Pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nước ngoài của một số nước ASEAN và gợi mở cho Việt Nam

0
57
  1. Pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của một số nước ASEAN

1.1. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Thái Lan

Thái Lan có một cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư, các dự án đầu tư muốn được hưởng các chính sách ưu đãi thì đều phải thông qua cơ quan này, đó là Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI). Nghiên cứu pháp luật về ưu đãi đầu tư của Thái Lan đối với nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, các hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm ưu đãi thuế và các ưu đãi khác, cụ thể:

Ưu đãi về thuế: Cũng giống như nhiều nước, Thái Lan thực hiện miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ví dụ: giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; khấu trừ hai lần chi phí vận chuyển, điện và nước; bổ sung 25% khấu trừ chi phí xây dựng và lắp đặt cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và nguyên liệu thiết yếu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó còn có các hình thức ưu đãi khác nhằm thu hút đầu tư, như:

– Cho phép công dân nước ngoài vào Thái Lan để nghiên cứu cơ hội đầu tư; cho phép đưa vào Thái Lan những lao động kỹ năng cao và chuyên gia để thực hiện việc xúc tiến đầu tư;

– Cho phép sở hữu nhà và công trình xây dựng trên đất do chủ đầu tư thuê. Điều này được quy định tại Điều 97, 98 Luật Đất đai Thái Lan. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không được quyền sở hữu đất ở Thái Lan, nhưng có thể thực hiện hình thức thuê đất và có thể sở hữu đối với cơ sở hạ tầng xây trên đất thuê.

– Thái Lan cũng cho phép nhà đầu tư mang lợi nhuận ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

– Bên cạnh đó, Thái Lan cũng giống như Việt Nam và một số quốc gia khác chia ra các địa bàn ưu đãi đầu tư và thực hiện các biện pháp ưu đãi như miễn thuế, giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Về thủ tục đầu tư, theo BOI có khoảng trên 20 cơ quan của Chính phủ Thái Lan tham gia vào quy trình thẩm định, thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Quá trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Thái Lan trải qua 2 bước: đăng ký Giấy phép kinh doanh nước ngoài và đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, Thái Lan là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu của khu vực ASEAN, một phần không nhỏ là nhờ có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hợp lý ở từng thời kỳ. Một số chính sách mới trong thu hút đầu tư nước ngoài thời kỳ hiện nay như: hướng vào phát triển sản xuất phục vụ cho xuất khẩu; phát triển công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển, hoạt động đào tạo công nghệ tiên tiến; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các vùng xa Bangkok và vùng nông thôn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Ngoài ra, do chi phí cuộc sống tăng, thiếu nguyên liệu, Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư ra nước ngoài, nhất là các quốc gia ASEAN… đã làm cho nền kinh tế Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ và vươn ra các nước Asean, trong đó có Việt Nam.

1.2. Ưu đãi hỗ trợ đầu tư tại Malaysia

Một nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Malaysia cần phải đăng ký thành lập doanh nghiệp với Ủy ban Doanh nghiệp của Malaysia. Sau khi nhận được Giấy đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục khác như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký với cơ quan thuế thu nhập của Malaysia và đăng ký để xin cấp giấy phép văn phòng từ cơ quan địa phương nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh. Tiếp đó là phải xin phê duyệt giấy phép sản xuất của Cơ quan Phát triển đầu tư Malaysia.

Malaysia cũng có những hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nước ngoài thông qua thuế và các biện pháp phi thuế.

Ưu đãi thông qua công cụ thuế:

Các ưu đãi cụ thể như giảm 10% thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, giảm 5% giá nguyên liệu đầu vào nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu, cũng như chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường. Với mục tiêu tạo việc làm và khuyến khích đầu tư mở rộng của doanh nghiệp FDI, Malaysia đã đưa ra điều kiện để được hưởng ưu đãi là lao động thường xuyên từ 500 người trở lên hoặc vốn giải ngân đạt từ 25 triệu Ringit (RM) trở lên. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, Malaysia đã cấp ưu đãi cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo hướng nghiệp cho người lao động hoặc xây dựng các trường đào tạo.

Malaysia đưa ra chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tiên phong và trợ cấp thuế đầu tư để áp dụng cho các nhà đầu tư ở các lĩnh vực như: Chế biến sản phẩm nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm cao su; các sản phẩm từ dầu cọ; hóa chất và hóa phẩm dầu khí; dược phẩm; đồ gỗ; bột giấy, giấy và bảng giấy; các sản phẩm từ bông vải sợi; may mặc;… với các điều kiện về việc áp dụng công nghệ, về mức độ giá trị gia tăng và các mối liên kết công nghiệp của dự án. Những lĩnh vực trên đều là những ngành có thế mạnh của Malaysia, Chính phủ Malaysia muốn thúc đẩy phát triển những ngành thuộc thế mạnh của mình nên đã có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Không chỉ đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành có thế mạnh, Malaysia còn khuyến khích đầu tư cho các ngành công nghệ cao, dự án chiến lược, máy móc thiết bị công nghiệp,…

Nhà nước liên bang này cũng đẩy mạnh chủ trương miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị cho các khu chế xuất và các dự án hướng vào xuất khẩu.

Chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phi thuế:

Malaysia áp dụng chính sách đào tạo lao động theo yêu cầu của chủ đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Gần đây, nước này có qui định, các nhà chuyên môn, chuyên gia quản lý và kỹ thuật đóng thuế thu nhập thì không phải trả thuế sử dụng nhân công nước ngoài.

Mọi thủ tục tạo nên sự phiền hà về đầu tư nước ngoài dần dần được loại bỏ và thay vào đó là cơ chế, thủ tục nhanh, gọn, thông thoáng và hiệu quả. Nhờ vậy, dòng FDI vào Malaysia ngày càng tăng lên.

  1. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Philippines

– Ưu đãi thông qua chính sách thuế:

Philippines đánh thuế lợi tức 35%, các doanh nghiệp đầu tư vào nghành mũi nhọn được miễn thuế 4 năm.

Ngoài ra, cũng giống chính sách thu hút đầu tư các quốc gia khác, Philippines miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, phụ tùng thiết bị, đặc biệt là miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị đưa vào các khu chế xuất và cảng tự do.

– Ưu đãi, thu hút đầu tư không bằng thuế:

Điểm nổi bật trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Philippines ngoài ưu đãi thuế là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Việc giảm bớt các thủ tục hành chính đảm bảo cấp giấy phép đầu tư nhanh gọn, không phiền hà cho các đối tác nước ngoài, thực hiện nghiêm chỉnh các qui chế về hành chính.

Chính quyền Philippines cũng đưa ra các biện pháp nhằm giảm sự phiền hà của các thủ tục hành chính như giới hạn chữ ký trong hồ sơ hành chính. Hiện nay, việc cải cách hành chính ở Philippines nói chung và trong lĩnh vực đầu tư nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

  1. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Indonesia

Tình hình đầu tư nước ngoài tại Indonesia được đánh giá khá tốt, theo OECD (2010), các doanh nghiệp nước ngoài tại Indonesia hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp trong nước. Họ có xu hướng có mức đầu tư cao, mức tiền công cao hơn và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu tốt hơn. Thực tế, dòng vốn FDI vào Indonesia đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau với các nhà đầu tư lớn nhất, theo thứ tự giảm dần là Singapore, Nhật Bản, Luxembourg và Vương quốc Anh. Sở dĩ nước này có được những thành công trong thu hút và phát triển đầu tư cũng là nhờ có những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả.

Ưu đãi bằng thuế: Chính quyền Indonesia dành ưu đãi về thuế cho các dự án đầu tư lần đầu trong các ngành công nghiệp như: kim loại cơ bản, lọc dầu công nghiệp máy móc; ngành công nghiệp tài nguyên tái tạo; thiết bị viễn thông…

Ngoài ra, Indonesia còn dỡ bỏ các hạn chế và thuế đối với việc sử dụng người lao động nước ngoài. Gần đây, Nhà nước đã quy định bất kỳ người nước ngoài nào phải đóng thuế xuất cảnh thì được khấu trừ vào thuế thu nhập.

Ưu đãi ngoài thuế: Indonesia có một số chính sách ưu đãi đầu tư khác như về lãi suất tín dụng, chính sách xuất khẩu hàng hóa khá thông thoáng.

Ví dụ, đối với hàng xuất khẩu, lãi suất tín dụng phục vụ xuất khẩu là 9%/năm, trong khi lãi suất khác là 18-24%/năm;

Hoặc các Công ty sản xuất hàng xuất khẩu không chỉ được phép xuất khẩu hàng của mình mà cả hàng của công ty khác…

Về thủ tục hành chính: Indonesia thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt đầu tư vào các ngành Công nghiệp.

  1. Một số gợi mở cho Việt Nam

Có thể thấy rằng, trong chính sách pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực Asean có nhiều điểm tương đồng. Hầu hết các nước đều đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó các chính sách được thực hiện chủ yếu là ưu đãi thông qua công cụ thuế; bên cạnh đó, ở mỗi quốc gia còn có những biện pháp khác ngoài thuế như: giảm bớt các thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực theo nhu cầu của nhà đầu tư, chính sách về đất đai, nhà cửa, thông tin… nhằm thu hút các nhà đầu tư.

So với các quốc gia trong khu vực, các qui định của nước ta về ưu đãi đầu tư thể hiện được sự tiến bộ, bắt kịp với các quốc gia trong khu vực. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng bởi đặt trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với sức cạnh tranh vô cùng lớn từ chính các nước trong khu vực. Tuy vậy, việc tìm hiểu và học tập những kinh nghiệm về lập pháp cũng như thực tiễn vận dụng pháp luật trong thu hút đầu tư nước ngoài ở các quốc gia thành công là điều vô cùng cần thiết.

Thứ nhất, thời gian qua, nhà đầu tư ở Việt Nam đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài còn gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam;

Thứ hai, về thủ tục hành chính ở Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhà đầu tư đã dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư và thủ tục thành lập doanh nghiệp, thời gian thực hiện cũng rút ngắn hơn nhiều.

Thứ ba, trong xu thế hội nhập khu vực ngày càng mạnh mẽ, hiện nay, Bộ Công Thương đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa Asean theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020.

Cơ chế một cửa quốc gia theo định nghĩa tại Luật Hải quan 2014 và các điều ước quốc tế là việc doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính để cấp phép và thông quan cho hàng hóa và phương tiện vận tải trên hồ sơ điện tử, giấy phép điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống công nghệ thông tin chuyên ngành. Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành (như kiểm tra chất lượng, kiểm định, kiểm nghiệm…) do các Bộ, ngành thực hiện và kết quả kiểm tra chuyên ngành, giấy phép được kết nối và gửi trực tuyến cho Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan và các cơ quan hữu quan thông quan cho hàng hóa và phương tiện vận tải.

Từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN. Đây là một điểm mới và đánh dấu sự phát triển tích cực đối với pháp luật về đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Cơ chế này cũng phần nào đảm bảo hơn tính minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nước Asean khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam cần tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, tiến hành minh bạch hóa thông tin trong đầu tư kinh doanh và các lĩnh vực khác, kết nối khu vực và quốc tế để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ tư, hiện nay, xu thế các nước đang thu hút đầu tư nhằm hướng đến xuất khẩu. Việt Nam cũng cần tận dụng những thế mạnh sẵn có của mình để thúc đẩy đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu thay vì việc sản xuất cho tiêu dùng. Vì thế, hướng đến đầu tư xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư cho xuất khẩu là hướng đi cần thiết. Những lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như các ngành công nghiệp chế biến, ngành công nghiệp hỗ trợ, nông sản, thuộc da, may mặc, thủy hải sản…, chúng ta cần thu hút đầu tư vào những lĩnh vực này, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, với tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ sẽ giúp cho ngành Nông nghiệp và các ngành khác nhanh chóng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới.

Thứ năm, bên cạnh việc thu hút vốn và công nghệ thì thu hút đầu tư nước ngoài còn nhằm nâng cao năng lực cho người lao động trong nước và chất lượng cuộc sống của họ. Nhiều quốc gia lấy yếu tố lao động, trong đó việc nhà đầu tư nước ngoài buộc phải thuê người lao động tại nước sở tại làm việc là một điều kiện thỏa thuận để được phê duyệt dự án đầu tư. Hay tại Philippines có quy định các công ty liên doanh hạn chế thuê lao động nước ngoài, họ chỉ được thuê người nước ngoài tối đa là 5 năm để làm những công việc như: kiểm soát viên, kỹ thuật viên, cố vấn. Nếu kéo dài thời gian phải xin phép Ủy ban Đầu tư quốc gia.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng, đầu tư nói chung cần đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và an toàn xã hội;

Thứ sáu, tăng cường và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam còn thiếu vắng những công trình, bài viết có tính chất tổng quan về đặc điểm kinh doanh, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, văn hóa, các luật liên quan: Đất đai, tài chính ngân hàng, lao động, môi trường, thuế, sở hữu, đưa ra những lý do vì sao nên chọn quốc gia này để đầu tư, những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ nhận được… Trong khi đó, kinh nghiệm ở các quốc gia ASEAN cho thấy, nhà đầu tư rất dễ để tiếp cận được những tài liệu này, thậm chí luôn được cập nhật hàng năm để nhà đầu tư nắm bắt được các quy định một cách kịp thời. Những tài liệu này thường do các Văn phòng luật sư tư vấn, các cơ quan chuyên về đầu tư kinh doanh của Chính phủ thực hiện. Và được đăng tải công khai và tải miễn phí. Việt Nam cần có những hoạt động tương tự nhằm góp phần minh bạch thông tin, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, để nhà đầu tư dễ dàng trong tiếp cận hệ thống pháp luật. Đó cũng là khâu quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cao./.

Nguyễn Thị Hưng – Phạm Thị Hiền – Nguyễn Thị Thùy Linh

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here