Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Myanmar trong bối cảnh GMS – Những thay đổi trong thương mại và đầu tư

0
2322
  1. Tổng quan

Với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã được khởi xướng vào năm 1992 bởi sáu quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực sông Mekong gồm có Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Vân Nam và Khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc. GMS là một trong những chương trình hợp tác khu vực chính kết nối Trung Quốc với lục địa Đông Nam Á. Các hoạt động của GMS tập trung vào việc kết nối cơ sở hạ tầng và hợp tác kinh tế. Trong khuôn khổ chiến lược 2012-2022 do ADB phát triển, các cơ chế hợp tác đa ngành trong chương trình GMS bao gồm ưu tiên phát triển các hành lang chính của tiểu vùng như hành lang kinh tế, tăng cường kết nối giao thông, xây dựng một cách tiếp cận tích hợp nhằm cung cấp nguồn năng lượng bền vững, an toàn và cạnh tranh; cải thiệnliên kết viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông giữa các nước GMS; phát triển và quảng bá du lịch ở Mê Kông như một điểm đến duy nhất; thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, cạnh tranh và thân thiện môi trường; tăng cường hiệu quả môi trường trong GMS; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và các sáng kiến tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập GMS cũng đồng thời hướng tới giải quyết các vấn đề tiêu cực diễn ra trong quá trình hội nhập sâu.[1]

Hợp tác GMS thu hút nhiều sự quan tâm vì đây là mối quan hệ láng giềng gần gũi, phối hợp nhiều khía cạnh trong suốt chiều dài lịch sử. Đối với Việt Nam, lưu vực sông Mekong có vai trò quan trọng trong chiến lược kinh tế – xã hội, môi trường, sinh thái và an ninh quốc phòng. Việt Nam nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ các tuyến giao thông quan trọng ở lưu vực sông Mekong. Các mục tiêu cơ bản trong các chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong được đánh giá là phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Do đó, Việt Nam ủng hộ và tích cực tham gia với tư cách là thành viên trong hầu hết các chương trình của dự án. Việt Nam đã và đang xúc tiến kế hoạch tổng thể để khai thác các lợi thế, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các chương trình này, đặc biệt là hợp tác kinh tế.

FDI từ Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của các nước GMS khác thông qua việc hình thành vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển giao công nghệ… Trong giai đoạn 2001-2015, thương mại giữa Việt Nam và các nước CLM đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhờ sự hợp tác khu vực trong việc xóa bỏ thuế quan, thuận lợi hóa thương mại trong ASEANvà những nỗ lực của các nước GMS trong việc phát triển các hành lang kinh tế. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến trình độ phát triển khác nhau và sự thiếu ổn định chính trị ở một số nước thành viên có thể làm chậm tiến trình và lợi ích của hợp tác tiểu vùng. Tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và các nước CLM vẫn còn nhỏ so với tỷ trọng giữa Việt Nam với các nước ASEAN +3 do Việt Nam và các nước CLM có quy mô kinh tế nhỏ và nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các nước phát triển.

Vì vậy, mục tiêu của bài viết này là tổng quan và phân tích mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Myanmar. Bài viết tập trung vào những thay đổi trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước này trong bối cảnh GMS cũng như các thể chế hợp tác khác trong khuôn khổ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bài viết gồm các nội dung chính như sau: Phần 2 sẽ tổng quan về hợp tác kinh tế trong GMS và sự hội nhập của Việt Nam trong GMS trong bối cảnh nhiều biến động của châu Á. Phần 3 phân tích quan hệ kinh thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước CLM. Phần 4 đưa ra các kết luận và một số hàm ý cho Việt Nam.

  1. Tổng quan về hợp tác kinh tế trong GMS và sự hội nhập của Việt Nam trong GMS trong bối cảnh châu Á năng động

2.1. Tổng quan về hợp tác kinh tế giữa các nước GMS

Các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực và tiểu vùng giữa bốn nước Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar bao gồm Hợp tác giữa Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV – thành lập năm 1999), Hợp tác giữa Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLVM – thành lập năm 2003); ba chương trình hợp tác với các nước trong khu vực GMS, bao gồm Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong (GMS – thành lập năm 1992), Ủy ban sông Mêkông (1995), Chiến lược Kinh tế Ayeyawady – Chao Praya – Mekong (ACMECS – thành lập năm 2003). Bên cạnh đó, có 7 cơ chế hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong và các đối tác phát triển, gồm có: Hợp tác Phát triển lưu vực sông Mekông (AMBDC – thành lập năm 1996), Hợp tác Mekong – Ganga (MGC – thành lập năm 2000), Hợp tác Mekong- Nhật Bản (thành lập năm 2007), Sáng kiến hạ lưu Mekong (thành lập năm 2009), Hợp tác Mekong – Hàn Quốc (thành lập năm 2011), Hợp tác bạn bè hạ lưu Mekong (FLM được thành lập năm 2011), Hợp tác giữa Lanang – Mekong (thành lập năm 2015).

  • Mục tiêu và các lĩnh vực hợp tác kinh tế trong GMS

– Hợp tác Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV)

Chương trình hợp tác CLV hay Chương trình Tam giác phát triển được khởi xướng năm 2001 tại cuộc họp Thủ tướng của các nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Chương trình bao gồm các khu vực biên giới ở Tây Nguyên Việt Nam, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào vì vùng biên giới đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của ba nước (Ogasawara, 2015). Cơ chế hợp tác này nhằm tăng cường lợi thế so sánh của các nước và vùng biên giới nói riêng và nền kinh tế của toàn vùng nói chung (Dinh & Nguyen, 2009).

-Hợp tác  Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLVM)

Cơ chế hợp tác CLMV do Thủ tướng Lào khởi xướng trong cuộc gặp với lãnh đạo các nước CMV nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2004. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hợp tác giữa bốn nước thông qua các liên kết cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư.

– Chiến lược kinh tế Ayeyawady- Chao Praya – Mekong (ACMECS)

ACMECS là một khuôn khổ hợp tác kinh tế bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, đa phương để khai thác lợi thế so sánh giữa các vùng và quốc gia thành viên, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Mục tiêu của ACMECS là: (i) tăng khả năng cạnh tranh của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam; (ii) phát triển các khu vực biên giới; (iii) thuận lợi hóa việc dịch chuyển các ngành nông nghiệp và chế tạo sang các lĩnh vực có lợi thế so sánh; (iv) tạo cơ hội việc làm; (v) giảm chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia và (vi) tăng cường hòa bình, ổn định giữa các nước láng giềng một cách bền vững.

Chương trình hợp tác kinh tế GMS

Mục đích của chương trình là thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia thành viên thông qua tăng cường liên kết kinh tế giữa các nước. Tầm nhìn trong GMS là “thịnh vượng, hội nhập và hài hòa đang được theo đuổi thông qua chiến lược ba trụ cột (“Cs”) – Kết nối (Connectivity), Cạnh tranh (Competitiveness) và Cộng đồng (Community)” (Xiong & Wen, 2009). Để thực hiện tầm nhìn này, các chương trình và dự án ưu tiên đã được xác định và thực hiện trong nhiều lĩnh vực. Các chương trình GMS bao gồm 9 lĩnh vực hợp tác: nông nghiệp, năng lượng, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, viễn thông, vận tải, du lịch, thương mại và đầu tư.

Từ năm 2002, các dự án ưu tiên của GMS đã được xếp vào 11 chương trình ưu tiên với cách tiếp cận đa ngành bao gồm (i) Hành lang kinh tế Bắc – Nam; (ii) Hành lang kinh tế Đông – Tây; (3) Hành lang kinh tế phía Nam; (iv) Các tuyến trục bưu chính viễn thông; (v) Các thoả thuận mua bán và kết nối điện trong vùng; (vi) Thuận lợi hoá cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới; (vii) Tăng cường sự tham gia và năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân; (viii) Phát triển nguồn nhân lực; (ix) Khung môi trường chiến lược; (x) Kiểm soát ngập lụt và quản lý tài nguyên nước; và (xi) Phát triển du lịch GMS.

  • Hội nhập của các nước GMS trong bối cảnh châu Á năng động (ASEAN, ASEAN + 3)

Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là thành viên của ASEAN, ASEAN + 3.Điều này đã cho phép nâng cấp hoạt động hợp tác trong GMS theo một chiều hướng mới, một bối cảnh mới và tăng thêm lợi thế (Sussangkarn, 2006). Sự tổng hoà giữa các chương trình phát triển của ASEAN, ASEAN + 3 và GMS tạo ra tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế khu vực. ASEAN và GMS có cùng mục tiêu theo đuổi hợp tác phát triển. ASEAN tạo ra một khuôn khổ hợp tác khu vực rộng hơn mà trong đó GMS có thể thực hiện được các hoạt động, mục tiêu của mình. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng GMS là một phần trong các chương trình ASEAN và ASEAN + 3. ASEAN trực tiếp thực hiện một số hoạt động, đặc biệt là trong phát triển nguồn nhân lực cho bốn thành viên mới nhất của GMS (Severino Jr, 2000). ASEAN thực tế đã coi GMS như một khuôn khổ để kết hợp 4 thành viên mới chặt chẽ hơn và nhanh chóng hơn với các nước thành viên ASEAN khác.

Nhật Bản có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của GMS bởiNhật Bản đã nhận thấy khu vực sông Mekong là “mắt xích yếu nhất” của ASEAN (Ogasawara, 2015). Trong nửa đầu năm 1990, chính phủ Nhật Bản đã liên tục tham gia tích cực, thể hiện sự quan tâm đến sự phát triển của khu vực GMS thông qua các tổ chức là ADB, Chính phủ Nhật Bản, Ủy ban sông Mekong (MRC), Chính phủ Thái Lan và ASEAN.

Từ các phân tích trên, có thể thấy rằng trong bối cảnh Châu Á biến động ngày nay với mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa các quốc gia, cơ chế hợp tác kinh tế giữa bốn nước Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar trong GMS sẽ không tách biệt với ASEAN và ASEAN + 3. Hơn nữa, Nhật Bản luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ CMLV và góp phần tích cực vào hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước này.

2.2. Hội nhập của Việt Nam trong GMS

GMS là một liên kết quan trọng ở Châu Á và là một thị trường tiềm năng với dân số 240 triệu người, quy mô GDP trên 660 tỷ USD. GMS cho đến nay đã có 12 cơ chế hợp tác, trong đó có 4 cơ chế ACMECS, CLMV, CLV và GMS là cơ chế hợp tác nội bộ. Thực tế cho thấy “ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực là yếu tố quyết định”. Thành công hay sự thất bại của ba cơ chế này là rất quan trọng đối với các nguồn lực bên trong của tiểu vùng. Nếu các nội lực của tiểu vùng được củng cố và tăng cường thông qua các cơ chế này thì hiệu quả của 7 cơ chế bên ngoài còn lại sẽ được nâng lên. Với tư duy như vậy, kể từ khi gia nhập ACMECS và CLMV, Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện vai trò của mình. So với các nước CLMV, Việt Nam có một số lợi thế về quy mô kinh tế, kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế, đổi mới và hội nhập quốc tế. Có thể nói ACMECS và CLMV có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng sự tin tưởng, do đó Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và cùng với các thành viên khác tạo sức hấp dẫn lớn hơn của CLM với các đối tác trong và ngoài ASEAN. Lần đầu tiên trong các cơ chế này, Việt Nam đã có sáng kiến kết nối các hoạt động kinh doanh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với các nhà hoạch định chính sách của khu vực để biến tầm nhìn thành hiện thực. Về chính sách thương mại và đầu tư trong ACMECS và cơ chế hợp tác CLMV, Việt Nam đã nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, thúc đẩy việc đơn giản hóa, thuận lợi hóa thủ tục hải quan và phát triển các khu công nghiệp dọc theo hành lang kinh tế; tạo thuận lợi thương mại biên giới thông qua việc thuận lợi hóa các quy định về thương mại biên giới và phát triển hệ thống chợ biên giới; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tài chính và công nghệ; thúc đẩy sự phát triển của các cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các thị trường CLM. Giống như ba nước khác, cụ thể là Campuchia, Lào và Myanmar, Việt Nam cũng là thành viên của ASEAN, ASEAN + 3. Đều này đã đưa phát triển hợp tác trong GMS theo một chiều hướng mới, một bối cảnh mới, thêm sức mạnh, thêm một lợi thế nữa. Việt Nam tích cực hội nhập vào ASEAN, ASEAN + 3 bằng cách thực hiện các cam kết của ASEAN, ASEAN + 3 nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư.

  1. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước CLM trong bối cảnh biến động của châu Á

3.1. Thay đổi trong thương mại giữa Việt Nam và các nước CLM

Trong giai đoạn 2001-2015, thương mại của Việt Nam với các nước CLM đã gia tăng đáng kể chủ yếu do lợi thế về vị trí địa lý và các nỗ lực hội nhập khu vực.

Kim ngạch, tỷ lệ tăng trưởng và tỷ trọng xuất khẩu

Trong giai đoạn 2001 – 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CLM có xu hướng tăng trưởng đều đặn, trừ năm 2009 và 2015. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam đạt 3.514 triệu USD, tăng hơn 16 lần so với mức 215 triệu USD năm 2001 (Hình 1).

Hình 1: Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CLM, 2001-2015

Nguồn:ITC (2016)

Năm 2015, xuất khẩu giảm nhẹ xuống còn 3.294 triệu USD do xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia giảm. Xu hướng tăng xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước CLM bắt nguồn từ việc mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước CLM được đẩy mạnh trong khuôn khổ hội nhập khu vực, đặc biệt là hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hợp tác GMS.

Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CML thấp hơn nhiều so với tổng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN + 3 (Hình 2). Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN + 3 gấp gần 16 lần so với tổng xuất khẩu sang các nước CLM. Năm 2015, khoảng cách này đã được mở rộng đến gần 18 lần. Trong hầu hết các năm của giai đoạn 2002-2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang CLM cao hơn sang ASEAN + 3. Tuy nhiên, hai năm gần đây chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CLM, trong khi xuất khẩu sang ASEAN + 3 tăng mạnh, nguyên nhân có thể do các ưu đãi mạnh mẽ của việc thực hiện ba FTA quan trọng là Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam -Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA). Điều này đã phần nào phản ánh rằng hợp tác ATIGA và GMS đã chậm hơn so với các FTA của ASEAN + 3 trong việc thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Hình 2: Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN+3 và các nước CLM, 2002-2015

Nguồn: ITC (2016)

Kim ngạch, tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng nhập khẩu

Năm 2015, nhập khẩu của Việt Nam từ nhóm CLM là 1.588 triệu USD, tăng gần 17 lần so với 95 triệu USD năm 2001 (Hình 3). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ các nước CLM đã biến động mạnh trong suốt cả thời kỳ và giảm trong năm năm gần đây. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ các quốc gia CLM đã tăng nhẹ trong suốt giai đoạn này nhưng vẫn còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 1,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới vào năm 2015. Hạn chế này phần lớn do sự gia tăng nhanh chóng nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hình 3: Nhập khẩu của Việt Nam từ các nước CLM, 2001-2015

Nguồn: ITC (2016)

Nhập khẩu của Việt Nam từ các nước CLM chỉ chiếm 1,38% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN + 3. Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước ASEAN + 3 gấp hơn 72 lần so với nhập khẩu từ các nước CLM. Mặc dù năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng nhập khẩu của Việt Nam từ CLM, nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng nhập khẩu của Việt Nam từ các nước CLM trong giai đoạn 2002-2015 cao hơn so với ASEAN + 3 (lần lượt là 23,27% và 19,81%) và tỷ trọng hàng nhập khẩu của Việt Nam từ CLM trong tổng số hàng nhập khẩu từ ASEAN + 3 có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các nước CLM trong các đối tác nhập khẩu của Việt Nam trong khu vực.

Hình 4: Nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN+3 và CLM, 2002-2015

Nguồn: ITC (2016)

Cán cân thương mại

Trong giai đoạn 2001-2012, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại, vốn đã có xu hướng ngày càng tăng, với các nước CLM. Bối cảnh tổng thặng dư thương mại ở Việt Nam đạt 2,378 triệu USD vào năm 2014 và thâm hụt thương mại xảy ra vào năm 2015 cho thấy các nước CLM là những thị trường quan trọng của Việt Nam trong việc tạo ra dự trữ ngoại hối.

Hình 5: Cán cân thương mại của Việt Nam với các nước CLM, 2001-2015

(Đơn vị: triệu USD)

Nguồn: ITC (2016)

Như vậy, thương mại giữa Việt Nam và các nước CLM đã có xu hướng gia tăng về giá trị và tỷ trọng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của cả nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam với nhóm này đã giảm trong những năm gần đây và tỷ trọng thương mại của Việt Nam với nhóm này vẫn còn thấp so với tổng thương mại của Việt Nam với ASEAN + 3.

Thương mại theo đối tác

Có sự chênh lệch lớn trong thương mại của Việt Nam với CLM. Đến nay, Campuchia là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, theo sau là Lào, trong khi Myanmar là đối tác nhỏ nhất.

Bảng 1: Cơ cấu thương mại giữa Việt Nam và CLM (%)

Năm Campuchia Lào Myanmar
Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất khẩu Nhập khẩu
2001 67.9 24.2 29.8 71.6 2.3 4.2
2002 71.2 48.9 26 46.6 2.8 4.5
2003 80.7 54.6 15.7 35.1 3.6 10.3
2004 82.4 58.3 14.6 33.2 3 8.5
2005 87.3 52.8 10.8 32 1.9 15.2
2006 87.6 42.1 10.7 41.6 1.8 16.2
2007 88.8 41.8 9.3 43 1.9 15.3
2008 88.9 37.6 9.3 49 1.9 13.4
2009 85.0 37.3 12.5 49.7 2.5 13
2010 86.3 41.2 11 43.5 2.7 15.3
2011 87.3 44.1 9.9 47.2 2.8 8.7
2012 84.2 49.2 12.4 40.9 3.4 9.9
2013 81.8 38.9 11.8 51.6 6.4 9.5
2014 76.4 39.9 13.8 51.4 9.8 8.7
2015 72.7 59.5 15.9 36.9 11.4 3.5

Nguồn: Tác giả tính toán từ ITC (2016)

Do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia cao hơn nhập khẩu của Việt Nam từ nước này nên Việt Nam đã có thặng dư thương mại gia tăng với nước này, đạt mức rất cao – gần 1,5 tỷ USD vào năm 2015 (Hình 6).

Hình 6: Thương mại của Việt Nam với Campuchia, 2001-2015 (Đơn vị: triệu USD)

Nguồn: ITC (2016)

Lào là đối tác thương mại đóng vai trò quan trọng của Việt Nam. Năm 2015, gần 37% hàng nhập khẩu của Việt Nam từ CLM có nguồn gốc từ Lào, trong khi đó khoảng 16% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang CLM được vận chuyển tới Lào (Bảng 1). Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Lào đã có xu hướng tăng lên từ năm 2006 đến năm 2014, đạt mức 318 triệu USD vào năm 2014 nhưng đã giảm đáng kể vào năm 2015 ở mức 63 triệu USD (Hình 7).

Hình 7: Thương mại của Việt Nam với Lào, 2001-2015 (Đơn vị: triệu USD)

Nguồn: ITC (2016)

Mặc dù là đối tác thương mại nhỏ nhất của Việt Nam trong số các nước CLM, nhưng Myanmar đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp nguồn hàng cho thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2001-2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar tăng hơn 75 lần từ 5.000 USD năm 2001 lên 375 triệu USD vào năm 2015 (Hình 8), chiếm khoảng 11% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang CLM vào năm 2015 (Bảng 1). Cán cân thương mại của Việt Nam với Myanmar chuyển sang trạng thái thặng dư từ năm 2011 và đạt mức cao là 319 triệu USD vào năm 2015. Tuy nhiên, thương mại hai chiều của Việt Nam với Myanmar vẫn còn thấp so với Campuchia và Lào, một phần là do sự mở cửa của nền kinh tế Myanmar còn ở mức độ thấp. Do đó, với dấu hiệu Myanmar mở cửa thị trường gần đây, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường tiềm năng này trong tương lai.

Hình 8: Thương mại của Việt Nam với Myanmar, 2001-2015 (Đơn vị: triệu USD)

Nguồn: ITC (2016)

3.2. Thay đổi trong đầu tư giữa Việt Nam và các nước CLM

FDI ròng vào CLMV nhìn chung có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2001-2015. Sau khi giảm nhẹ do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2009, dòng vốn FDI vào các nước CLMV đã tăng trở lại và đạt mức cao kỷ lục 18,7 tỷ USD vào năm 2015.

Mặc dù các quốc gia này có xu hướng thu hút thêm ngày càng nhiều FDI trong thời gian gần đây nhưng tỷ trọng dòng vốn FDI vẫn còn hạn chế so với các nước ASEAN-6. Trong giai đoạn 2001-2015, FDI vào cả bốn nước CLMV cộng lại (chiếm 9,7% tổng vốn FDI vào ASEAN) chỉ gần bằng dòng vốn FDI vào riêng Thái Lan (chiếm 10,8% tổng vốn FDI vào ASEAN).

Hình 8: Đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng vào các nước CLMV và Thái Lan, 2001-2015

(Đơn vị: triệu USD)

Nguồn: World Development Indicator 2017

Trong số các nước CLMV, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2001-2015, dòng vốn FDI vào Việt Nam chiếm 72,67% tổng vốn FDI vào khu vực GMS. Gần đây, vốn FDI vào Myanmar cũng tăng trưởng nhanh chóng đặc biệt là từ năm 2007, vượt qua FDI vào Campuchia và Lào. Trong giai đoạn 2001-2015, Myanmar đã nhận được 14,3% tổng dòng vốn FDI vào CLMV, tiếp theo là Campuchia và Lào với tỷ trọng lần lượt là 9,36% và 3,68% (Hình 9).

 

Nói chung, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ đều tăng. FDI từ ASEAN + 3 vẫn là nguồn đầu tư quan trọng cho các nước CLMV (Bảng 2). Năm 2015, Trung Quốc và ASEAN là hai nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia và Lào.Tại Campuchia, FDI từ Trung Quốc chiếm 32% và FDI từ ASEAN chiếm 25% trong tổng FDI vào quốc gia này. Các công ty Trung Quốc dẫn đầu FDI trong lĩnh vực sản xuất (48% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành này) và các nhà đầu tư ASEAN chiếm ưu thế về FDI trong lĩnh vực tài chính (30% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính). Tại Lào, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 62% dòng FDI, tiếp đến là ASEAN, chiếm 21%. Cơ sở hạ tầng vẫn là đối tượng nhận FDI chủ yếu, đặc biệt là các dự án điện năng. FDI trong sản xuất vẫn còn thấp nhưng đầu tư tài chính tăng mạnh do các công ty của ASEAN tăng đầu tư. Myanmar đã có dòng vốn FDI tăng mạnh trong năm 2015, đặc biệt vào lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, công nghiệp khai khoáng và tài chính. Trong khi đó, FDI vào Việt Nam năm 2015 chủ yếu đếntừ Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản. Khoảng 67% dòng FDI đầu tư vào sản xuất đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc (Ban Thư ký ASEAN & UNCTAD, 2016).

Bảng 2: Top 10 nhà đầu tư trong CLMV, 2013

Quốc gia Gía trị (USD million) Tỷ trọng (%)
ASEAN 3564 27.0
Nhật Bản 2439 18.5
Trung Quốc 2028 15.3
Hàn Quốc 1945 14.7
EU 762 5.8
Hồng Kông 644 4.9
Nga 431 3.3
Đài Loan 418 3.2
Quần đảo Cayman 148 1.1
Quần đảo British Virgin 126 1.0
Khác 717 5.4

Nguồn: Ban thư ký ASEAN, cơ sở dữ liệu FDI ASEAN

Đối với FDI ra nước ngoài, FDI ròng của CLMV rất hạn chế với giá trị tích lũy đạt 8,6 tỷ USD vào cuối năm 2015, trong đó có 99,5% là FDI ra nước ngoài của Việt Nam. Tổng FDI từ Campuchia và Lào là 26,7 triệu USD và 15 triệu USD, trong khi Myanmar chưa đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù có đầu tư ra nước ngoài, nhưng đầu tư trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia CLMV (Số liệu từChỉ số Phát triển Thế giới của Ngân hàng Thế giới năm 2017).

  • Đầu tư giữa Việt Nam và các nước GMS khác

Mặc dù có giá trị khiêm tốn, đầu tư ra nước ngoài (OFDI) của Việt Nam đã tăng khá nhanh trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2014, Việt Nam đã có 930 dự án với tổng số OFDI đăng ký khoảng 20 triệu USD. OFDI của Việt Nam nhìn chung tập trung vào các nước láng giềng truyền thống trong ASEAN bao gồm Lào, Campuchia và Myanmar. Tổng OFDI vào ba quốc gia này chiếm 43% tổng số OFDI của Việt Nam (Bảng 3). Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào khai khoáng, nông nghiệp và lâm nghiệp (ví dụ như cao su, cà phê, sắn …). Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đa dạng hóa đầu tư cho các lĩnh vực khác như thông tin liên lạc, sản xuất điện, bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm …

  Bảng 3: Tích lũy OFDI của Việt Nam sang các nước ASEANtính đến cuối năm 2014

Chỉ tiêu Số dự án Giá trị (triệu USD)
Tổng 930 19780
OFDI sang ASEAN 543 9543
OFDI sang ASEAN/tổng OFDI 58% 50%
Lào 259 4690
Campuchia 171 3377
Malaysia 12 754
Myanmar 19 450
Singapore 53 196
Indonesia 8 50
Thái Lan 9 15
Brunei 1 0.6

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2015

  • Đầu tư của Việt Nam ở Lào

Việt Nam luôn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Lào kể từ khi nước này mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có 266 dự án với tổng vốn đăng ký là 5,1 tỷ USD tại Lào tính đến tháng 9 năm 2016. Trong giai đoạn 1989-2014, Lào luôn là đối tác lớn nhất trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động đầu tư trực tiếp; trong khi đó, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào, sau Trung Quốc và Thái Lan (Hình 10). Riêng trong năm 2015, Việt Nam đứng đầu trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD (Cục Xúc tiến Đầu tư Lào, năm 2016).

 

OFDI của Việt Nam sang Lào tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, điện, nông nghiệp và dịch vụ. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã đầu tư vào Lào như Hoàng Anh Gia Lai (lĩnh vực cao su, khoáng sản, thủy điện, mía và bất động sản), Tập đoàn Viettel (lĩnh vực viễn thông), Vinamilk (lĩnh vực sản xuất sữa), PVN (xây dựng hệ thống phân phối nhiên liệu), BIDV ( ngân hàng) … Đầu tư của Việt Nam vào Lào đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của Lào thông qua việc tạo ra gần 40.000 việc làm, tăng 250 triệu USD cho ngân sách của chính phủ Lào, hỗ trợ hơn 70 triệu USD cho hệ thống an sinh xã hội của Lào cũng như chuyển giao công nghệ mới và tạo ra các hiệu ứng lan tỏa khác[2].

  • Đầu tư của Việt Nam tại Campuchia

Campuchia đứng thứ 2 (sau Lào) trong các nước và vùng lãnh thổ Việt Nam có các hoạt động OFDI; trong khi đó Việt Nam xếp thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia (sau Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc). OFDI của Việt Nam sang Campuchia tiếp tục tăng về cả số lượng dự án (182 dự án đến nay) và tổng vốn đăng ký (hơn 3,6 tỷ USD) (Bảng 4).

Bảng 4: OFDI của Việt Nam sang Campuchia, 1999-2015 (Đơn vị: triệu USD)

Giai đoạn Số dự án Vốn đăng ký

(Triệu USD)

Quy mô trung bình

(Triệu USD)

1999-2006 15 21,1 1,4
2007-2009 43 904,1 21
2010-2015 114 2.680 23,5

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam năm 2016

Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã trải rộng trên 15 lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và lâm nghiệp (chiếm 54% tổng vốn đầu tư), năng lượng (27,05%), tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (8,7%), viễn thông (5,1%). Các lĩnh vực còn lại, như chế biến, sản xuất, vận chuyển và lưu trữ, y tế, xây dựng,… chiếm khoảng 2%[3]. Nhiều dự án lớn đã được triển khai, như dự án trồng cao su của Hoàng Anh Gia Lai, dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia, Liên doanh Hàng không Campuchia – Việt Nam, viễn thông Metfone, nhà máy sản xuất phân bón Năm Sao của Campuchia, Nhà máy sản xuất đường, ethanol và nhiệt điện,…

  • Đầu tư của Việt Nam ở Myanmar

Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 54 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 695 triệu USD ở Myanmar. Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar, trong khi đó Myanmar đứng thứ 8 trong số các nước nhận FDI từ Việt Nam. OFDI của Việt Nam vào Myanmar chỉ đóng góp khoảng 1% trong tổng số FDI vào Myanmar. Các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar chủ yếu đến từ các nước ASEAN + 3 (Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Honkong, Hàn Quốc) và một số nước châu Âu (Anh và Hà Lan). Đầu tư của Việt Nam vào Myanmar vẫn còn hạn chế, ít hơn nhiều so với Lào và Campuchia. Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư rất cao và dự kiến sẽ còn cao hơn nữa trong tương lai.

 

Bảng 5: FDI vào Myanmar theo đối tác, tính đến 31/12/2016 (Đơn vị: triệu USD,%)

STT Đối tác Tổng vốn được chấp nhận %
1 Trung Quốc 18519.498 27.54
2 Singapore 15693.147 23.34
3 Thái Lan 10606.596 15.77
4 Hồng Kông 7538.254 11.21
5 Anh 4082.848 6.07
6 Hàn Quốc 3515.111 5.23
7 Malaysia 1921.552 2.86
8 Hà Lan 994.566 1.48
9 Ấn Độ 732.649 1.09
10 Việt Nam 695.462 1.03

Nguồn: Cục Quản lý Đầu tư và Quản trị Công ty Myanmar năm 2017

(http://www.dica.gov.mm/en/topic/foreign-investment-country)

Các lĩnh vực chính mà Việt Nam đầu tư nhiều nhất ở Myanmar bao gồm viễn thông, tài chính, khai khoáng và bất động sản. Các dự án lớn thường được thực hiện trong lĩnh vực bất động sản và mỏ, ví dụ như dự án xây dựng của Hoàng Anh Gia Lai trị giá 300 triệu USD; Dự án khai thác đá granite của Công ty Sông Đà 10 triệu USD[4]….

  1. Kết luận và Hàm ý cho Việt Nam

Kết luận

Trong giai đoạn 2001-2015, thương mại giữa Việt Nam và các nước CLM đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Thứ nhất, cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng liên tục trong nhiều năm. Thứ hai, Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại với các nước CLM trong giai đoạn này, đặc biệt là với Campuchia. Thứ ba, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân của Việt Nam với các nước CLM cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân của Việt Nam với ASEAN +3, phản ánh rằng Việt Nam có khả năng mở rộng thị trường sang các nước CLM. Thứ tư, Việt Nam đã dần chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu, qua đó giảm tỷ trọng nguyên liệu thô, đặc biệt là khoáng sản và tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp như máy móc thiết bị điện. Điều này cũng cho thấy sự hội nhập sâu hơn của Việt Nam vào chuỗi giá trị điện tử và máy móc trong khu vực. Những thành tựu trên là kết quả của hợp tác khu vực trong việc xóa bỏ thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong ASEAN và nỗ lực của các nước GMS trong việc xây dựng các hành lang kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề nổi lên trong thương mại của Việt Nam với các nước CLM. Thứ nhất, tăng trưởng thương mại không ổn định và dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động của nền kinh tế thế giới. Thứ hai, tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và CLM vẫn còn thấp so với thương mại của Việt Nam với thế giới và các nước ASEAN +3. Những vấn đề này xuất phát từ thực tế là Việt Nam và các nước CLM đều có quy mô kinh tế nhỏ và phụ thuộc nhiều vào các nước lớn hơn trong phát triển kinh tế. Hơn nữa, thương mại của Việt Nam với các quốc gia CLM còn thấp do mức độ mở cửa của nền kinh tế Lào và Myanmar thấp so với các thị trường khu vực và thế giới. Ngoài ra, mặc dù trong những năm gần đây các quốc gia CLM đã mở cửa nhiều hơn nhưng các nước này vẫn không thể cạnh tranh với các đối tác truyền thống của Việt Nam đặc biệt là ASEAN+3 trong việc xuất khẩu sang Việt Nam. Thứ ba, mô hình thương mại của Việt Nam với các nước này không đa dạng, chủ yếu dựa vào một số nhóm hàng hóa như khoáng sản, dầu, sắt thép, thiết bị điện và máy móc, nông sản.

Về đầu tư, cả dòng vốn FDI vào lẫn dòng vốn FDI chảy ra của các nước CLMV đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, trong đó FDI của Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất. Khoảng 3/4 tổng dòng vốn FDI vào CLMV đổ vào Việt Nam và gần như tất cả các dòng FDI chảy ra từ CLMV đều do Việt Nam thực hiện. Đầu tư OFDI của Việt Nam vẫn còn hạn chế; tuy nhiên những hoạt động này đã phát triển nhanh chóng và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong tương lai. Mặc dù gần đây, Việt Nam có nhiều đối tác và lĩnh vực đầu tư hơn, nhưng OFDI của Việt Nam vẫn tập trung vào các nước láng giềng GMS, đặc biệt là Lào và Campuchia trong một số lĩnh vực chính bao gồm ngành khai khoáng, nông nghiệp và lâm nghiệp, bất động sản, viễn thông, ngân hàng… FDI từ Việt Nam đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế của các nước GMS khác thông qua việc hình thành vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển giao công nghệ… Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong CLM cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp khu vực khác, đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, OFDI của Việt Nam vào các nước láng giềng GMS có thể phải đối mặt với một số thách thức: (i) các thành viên GMS ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước ASEAN + 3, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, các nhà đầu tư Việt Nam có thể bị cạnh tranh gay gắt hơn khi đầu tư vào CLM; (ii) Vẫn tồn tại những mâu thuẫn và thiếu sót trong hệ thống luật pháp của các nước CLM gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Việt Nam nói riêng trong việc thâm nhập và hoạt động tại các nước này; (iii) Cơ sở hạ tầng CLM và các tuyến giao thông liên kết giữa Việt Nam và ba nước này còn kém phát triển; (iv) Khả năng cạnh tranh của các nhà đầu tư Việt Nam ở các thị trường nước ngoài còn hạn chế do thiếu tầm nhìn trung và dài hạn, thiếu cơ chế điều chỉnh kịp thời, thiếu sự liên kết giữa các nhà đầu tư Việt Nam và thiếu năng lực tài chính…; (v) Các chính sách của Việt Nam hỗ trợ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ví dụ về vốn, định hướng, thủ tục, ưu đãi …) không cụ thể, chưa thiết thực và hấp dẫn đủ để kích thích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài.

Hàm ý chính sách

Quan hệ thương mại và đầu tưvới ba nước GMS đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và do đó cần được tăng cường hơn nữa trong tương lai.

Chính sách cải thiện quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước CLM bao gồm: (i) tiếp tục tăng cường tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa thương mại với các nước CLM nói riêng, với ASEAN và GMS nói chung, tận dụng hợp tác khu vực cũng như thương mại biên giới với Lào và Campuchia; (ii) thúc đẩy tái cấu trúc xuất khẩu theo hướng tập trung nhiều hơn vào việc nâng caogiá trị gia tăng của hàng hoá xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu hàng hoá chế biến và giảm xuất khẩu nguyên liệu. Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp như điện tử, linh kiện máy tính, hàng dệt và giày dép, Việt Nam cần nâng cao giá trị của hàng nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê, chè; (iii) tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh sản xuất các ngành xuất khẩu chủ lực trong nước như dệt may, giày dép, điện tử và máy móc; (iv) tạo ra một kênh thông tin hiệu quả hơn liên quan đến thị trường CLM cũng như hợp tác ASEAN và GMS với các doanh nghiệp trong nước.

Về đầu tư, CLM là thị trường rất quan trọng và tiềm năng cho các nhà đầu tư của Việt Nam. Trong tương lai, OFDI của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh vào các nước láng giềng trong khu vực GMS. Điều này được thúc đẩy bởi một số yếu tố thuận lợi: (i) Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa các nước CLMV; (ii) Các nước láng giềng GMS có nguồn tài nguyên phong phú; lao động có chi phí thấp; có biên giới chung và có nhiều người nói tiếng Việt; (iii) Khung pháp lý hợp tác trong thương mại và đầu tư đã từng bước được cải thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh trong khu vực; (iv) Các nước CML có những uu đãi tương đối hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài (ví dụ: Lào quy định giấy phép đầu tư được cấp trong vòng 10 ngày và không quá 25 ngày đối với các dự án có điều kiện) cũng như Việt Nam cũng giành những ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước GMS trong tương lai, các nước CLMV cần (i) tiếp tục thực hiện đúng các thoả thuận hợp tác kinh tế khu vực; thúc đẩy việc cải tiến hệ thống pháp luật của đất nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư; và (ii) phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia cũng như sự kết nối kết cơ sở hạ tầng trong khu vực. Đối với Việt Nam, (i) Chính phủ nên tạo ra các động lực hấp dẫn và thiết thực hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng đầu tưra nước ngoài để tránh gây ra các tác động tiêu cực; trong khi đó (ii) các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách phát triển chiến lược trung và dài hạn; hiểu sâu về chính sách đầu tư và những thay đổi chính sách của nước nhận đầu tư cũng như tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp…

Tài liệu tham khảo

The ASEAN Secretariat, UNCTAD (2016). ASEAN Investment Report 2016: Foreign Direct Investment and MSME Linkages. Jakarrta: ASEAN Secretariat.

DINH, H. M. & NGUYEN, C. M. 2009. Towards a better understanding of the political economy of regional integration in the GMS: Stakeholder coordination and consultation for subregional trade facilitation in Viet Nam. ARTNeT Greater Mekong Subregion (GMS) Initiative Discussion Paper.

ITC 2016. Trade Map. In: INTERNATIONAL TRADE CENTER (ed.). Geneve: International Trade Center.

OGASAWARA, T. 2015. Development of the Mekong Region as Part of Japan’s Diplomatic Strategy for East Asia. Asia-Pacific Review, 22, 34-45.

SEVERINO JR, R. C. Developing the Greater Mekong Sub-Region: The ASEAN Context.  Speech presented at the Greater Mekong Sub-Region Business Workshops, Bangkok, Thailand, 2000.

SUSSANGKARN, C. 2006. CLMV and East Asian integration. TDRI Quarterly Review, 21, 3-10.

XIONG, B. & WEN, S. 2009. Towards a better understanding of the political economy of regional integration in the GMS: Stakeholder coordination and consultation for subregional trade facilitation in China. ARTNeT Greater Mekong Subregion (GMS) Initiative Discussion Paper.

 PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn

và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN[5]

[1] Asian Development Bank, GMS Program, https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/33422/files/gms-ec-framework-2012-2022.pdf(access by February 2, 2017).

[2]http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4870/Cu-hich-cho-dong-chay-von-dau-tu-cua-doanh-nghiep-Viet-Nam-sang-Lao-va-Campuchia, bài đăng ngày 27, tháng 6, năm 2016.

[3]http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/92-6012-thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-va-dau-tu-giua-vi6et-nam-va-campuchia-giai-doan-2016-2020.html

[4] http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/92-6473-myanmar-moi-goi-doanh-nghiep-viet-nam-sang-dau-tu-.html

[5]Nhóm nghiên cứu bao gồm Nguyễn Anh Thu, Nguyễn Cẩm Nhung, Vũ Thanh Hương, Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Thị Thanh Mai – Giảng viên trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here