Phòng vệ thương mại trong RCEP và lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam

0
80

Trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội là thách thức, việc đối diện với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) tại thị trường nước ngoài, hoặc phải chịu thiệt hại do những hành vi cạnh tranh không lành mạnh là thách thức không nhỏ với các DN Việt Nam

Cho đến nay, hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất vẫn là sắt, thép các loại, chiếm 40,2% số vụ việc phòng vệ thương mại. (Nguồn: Congthuong)

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2020, các nước đã khởi xướng điều tra mới 151 vụ việc chống bán phá giá, 39 vụ việc chống trợ cấp và 32 vụ việc tự vệ. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về số vụ việc khởi xướng với 57 vụ việc, tiếp theo là Ấn Độ khởi xướng 56 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng 20 vụ việc và Australia khởi xướng 15 vụ việc.

Có thể thấy, Australia là một trong các bên của RCEP được đánh giá là một trong những quốc gia tích cực nhất trên thế giới trong việc sử dụng các biện pháp PVTM. Vì vậy, khi RCEP có hiệu lực, cũng có nghĩa là, DN Việt Nam tăng khả năng tiếp cận thị trường Australia và điều này sẽ khiến cho các DN Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ cao bị kiện PVTM tại thị trường này.

Nguy cơ cao “dính” PVTM

Cho đến nay, hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất vẫn là sắt, thép các loại (chiếm 40,2% số vụ việc PVTM); nhựa và sản phẩm nhựa (chiếm 11,2%); xe cộ và phụ tùng (chiếm 10,2%); các thành phẩm từ sắt, thép (chiếm 9,0%) và máy móc, thiết bị điện, điện tử (chiếm 6,0%).

Các biện pháp PVTM đã đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra. Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng, góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất – nhập khẩu, năm 2020, Việt Nam ghi nhận số vụ PVTM tăng ở mức kỷ lục với tổng số 39 vụ, cao gần gấp đôi so với vụ việc của năm 2019 và bằng gần 20% tổng số vụ việc tính từ năm 1995 đến nay. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn do các thị trường nước ngoài tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM.

Mặc dù Việt Nam đã và đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp PVTM, vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu, nhưng thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng, nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong PVTM, như: chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ thay vì áp dụng các biện pháp PVTM truyền thống, gây không ít khó khăn cho các DN Việt Nam. Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), tính đến nay, hàng hóa Việt Nam đã là đối tượng của 19 cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế tại thị trường nước ngoài.

Hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam dần được hoàn thiện với cơ sở pháp lý về PVTM gồm có: Luật Quản lý ngoại thương (năm 2017); Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM; Thông tư số 06/2018/TT-BCT, ngày 20/4/2018 của Bộ Công Thương ban hành quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM. Với cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về PVTM, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra tất cả các biện pháp PVTM khác nhau (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM).

Nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ PVTM

Cục PVTM (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số lưu ý cho DN Việt Nam nhằm sử dụng hiệu quả công cụ PVTM:

Một là, tận dụng một cách hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến các chính sách về PVTM. Theo đó, các DN có thể tận dụng sự hỗ trợ của Cục PVTM (Bộ Công Thương) để từ đó bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định về PVTM trong WTO nói chung, cũng như trong các FTA mà Việt Nam là thành viên nói riêng.

Ngoài ra, Cục PVTM cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về các vấn đề PVTM, do đó, các DN nên chủ động tham gia tích cực vào các khóa đào tạo, tập huấn này.

Hai là, làm quen và có chiến lược ứng phó phù hợp, đặc biệt là ngành hàng có xu hướng bị kiện PVTM tại thị trường nước ngoài nhiều. Chủ động nâng cao nhận thức về PVTM, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình; hoàn thiện hệ thống sổ sách, quản lý theo chuẩn quốc tế; lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ, rõ ràng; trích lập nguồn quỹ dự phòng cho các vụ kiện về PVTM, chủ động kết nối với các cơ quan nhà nước khi có vấn đề phát sinh, hình thành nhiệm vụ PVTM trong nội dung quản trị trong DN, phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ mới.

Ba là, đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, DN cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu. Trước hiện tượng điều tra lẩn tránh PVTM gia tăng trong thời gian gần đây, các DN Việt Nam cần cẩn trọng DN không tham gia tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, để tránh trường hợp trở thành đối tượng bị điều tra chống lẩn tránh PVTM tại thị trường nước ngoài.

Bốn là, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, năng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, thay vì phải cạnh tranh bằng giá như cách thức truyền thống trước kia.

Năm là, trong trường hợp DN trở thành bên bị đơn trong các vụ kiện về PVTM tại thị trường nước ngoài, DN cần tích cực, chủ động theo đuổi các vụ kiện, tận dụng một cách hiệu quả sự hỗ trợ từ Cục PVTM, sẵn sàng, thiện chí để theo đuổi vụ kiện, tránh trường hợp, nếu DN không hợp tác cùng cơ quan điều tra. Điều này sẽ mang đến những kết quả bất lợi cho các DN khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng.

Sáu là, trong trường hợp DN phải chịu thiệt hại do tác động tiêu cực của hiện tượng hàng nhập khẩu bán phá giá, trợ cấp hoặc gia tăng một cách đột biến được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, DN nên chủ động nghiên cứu tình huống, nếu có đủ căn cứ, có thể tiến hành yêu cầu khởi kiện điều tra về PVTM để từ đó, khắc phục, hạn chế được những thiệt hại xảy ra đối với ngành sản xuất trong nước do tác động của hành vi cạnh tranh không lành mạnh mang lại.

Liên Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here