Quốc hội Mỹ đang đặt ra nhiều thử thách cho thỏa thuận của các nước G7 ngày 05/6/2021 về áp đặt mức thuế tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia. Thỏa thuận này sẽ áp mức thuế tối thiểu ít nhất là 15% đối với các doanh nghiệp và cho phép các quốc gia có thêm thẩm quyền đánh thuế lợi nhuận các công ty kỹ thuật số đang thống trị thị trường toàn cầu nhưng trả thuế tương đối ít ở nhiều quốc gia nơi họ hoạt động như Apple, Facebook… Thỏa thuận là biện pháp để các nước có thể đánh thuế các công ty có lợi nhuận cao nhằm cung cấp tài chính cho ngân sách quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh thỏa thuận được coi là sự trở lại của Mỹ với chủ nghĩa đa phương.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ lại được coi là trung tâm của cuộc thử nghiệm nhằm đưa Thỏa thuận này có hiệu lực. Các nghị sỹ Cộng hòa vốn phản đối việc đánh thuế, và các thủ tục phê chuẩn phức tạp sẽ ngăn cản đảng Dân chủ thông qua thỏa thuận ở Quốc hội. Các nước khác cũng sẽ ngần ngại thay đổi luật hoặc loại bỏ các loại thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ nếu Quốc hội Mỹ không ủng hộ Thỏa thuận này. Các nhà lập pháp Mỹ có thể phản đối Thỏa thuận bằng cách bày tỏ quan ngại rằng nước Mỹ sẽ bị thiệt nếu chỉ có Mỹ tăng thuế mà các nước khác không tăng thuế. Ngay trong nội bộ đảng Dân chủ cũng có bất đồng về mức thuế. Chính quyền Biden đã kêu gọi tăng thuế lên 28% nhưng một số đảng viên Dân chủ cho rằng mức thuế này quá cao.
Chính quyền Biden cũng sẽ cần tới phiếu của các nghị sĩ đảng Cộng hòa để thay đổi thuế doanh nghiệp tối thiểu khi thương lượng lại các hiệp định thuế do việc này chỉ được Quốc hội thông qua khi nhận được 2/3 số phiếu thuận. Các đảng viên Cộng hòa hàng đầu về xây dựng luật thuế tại Quốc hội, bao gồm Hạ nghị sĩ Kevin Brady ở Texas và Thượng nghị sĩ Mike Crapo ở Idaho, chỉ ra rằng Mỹ đã áp đặt một hình thức thuế tối thiểu ở mức 10,5% vào năm 2017 và các quốc gia khác đã không làm theo. Hai nghị sĩ này cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thận trọng để không gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp Mỹ và người lao động.”.
Thỏa thuận này sẽ sớm phải đối mặt với một phép thử tại cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu, bao gồm tất cả G7 và một số quốc gia đang phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Các Bộ trưởng Tài chính G20 sẽ họp tại Venice vào đầu tháng 7 với chương trình nghị sự của cuộc họp bao gồm thảo luận về một cuộc đại tu các quy tắc thuế toàn cầu. Thỏa thuận này cũng sẽ được bàn thảo trong nhóm rộng hơn gồm 135 quốc gia trong Khuôn khổ bao trùm, bao gồm một số quốc gia có thuế suất rất thấp, chẳng hạn như Ireland, với mức phí 12,5% trên lợi nhuận. Mỹ đã đề xuất những thay đổi về thuế nhằm trừng phạt các công ty từ các quốc gia không áp đặt mức thuế tối thiểu. Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire, cho biết G7 sẽ phải thuyết phục các nước khác, đặc biệt Trung Quốc, ủng hộ thỏa thuận và ông rất lạc quan về vấn đề này.
Các thay đổi về thuế này, nếu có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều công ty lớn và có lợi nhuận cao trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, việc bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ tạo thuận lợi cho các công ty công nghệ. Giám đốc điều hành của một số công ty công nghệ lo lắng rằng các quốc gia sẽ tiếp tục duy trì thuế dịch vụ kỹ thuật số của họ ngay cả khi đã đạt một thỏa thuận toàn cầu về thuế doanh nghiệp. Matthew Schruers, chủ tịch của Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông, đại diện cho các công ty bao gồm Google của Alphabet Inc. và Facebook Inc., đã hoan nghênh thỏa thuận G7 hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, ông cảnh báo “mọi chuyện sẽ chỉ kết thúc cho đến khi các loại thuế kỹ thuật số nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ một cách không công bằng được loại bỏ” .
Nhiều công ty công nghệ lớn, bao gồm Apple, Alphabet, và Facebook trong những năm gần đây đã báo cáo mức thuế hiệu quả đối với họ xấp xỉ ở mức tối thiểu 15% do G7 đề xuất. Một số công ty có mức thuế thấp hơn, như Apple báo cáo trả thuế 14,4% do thuế ở nước ngoài thấp hơn, sẽ phải đóng thuế cao hơn trước.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)