Hiện nay, trong số 295 khu công nghiệp đang hoạt động có 267 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 90,5%).
TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KHU CÔNG NGHIỆP MỚI
Thông tin tại diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam 2023”, với chủ đề: “Hướng tới tăng trưởng xanh”, do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức vào sáng 16/11, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tính từ năm 1991, khi khu công nghiệp đầu tiên được thành lập tại TP.HCM (khu chế xuất Tân Thuận), đến hết tháng 10/2023, cả nước đã thành lập 413 khu công nghiệp (bao gồm 369 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; 37 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển; 07 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu), với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha.
Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 295 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 92.000 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tỷ lệ lấp của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đầy đạt khoảng 73%.
Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển), trong đó, diện tích đất liền 583,1 nghìn ha (chiếm 1,75% diện tích đất quốc gia) và 288,4 nghìn ha diện tích mặt biển.
Bà Hiếu cho biết thêm rằng trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt, đối với các mô hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái.
Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật khu công nghiệp, khu kinh tế để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai.
“Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới, cần thu hút đầu tư có chọn lọc; hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng…”, bà Hiếu nhấn mạnh.
Hiện, Nghị định 35 mới đây đã đơn giản hoá nhiều thủ tục cấp phép đầu tư khu công nghiệp. Cụ thể, trước đây, quy trình đầu tư khu công nghiệp tại Nghị định 82 có 10 bước nhưng đến Nghị định 35 mới đây đã giảm bớt, thủ tục chỉ còn 6 bước, bớt đi 4 bước so với quy trình cũ.
Nghị định 82 quy trình ký duyệt quy hoạch khu công nghiệp là Thủ tướng ra quyết định nhưng theo Nghị định 35 chia ra làm 2 loại: nếu quy hoạch khu công nghiệp đã được kết hợp trong quy hoạch cấp tỉnh thì trên danh mục đó chủ đầu tư có thể đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt luôn chủ đầu tư; hoặc UBND cấp tỉnh cũng có thể đề xuất lên Thủ tướng khi được Thủ tướng chấp nhận thì UBND tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.
PHI TOÀN CẦU HÓA – ẢNH HƯỞNG FDI VÀO VIỆT NAM
TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG, cho rằng đang có xu hướng phi toàn cầu hóa, vì Mỹ và Châu Âu nhận ra vấn đề toàn cầu hóa không mang lại an toàn cho nền kinh tế của họ. Họ cho rằng cần kéo dòng vốn trở lại, phải đảm bảo nền kinh tế có sự độc lập nhất định. Đây là yếu tố có thể hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và nhiều nước khác.
Tuy vậy, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia… nổi lên như những địa chỉ đầu tư “sáng”. Với tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang là một trong các quốc gia hưởng lợi. Các khu công nghiệp ở miền Bắc hưởng lợi lớn nhất do các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… nhờ sự tiện lợi cho việc di chuyển, vận chuyển nguyên vật liệu, giao thông…
Trong 9 tháng đầu năm 2023, dòng FDI vào Việt Nam ghi nhận tăng 7,7%. Đây là con số đáng khích lệ do nền kinh tế Vệt Nam trải qua quá trình khó khăn nhất từ trước đến nay.
Dự kiến 3 tháng cuối năm nay, dòng vốn FDI còn tăng cao nữa. Trong năm 2023, các nhà đầu tư từ Bắc Á (đặc biệt Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chúng tôi cũng kỳ vọng nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia nhiều hơn từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Về ngành nghề, vốn FDI sẽ tập trung mạnh ở công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản.
Theo khảo sát KPMG với 200 doanh nghiệp FDI, trong các yếu tố để dòng FDI quyết định rót vốn thì yếu tố đầu tiên là vị trí khu công nghiệp (đường giao thông gần cảng hàng không…), tiếp đó là nguồn nhân lực, hạ tầng điện, nước. Việc 1 tuần mất điện 1 tiếng/ngày, hoặc ví dụ thiếu điện như thời gian qua thì ảnh hưởng rất lớn niềm tin nhà đầu tư nước ngoài.
“Các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc trao đổi với chúng tôi lo lắng nếu không có điện sao có thể sản xuất, do đó, cần đảm bảo nguồn điện ổn định. Chúng tôi biết một số khu công nghiệp đàm phán chế độ đặc biệt với EVN, nghĩa là bán điện trực tiếp với người thuê của mình, không cần qua EVN…”, ông Nguyễn Công Ái cho biết.
Các yếu tố quan trọng tiếp theo là mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương; cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm; yếu tố giá; dịch vụ quản lý tốt; sản xuất công nghiệp với môi trường hoạt động của các khu công nghiệp tạo ra hệ sinh thái phù hợp, với các khu công nghiệp kết hợp dịch vụ; chính sách ưu đãi; và cuối cùng là mối quan hệ Việt Nam với các nước xuất khẩu FDI.
Về mô hình khu công nghiệp, xu thế sẽ là mô hình sinh thái – xu hướng của thế giới; khu công nghiệp đô thị dịch vụ – công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; khu công nghiệp thông minh là bắt buộc, quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải cần thông minh; khu công nghiệp tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng.
Về triển vọng các ngành thu hút FDI sẽ là công nghiệp ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp bán dẫn, logistics, thực phẩm và đồ uống. Dự báo các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong những năm tới.
Theo KPMG, Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược FDI quốc gia, cần áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu phức tạp; nâng cao năng lực cạnh tranh với cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistics, năng lượng, viễn thông, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công khác thiết yếu cho việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Cần tạo ra một khung pháp lý, hệ thống thuế, chế độ tỷ giá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác thuận lợi cho đầu tư. Nâng cao giám sát và đánh giá tác động của các dự án FDI…
Xúc tiến doanh nghiệp khi tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Điều này bao gồm tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, lan tỏa kiến thức, tiếp cận thị trường, phát triển nhà cung cấp, phát triển nguồn nhân lực và các hình thức hợp tác khác.
Phát triển nguồn nhân lực khi triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề…