Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh Nam Định

0
66
(baonamdinh.com.vn)
(baonamdinh.com.vn)

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 công nghiệp chiếm tỷ trọng 36,5% tổng sản phẩm (GRDP) Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2025 đề ra, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, các ngành chức năng đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cải tiến, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở nông thôn; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm sạch, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm thương mại quốc tế và khu vực để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. UBND tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông, điện lực, viễn thông, nước sạch. Nhờ đó, 5 năm qua các ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mới, góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động ở nông thôn. Ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử, gia công kim loại sản phẩm kim khí, dây lưới thép, sản phẩm phục vụ xây dựng, sản phẩm gia dụng)…

Tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ trọng công nghiệp chiếm 36,5% GRDP nền kinh tế thì tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra do dự kiến năm 2020 công nghiệp chỉ chiếm 31% GRDP, thấp hơn so với mục tiêu của quy hoạch. Dù là địa bàn trọng điểm phát triển nông nghiệp miền Bắc nhưng tỉnh chưa thu hút được các dự án lớn đầu tư vào một số lĩnh vực có tiềm năng như: chế biến nông, thủy, hải sản, thức ăn gia súc…; trang thiết bị, công nghệ của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất còn lạc hậu, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Chưa thu hút được nhiều dự án lớn, dự án về công nghiệp hỗ trợ, dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đầu tư vào địa bàn tỉnh. Ngành cơ khí, điện, điện tử được xác định là ngành mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp nhưng mức tăng trưởng còn thấp; đặc biệt là cơ khí đóng tàu, lắp ráp xe máy gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do vị trí địa kinh tế kém thuận lợi hơn so với các địa phương trong khu vực; ngân sách hỗ trợ của Nhà nước thấp dẫn đến việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Trong kỳ quy hoạch, tỉnh chưa ban hành được nhiều cơ chế, chính sách riêng để thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp đã được ban hành từ lâu không còn phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nên hiệu quả khuyến khích chưa cao nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác lập và triển khai thực hiện một số quy hoạch có liên quan đến Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ giữa các quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch chậm. Do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, một số ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ giảm mạnh.

Để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát những cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành. Yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục quyết liệt thực hiện cải cách hành chính và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, đặc biệt là công tác truyền thông, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; huy động nhiều nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư thực hiện các dự án phát triển hệ thống giao thông đảm bảo kết nối thuận lợi đến các khu, cụm công nghiệp và các dự án hạ tầng kinh tế khác tăng sức thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

(Nguồn: baonamdinh.gov.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here