Có thể nói, thời gian qua khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tại một số ngư trường truyền thống bị cản trở; yêu cầu của thị trường ngày càng cao về chất lượng, về trách nhiệm với môi trường, nguồn lợi thủy sản (an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, IUU); còn có cá nhân (chủ tàu) vì lợi ích cá nhân sẵn sàng vi phạm pháp luật của Việt Nam và của các nước trong hoạt động khai thác làm ảnh hưởng đến uy tín của thủy sản Việt Nam); công tác quản lý nhà nước về thủy sản còn có mặt hạn chế, chưa nhạy bén và bắt kịp với đòi hỏi của xu thế hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, do sự tác động tích cực của Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và chính sách hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác nuôi trồng hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg nên số lượng tàu cá đến năm hiện nay tăng lên trên 4.200 chiếc, trong đó số tàu cá áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ máy dò quét, máy dò chụp 360 độ;hầm bảo quản sản phẩm khai thác bằng vật liệu P.U (Poly Urethane)… Qua khảo sát đánh giá, các tàu trang bị, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại (máy dò quét, hầm bảo quản P.U) được đánh giá là khai thác rất có hiệu quả, chất lượng sản phẩm sau khai thác được cải thiện từ 7-10% đã giúp cho nền kinh tế biển tại Phú Yên ngày một khởi sắc.
Thực hiện kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, địa phương này đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt dự án về nông nghiệp nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế; vực dậy động lực tăng trương kinh tế từ lĩnh vực thủy, hải sản của địa phương như: Dự án cảng cá Dân Phước (với mô năng lực 60 lượt/500 CV và sản lượng thuỷ sản qua cảng 7.000 tấn/năm); Cảng cá Tiên Châu (quy mô năng lực 60 lượt/600 CV, sản lượng thuỷ sản qua cảng 7.000 tấn/năm); Cảng cá Đông Tác (quy mô năng lực 120 lượt/1.000 CV, sản lượng thuỷ sản qua cảng là 15.000 tấn/năm)… và hàng lọa khu neo đậu tránh, trú bão an toàn cho tàu cá Phú Yên cũng được tỉnh này tiến hành xây dựng và tu sửa.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết, để thực hiện kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì nhu cầu về tổng nguồn vốn cho các dự án chủ lực ngành nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm về lĩnh vực thủy, hải sản lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, các dự án đã có chủ trương đầu tư (04 dự án) với tổng vốn gần 200 tỷ đồng (trong đó 03 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững); các dự án đề xuất mới (08 dự án) khoảng: 870 tỷ đồng triệu đồng (những dự án này dự kiến nguồn vốn huy động để thực hiện từ vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn ODA và huy động khác ngoài ngân sách).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, kế hoạch năm 2020 trong lĩnh vực phát triển thuỷ sản toàn diện, bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn theo hướng hiện đại hoá, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh cao, có sản phẩm đa dạng phục vụ xuất khẩu và phát triển du lịch; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân. Phân chia mặt nước và phân cấp quản lý để nâng cao trách nhiệm và ý thức tự chủ của từng cấp quản lý.
Chỉ tiêu 2020, về tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành thủy sản tỉnh này sẽ là 5,5-6,0%/năm. Trong đó: khai thác thủy sản tăng bình quân 2,4%/năm; nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 6,5%/năm; chế biến thủy sản tăng bình quân 7,1%/năm; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi (tàu công suất từ 90 Cv) trở lên phải trang bị thiết bị giám sát hành trình.
(Nguồn: baodautu.com.vn)