập trung vào những lợi ích ngắn hạn của kỹ thuật số và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro từ công nghệ số. Bên cạnh đó, khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số cũng là một thách thức mà các SMEs cần phải tính đến.
Nếu các SMEs không khéo léo trong con đường chuyển đổi công nghệ số có thể sẽ phải trả giá bởi lẽ các công nghệ mới là con dao hai lưỡi, một mặt tạo ra các cơ hội nhưng mặt khác tiềm ẩn nhiều rủi ro như bảo mật thông tin, dữ liệu. Đó cũng là một trong những yếu tố gây tâm lý ái ngại trong một số SMEs khiến họ e dè trong việc tạo những bước đột phá chuyển đổi công nghệ số và tiếp tục tập trung nhiều hơn vào khai thác các công nghệ hiện tại để mang lại lợi ích thức thời cho doanh nghiệp cũng như tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực.
Dựa trên những thực trạng đó, các nhà nghiên cứu kinh tế đã đưa ra một số bước căn bản mà các SMEs có thể áp dụng trong hành trình chuyển đổi số của mình. Thứ nhất, các SMEs cần phải có một kế hoạch căn bản, cụ thể trong ngắn và dài hạn cho quá trình chuyển đổi của mình. Thứ hai, doanh nghiệp cần phải cân bằng giữa công nghệ cũ và mới, dám thay đổi và chấp nhận những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình chuyển đổi. Thứ ba, các doanh nghiệp nên phải tập trung vào việc đưa những chiến lược số đi vào hoạt động kinh doanh,thiết kế các sản phẩm, dịch vụ dựa trên công nghệ số để có được những kinh nghiệm ban đầu. Những kinh nghiệm này cũng cần được chia sẻ và lan tỏa.
Thứ tư, nguồn lực cho quá trình số hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp đồng thời cần phát triển song song các cách thức quản lý rủi ro, tuân thủ tính bảo mật để quá trình số hóa được hiệu quả. Khi các SMEs thành công trong quá trình số hóa sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số ở Malaysia và trong khu vực Đông Nam Á.
Các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực để vươn lên một tầm cao mới. Kinh tế số là nền kinh tế của tương lai. Nó cho phép doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn, giúp phát triển đồng đều, mở rộng cơ hội việc làm và mở ra cách thức làm việc hoàn toàn mới. Kinh tế số sẽ giúp tăng năng suất, từ đó công việc có thể hoàn thành nhanh hơn, hiệu quả hơn và tăng thu nhập.
Tiềm năng thị trường kinh tế số Đông Nam Á là rất lớn. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế đó, đồng thời đáp ứng với xu thế kinh tế số phát triển như vũ bão hiện nay, đòi hỏi các nước Đông Nam Á có những chiến lược phát triển kinh tế số mang tính tổng thể và dài hơi. Những bước đi đầu tiên của các SMEs đang đem đến những triển vọng mới.
Phạm Hằng (theo OPENGOV)