Thay đổi lớn nhất là điều chỉnh mục tiêu phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên, từ đó nhằm chuyển dịch rõ rệt cơ cấu kinh tế của tỉnh Phú Yên. Quyết định Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên là điều kiện quan trọng để tỉnh Phú Yên tiếp tục kêu gọi những nhà đầu tư lớn xây dựng các dự án tạo đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày 7/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức lễ công bố Quyết định của Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040. Quyết định do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 24/10/2023.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên được xây dựng, hoàn thiện phù hợp và đồng bộ với đồ án quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chính phủ định hướng xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển; tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng,… vào Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, đồ án điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại hạn chế đối với sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, nhằm thu hút được những nhà đầu tư lớn, chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh. Thực tế thời gian qua đã có một số nhà đầu tư lớn quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Với những điều chỉnh trong đồ án quy hoạch lần này, Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ là “trái tim”, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh góp phần to lớn đưa Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và phấn đấu từ năm 2035 tỉnh tự cân đối được ngân sách nhà nước.
Theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy mô đất đai của Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2030 có diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 9.840 ha và năm 2040 khoảng 12.380 ha. Quy mô dân số năm 2030 khoảng 220.000 người; năm 2040 khoảng 280.000 người.
Mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia biển, chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Khu kinh tế Nam Phú Yên nằm trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Nam Trung Bộ cũng như cụ thể hóa các định hướng phát triển trong các quy hoạch vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên cho biết, theo quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ trở thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực; tạo điểm bứt phá về kinh tế – xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ; tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nơi đây cũng là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên và các nước ASEAN…
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thu hút đầu tư và phát huy những lợi thế to lớn này của Khu kinh tế Nam Phú Yên còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Tính đến tháng 9/2023, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút được 54 dự án, diện tích đất đăng ký 229,3 ha với tổng vốn đăng ký hơn 3.681 tỷ đồng và hơn 24,3 triệu USD, các dự án đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Xuân Triệu