Đối mặt rủi ro
Một xu hướng đang trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây, đó là việc các tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng trong năm 2022, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2023.
Cách đây ít ngày, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 8,1%, thay vì 7,6% của dự báo cũ. Gọi năm 2022 là một năm phục hồi bùng nổ và cho rằng, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng vượt trội của châu Á, song HSBC cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro, thách thức của nền kinh tế trong năm tới. Bởi thế, ngân hàng này dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, chỉ ở mức 5,8%, thay vì 6% như dự báo trước đó.
Tương tự, nửa tháng trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cùng với việc nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay lên 7,5%, cao hơn đáng kể so với con số 6,5% được đưa ra hồi tháng 9/2022, thì cũng đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống còn 6,3%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Lý giải việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam, HSBC cho rằng, những thách thức với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới đến từ những trở ngại về thương mại đang gia tăng.
Thực tế, theo HSBC, sau khi tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước trong 3 quý đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm tốc nhanh chóng trong tháng 10. Thậm chí, tháng 11 còn chứng kiến lần sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong vòng 2 năm trở lại đây.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 đã giảm 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu giảm 8,4%.
“Nguyên nhân chủ yếu do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… giảm ngay cả trong thời điểm tiêu dùng dịp Giáng sinh; chi phí đầu vào ở mức cao; thiếu hụt nguồn cung đầu vào”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Xuất khẩu giảm, nên sản xuất công nghiệp cũng có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 chỉ tăng 5,3%, thấp hơn tốc độ tăng của tháng 10 và chỉ bằng một nửa của tháng 9.
Điều này cũng lý giải vì sao Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam chỉ đạt 47,4 điểm trong tháng 11/2022, giảm so với 50,6 điểm của tháng 10.
Chính Ngân hàng Thế giới (WB) đã bày tỏ lo lắng khi 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang chững lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lo lắng về điều này, nhất là khi các vấn đề về dòng tiền, thanh khoản đang “làm khó” doanh nghiệp.
Hơn thế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm đang xuất hiện trở lại, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất – kinh doanh, thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng…
Vượt “cơn gió ngược”
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức, nhất là khi kinh tế toàn cầu được dự báo khó khăn hơn trong năm tới. Suy thoái kinh tế ở Mỹ có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại nền kinh tế, thì một đối tác kinh tế lớn khác của Việt Nam là Nhật Bản cũng vừa nhận tin lạm phát lập đỉnh 40 năm qua. Kinh tế châu Âu cũng đang đối mặt với bộn bề khó khăn.
Bối cảnh đó là thách thức lớn với Việt Nam, bởi rất có thể, “kỳ tích” xuất khẩu hơn 700 tỷ USD trong năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng. “Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho thời kỳ ‘ngủ đông’ của xuất khẩu”, HSBC nhận định.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, năm 2023, những “cơn gió ngược” sẽ xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm mới đây, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đã nói về điều này. “Sự suy giảm thương mại và đầu tư trên toàn cầu đang gây ra những tác động và hệ lụy tiêu cực đến các nền kinh tế, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Thậm chí, ông Trần Tuấn Anh còn nhắc đến những vấn đề như bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn, khả năng chống chịu trước những cú sốc… và coi đó như những vấn đề nội tại của nền kinh tế mà Việt Nam phải giải quyết.
Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cũng đã nhắc đến việc Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đang trải qua thời kỳ suy yếu. “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm trầm trọng thêm những ‘cơn gió ngược’ đối với các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển”, ông Andrea Coppola nói.
Các “cơn gió ngược” dường như đang ngày càng mạnh hơn. Câu hỏi đặt ra là, làm sao để Việt Nam có thể vượt qua được “cơn gió ngược 2023”?
“Các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính”, ông Andrew Jeffries nói.
Trong khi đó, ông Andrea Coppola khuyến nghị Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, giải quyết vấn đề thanh khoản của thị trường tài chính và bất động sản.
“Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường các khung chính sách giám sát, xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư”, ông Andrea Coppola nói.
Nhưng có lẽ, hơn hết, để vượt qua khó khăn của năm 2023, phải bắt đầu bằng việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đó mới là nền tảng quan trọng nhất để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục đà phục hồi.
(Hà Nguyễn/baodautu)