Singapore – quốc gia “đổ” nhiều tiền nhất vào Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á

0
354
Singapore dẫn đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam với 248 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,78 tỷ USD. (Nguồn: BizLive)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ các quốc gia Đông Nam Á vào Việt Nam đạt 6,24 tỷ USD.

Singapore dẫn đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam với 248 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,78 tỷ USD. (Nguồn: BizLive)

Cụ thể, các quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam là Thái Lan, Malaysia, Brunei, Campuchia, Philippines, Indonesia, Lào và Myanamar.

Trong đó, Singapore dẫn đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam với 248 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,78 tỷ USD. Theo sau là Thái Lan với 34 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 184,86 triệu USD. Xếp ở vị trí thứ 3 là Malaysia với 37 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đạt 184,8 triệu USD.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản, tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, hai lĩnh vực này chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư tại 50 tỉnh, thành của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các dự án FDI của Thái Lan đầu tư vào Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, các dự án có quy mô dưới 10 triệu USD chiếm tới gần 80% tổng số dự án đầu tư. Lĩnh vực thu hút nhiều dự án FDI của Thái Lan là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Còn các nhà đầu tư Malaysia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện; 3 lĩnh vực này chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư của Malaysia tại Việt Nam

Malaysia hiện đã có đầu tư tại hơn 30 tỉnh, thành của Việt Nam (trong đó có khu vực dầu khí). Một số tỉnh, thành mà Malaysia đã đầu tư vào là TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đối với Brunei, Campuchia, Philippines, Indonesia, Lào và Myanmar, các dự án của các quốc gia này đầu tư vào Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ.

Xét về lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đến tháng 11/2022, Singapore vẫn là quốc gia đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Singapore vào Việt Nam đạt khoảng 70,75 tỷ USD với 3.070 dự án tính đến tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, Thái Lan là nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư đến tháng 11/2022 vào Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Thái Lan vào Việt Nam đạt khoảng 13,08 tỷ USD với 676 dự án tính đến tháng 11/2022.

Các quốc gia còn lại như Malaysia, Bunei, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar có lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt lần lượt là 13,06 tỷ USD; 971 triệu USD; 639 triệu USD; 606 triệu USD; 71,11 triệu USD; 69,42 triệu USD và 0,91 triệu USD.

Thời gian qua, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng như: ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…

Năm 2022, có rất nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức trực tuyến, để giúp cho các nhà đầu tư kết hợp với các tổ chức quốc tế thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, là kênh xúc tiến hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời là một giải pháp để tiết kiệm kinh phí.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.

Bước sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ còn rất nhiều khó khăn trong bối cảnh thế giới khó đoán định. Tuy nhiên, về dài hạn Việt Nam được các Tổ chức nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi đây là địa bàn quan trọng mà các nước hướng tới để thực hiện các hoạt động chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường khu vực ASEAN và thế giới.

Bà Virgina B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Hoa kỳ tại Việt Nam đánh giá: “Đây là thời điểm Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả đối với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nhân lực, logistics và an toàn dịch bệnh. Dịch Covid-19 đang định hình lại do nhà đầu tư lựa chọn điểm đến không chỉ là môi trường kinh doanh hấp dẫn, chi phí nhân công thấp, mà còn là khả năng hấp thụ công nghệ và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here