PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI – CƠ HỘI NÀO CHO VIỆT NAM

0
73
Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn.
Trong tiến trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng đóng vai trò chủ chốt. Trong đó, điện gió ngoài khơi được đánh giá là công nghệ quan trọng hàng đầu, một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng, đóng góp trực tiếp và hiệu quả vào tiến trình giảm phát thải trong ngành năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Điện gió ngoài khơi khai thác sức gió ngoài biển thông qua các tua-bin gió có công suất lớn; được phân loại thành: dự án điện gió gần bờ, dự án điện gió ngoài khơi móng cố định và dự án điện gió ngoài khơi móng nổi. Trong đó, các dự án điện gió ngoài khơi móng cố định đã có quá trình phát triển trong 30 năm trở lại đây, chiếm khoảng 87% tổng số trang trại điện gió ngoài khơi trên thế giới. Công nghệ móng nổi được coi là giải pháp công nghệ đột phá nhưng nguồn vốn đầu tư lớn và yêu cầu công nghệ phụ trợ phức tạp.
Với lịch sử phát triển trong 3 thập kỷ qua, ngành điện gió ngoài khơi đã hình thành một số doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực công nghệ, chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Na-uy, Đức, Hà Lan và một số nền kinh tế có tiềm lực tại châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, UAE, Đài Loan…
Xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh, ước đạt 500 GW lắp đặt vào năm 2040, 1000 GW vào năm 2050. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tới năm 2040 sẽ có 1000 tỷ USD đầu tư vào điện gió ngoài khơi, trong đó 60% nguồn vốn đầu tư sẽ đổ về Châu Á. Thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng nhanh và có bước đột phá trong thời gian tới.
Các dự án điện gió ngoài khơi có tính đặc thù cao do vốn đầu tư ban đầu rất lớn, thời gian hoàn vốn lâu và công nghệ phức tạp do triển khai trong điều kiện khắc nghiệt trên biển. Với đặc điểm trên, quy trình thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi hiện nay thường kéo dài trong 5-8 năm và phải thông qua nhiều bước: (i) Xây dựng hành lang pháp lý bao gồm quy hoạch tổng thể về không gian biển, quy hoạch năng lượng quốc gia, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư. (ii) Khảo sát, đo đạc, đánh giá môi trường chiến lược đối với dự án, tiến hành thăm dò đại dương học (gió, sóng, dòng chảy), điều tra địa lý khu vực dự án. (iii) Lựa chọn/chấp thuận nhà đầu tư và giao khu vực biển. (iv) Xây dựng: lắp đặt nền móng, tua-bin, dây cáp, biến áp… (v) Vận hành.
Theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng Tái tạo Thế giới (IRENA), các nguồn điện năng lượng tái tạo có thể tạo ra 130.000 TWh điện mỗi năm (hơn gấp đôi nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu hiện nay). Trong đó, điện gió ngoài khơi chiếm đến gần 40% sản lượng điện tái tạo trên toàn cầu vào năm 2050. Công suất điện gió ngoài khơi toàn thế giới năm 2023 đã đạt 72.663 MW, tăng hơn 85% so với năm 2018 (8503 MW). Hệ số công suất ĐGNK bình quân trên thế giới tăng đáng kể từ 38% (2010) lên 43% (2018) và dự kiến đạt ngưỡng 60% (2050) do sự hoàn thiện trong công nghệ thiết kế chế tạo tua-bin thế hệ mới. Xu hướng phát triển ĐGNK trên thế giới đang tăng nhanh, dự báo sẽ có thêm 380 GW lắp đặt trong 10 năm tới, ước đạt 500 GW năm 2040 và 1000 GW năm 2050.
Theo các đánh giá quốc tế, các thị trường có quy mô điện gió ngoài khơi lớn sẽ có mức giá ngày càng tiệm cận như mức giá điện gió trên bờ. Vì vậy, điện gió ngoài khơi trong tương lai sẽ là giải pháp thay thế phù hợp cho các dự án trên đất liền đã không còn nhiều dư địa phát triển (do các vấn đề về diện tích đất, ô nhiễm tiếng ồn…).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong việc nắm bắt cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này ngay từ những giai đoạn tiềm năng. Việt Nam hiện đang sở hữu một lợi thế rất lớn để khai thác năng lượng ngoài khơi, trong đó có năng lượng gió với bờ biển dài và điều kiện tự nhiên thuận lợi với khoảng hơn 3.000 km bờ biển, trải dài từ Bắc vào Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng 600.000 MW và nguồn năng lượng này có thể cung cấp tới 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035. Việc phát triển nguồn điện gió ngoài khơi không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra cơ hội việc làm lớn cho người lao động tại Việt Nam. Theo TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa, Cố vấn cấp cao về Địa kỹ thuật tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI), nếu Việt Nam có thể khai thác 1.000 MW điện gió ngoài khơi, sẽ tạo ra khoảng 9.000 việc làm toàn thời gian. Tuy nhiên, nếu đạt được mục tiêu khai thác 6.000 MW, số lượng việc làm toàn thời gian sẽ lên tới 55.000.
Phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu điện sạch sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của mình về khai thác nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi để cung cấp năng lượng điện gió cho các thị trường như Singapore thông qua hệ thống cáp ngầm dưới biển. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực mà còn biến đất nước trở thành trung tâm năng lượng tái tạo chiến lược, phục vụ cả nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu.
Châu Á hiện dẫn đầu trong ngành ĐGNK với công suất năm 2023 đạt 40.253 MW, vượt công suất của châu Âu (32.369 MW) và khu vực Bắc Mỹ. Ngân hàng Thế giới ước tính công suất điện gió ngoài khơi tại Châu Á sẽ đạt 600 GW vào năm 2050. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IAEA) dự báo tới năm 2040 sẽ có 1.000 tỷ USD đầu tư vào ĐGNK, trong đó 60% nguồn vốn sẽ đổ về Châu Á (Các nước đứng đầu là Trung Quốc (37,6 GW) chiếm 50%, UK (13,6 GW) 20%, Đức (8 GW) 11%, Hà Lan (4,5 GW) 6%, Đan Mạch (3 GW) 4%). Trung Quốc nhờ vào quy mô thị trường lớn và sự hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng được một chuỗi cung ứng độc lập về ĐGNK và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, ngành điện gió ngoài khơi cũng đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Trên thực tế, một số dự án điện gió ngoài khơi ở một số nước đã phải huỷ bỏ hoặc giãn, hoãn tiến độ trong thời gian gần đây do chi phí đầu tư có xu hướng tăng cao (khoảng 40% trong 2-3 năm gần đây), khả năng tiếp cận tài chính gặp nhiều khó khăn và xung đột lợi ích với các nhóm ngành ngư nghiệp, bảo vệ môi trường. Các thách thức chính trong phát triển các dự án điện gió ngoài khơi như sau:
(i) Chi phí đầu tư, vận hành lớn: Mức đầu tư cho điện gió ngoài khơi khoảng 2,5 tỷ USD/1000 MW, ước tính chi phí đầu tư cho mỗi MW của điện gió ngoài khơi cao gấp 1,5 đến 3 lần chi phí xây dựng các trang trại điện gió trên bờ có cùng quy mô. Đồng thời, việc vận hành và bảo trì các trang trại điện gió ngoài khơi tốn kém chi phí, thời gian và nhân lực do môi trường gió, sóng và muối biển ăn mòn. Giá bán điện của các dự án ĐGNK trên thế giới ở mức khá cao (khoảng 13-15 US cent/kWh).
(ii) Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ là điều kiện quan trọng để phát triển ngành ĐGNK hiệu quả. Các khu công nghiệp, cụm cảng chuyên dụng cho lắp đặt, vận chuyển các thiết bị ĐGNK và các dịch vụ phụ trợ về bảo dưỡng, vận hành cũng cần được phát triển đồng bộ. Các dự án kết hợp nguồn điện gió ngoài khơi với sản xuất hydrogen xanh đang ngày càng được phát triển ở nhiều quốc gia.
(iii) Bảo đảm kết nối các dự án ĐGNK với lưới điện quốc gia là yêu cầu quan trọng để phát triển hiệu quả các dự án ĐGNK. Việc xây dựng lưới điện hiện đại, thông minh là cơ sở hạ tầng thiết yếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát huy hiệu quả các dự án ĐGNK.
(iv) Quy trình khảo sát, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu lựa chọn các dự án ĐGNK phức tạp và kéo dài hơn các dự án năng lượng tái tạo trên bờ do yêu cầu nhiều thủ tục như đánh giá tác động môi trường, an toàn hàng hải, giao khu vực biển, giai đoạn khảo sát dự án tốn nhiều thời gian và nguồn lực…
Về mặt lợi thế phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, Việt Nam hiện đang sở hữu một nguồn tài nguyên phong phú và đầy tiềm năng để khai thác nguồn năng lượng sạch này. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng này, vẫn cần có những chiến lược và định hướng rõ ràng, cụ thể trong việc triển khai các nguồn năng lượng ngoài khơi này.
Từ thực tiễn đó, Việt Nam cần chú trọng các yếu tố sau để phát triển nguồn năng lượng ngoài khơi nói chung và năng lượng điện gió ngoài khơi nói riêng.
Thứ nhất, cần có chính sách rõ ràng và biện pháp hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư khai thác nguồn năng lượng ngoài khơi. Các vấn đề như cơ chế chia sẻ rủi ro, các ưu đãi tài chính và quy trình phê duyệt nhanh chóng sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng để thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, do đó, việc thu hút vốn từ các thị trường tài chính quốc tế là rất quan trọng.
Thứ hai, xây dựng quy hoạch không gian biển hợp lý là cần thiết để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tránh xung đột lợi ích giữa các ngành như thủy sản, quốc phòng và giao thông hàng hải; quy hoạch đồng bộ, gắn kết các dự án điện gió ngoài khơi với các mạng lưới tiêu thụ để thúc đẩy phát triển tổng thể các ngành công nghiệp chiến lược mới.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Việt Nam cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật có khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng ngoài khơi.
Thứ tưviệc phát triển chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng tự chủ trong lĩnh vực này, tương tự như Đài Loan trong ngành điện gió ngoài khơi. Với lợi thế từ ngành dầu khí, Việt Nam có thể trở thành quốc gia dẫn đầu trong phát triển năng lượng ngoài khơi.
Thứ năm, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, các nghiên cứu trong môi trường học thuật, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ứng dụng vào thực tiễn và tạo ra hiệu quả rõ rệt.

(PHUONG HOA)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here