Sân bay Long Thành – động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Nai

0
29
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. (Nguồn: VGP)

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, đối ngoại, quốc phòng an ninh đối với quốc gia.

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. (Nguồn: VGP)

Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước trong nhiều năm qua, có vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.

Tuy nhiên, sau thời gian dài tăng trưởng mức cao, Đồng Nai đã có dấu hiệu chững lại. Kinh tế – xã hội địa phương đã phát sinh những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở quá trình phát triển.

Những năm qua, Đồng Nai được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi giao thương kết nối với các tỉnh, thành của cả nước. Đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang giúp Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối địa phương với các nước trong khu vực và quốc tế.

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay được xây dựng đạt cấp 4F, là cảng hàng không quốc tế quan trọng của nước ta, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.

Dự án có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán toàn bộ dự án là khoảng 16,06 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cũng cho biết, trong phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh xác định lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm, động lực phát triển kinh tế, đột phá phát triển, góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; chuyển dần từ phụ thuộc vào ngành công nghiệp sang các ngành thương mại, dịch vụ, nhất là phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Sự chuyển dịch của kinh tế Đồng Nai từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗn hợp sang 3 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn gồm, công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo. Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 có nền kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Song song với đó, đến năm 2050, Đồng Nai sẽ là tỉnh đi đầu tư trong phát triển công nghệ cao, trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận định, sân bay Long Thành sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề chiến lược ở tầm quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và giúp Đồng Nai có bước chuyển mạnh mẽ. Đồng thời, giúp khơi thông được tắc nghẽn hàng không đang diễn ra nhiều năm nay.

“Không chỉ thế, sân bay Long Thành còn mang sứ mệnh giải quyết tắc nghẽn của quốc gia, kết nối vùng và kết nối Việt Nam với thế giới”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Để tận dụng tiềm năng lớn kể trên, trong tương lai, Đồng Nai cần tập trung 3 lĩnh vực trọng tâm; trong đó, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, gắn với phát triển công nghiệp và đô thị. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp vùng Đông Nam Bộ lan tỏa bứt phá, đưa Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển có sức cạnh tranh tầm cỡ quốc tế.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here