Hôm nay, theo lịch trình làm việc của Quốc hội, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ. Các bước kiện toàn Chính phủ sẽ được thực hiện tiếp sau. Trong thời điểm này, khi nền kinh tế Việt Nam đang trong nỗ lực vượt qua dịch bệnh và hồi phục, ông muốn chia sẻ điều gì?
Tôi muốn đặt vấn đề theo hướng là dù thế giới có chống dịch kém thế nào thì họ cũng sẽ vẫn đứng dậy sau dịch. Với nền tảng tốt, sức khỏe doanh nghiệp vốn mạnh, sẽ có những cú bứt phá ngoạn mục, theo nghĩa không chỉ đơn thuần là đứng dậy, mà là bứt sang hệ thống phát triển mới của nền kinh tế số.
Lúc này, việc phải bàn là nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng dậy thế nào, khi đang có thành tích phòng chống dịch bệnh đáng kể và cơ hội cải thiện năng lực, cơ hội hồi phục nền kinh tế theo cấu trúc mới, năng lực mới đang mở ra.
Cá nhân tôi cho rằng, đây sẽ là trách nhiệm, phần việc vô cùng nặng nề của nhiệm kỳ Chính phủ mới ngay trong năm nay.
Cụ thể, cơ hội và cả phần việc nặng nề ông nhắc đến là gì?
Đó là cơ hội “thay máu” để nền kinh tế phục hồi theo cấu trúc mới.
Thứ nhất, dòng máu mới này đến từ sự dịch chuyển của dòng vốn thế giới và cơ hội của Việt Nam – nơi được giới đầu tư đánh giá là địa điểm hút vốn; đến từ cơ hội tạo ra từ nhu cầu và tốc độ chuyển đổi số… Nhưng điều đáng bàn là chúng ta có năng lực để đón dòng máu mới mà nền kinh tế đang cần không.
Đơn cử, với dòng vốn FDI, sẽ rất vui nếu nhìn vào những con số đăng ký mới tiếp tục tăng, song đây là lúc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải xem xét, phân tích kỹ Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, từ đó bình tĩnh xây dựng cơ chế ưu đãi, lựa chọn các dự án phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Nếu muốn các dự án công nghệ cao, phải có chiến lược, có chính sách đón các tập đoàn lớn, với yêu cầu rõ ràng về nghiên cứu – phát triển, khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy kết nối với các doanh nghiệp nội địa, chứ không chỉ đơn giản là chuẩn bị về đất đai, khu công nghiệp hay ưu đãi thuế…
Lúc này mà vội vàng, chọn các dự án theo cấu trúc cũ, thâm dụng đất đai, lao động, năng lượng, thì sẽ hết đất cho những dự án chúng ta cần. Hệ quả của sự vội vàng này không chỉ là một vài dự án, mà nền kinh tế sẽ phải bám theo cấu trúc cũ đó ít nhất 20-30 năm tới. Cơ hội nâng chất khu vực FDI và từ đó cải thiện chất lượng nền kinh tế vì thế bị chậm lại.
Thứ hai, dòng máu mới đến từ các doanh nghiệp của nền kinh tế số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng là thời điểm các chính sách thể chế hóa Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải được hoàn thiện, ban hành.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19 năm nay cũng cần hướng vào doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực, khu vực mà nền kinh tế cần để bứt phá nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp định hướng công nghệ, tập đoàn lớn để thúc đẩy chuỗi sản xuất, từ đó tạo nên thay đổi về cấu trúc kinh tế, bên cạnh chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ về thuế, phí nói chung.
Tôi muốn nhắc đến hàng không, ngành mà nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam cần đứng lên trước khi kinh tế thế giới hồi phục. Nếu xác định như vậy, cơ chế hỗ trợ ngành này không phải là bơm vốn hay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nào, mà là các cơ chế để các doanh nghiệp có thể cất cánh trở lại…
Hay việc xác định trung tâm kinh tế trọng điểm để dồn lực đầu tư, thiết lập thể chế cho các trung tâm này tăng tốc, từ đó tạo sức kéo cho các vùng khác, thay vì đầu tư dàn trải.
Lúc này, tư duy chính sách, kể cả các gói hỗ trợ, cũng phải theo xu thế cấu trúc kinh tế hiện đại, đó là định hướng toàn cầu, theo chuỗi giá trị và công nghệ số.
Phân tích kỹ hơn thì nền kinh tế cần cải thiện năng lực nào để đón nhận được các cơ hội mà ông vừa nhắc đến?
Là nền kinh tế đi sau, chúng ta có lợi thế là không có quá khứ nặng nề để từ bỏ, nhưng cũng hàm chứa thách thức là chưa sẵn sàng năng lực mới để khai thác, tận dụng cơ hội mới.
Năng lực đó vẫn là thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực – ba đột phá chiến lược mà nền kinh tế Việt Nam đã chọn thực hiện nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa thực sự tạo được đột phá.
Khi đặt trong bối cảnh của cơ hội mới, thì hạ tầng không chỉ là hạ tầng giao thông, vẫn đang là nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ, mà còn là hạ tầng của kinh tế số (hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu lớn…). Có thể hạ tầng của nền kinh tế số này không cần các chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng đòi hỏi nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực vô cùng lớn.
Về nguồn nhân lực, trong khi nhân lực số đang rất thiếu, thì cải cách giáo dục của Việt Nam vẫn lấn cấn với việc lựa chọn sách giáo khoa cấp 1, cấp 2, Bộ luật Lao động chưa có chỗ cho lao động trí tuệ…
Đặc biệt, thể chế hiện tại chưa tương xứng với cấu trúc của nền kinh tế số, với những đòi hỏi mới, phức tạp, đa dạng và có thể chưa lường hết các hoạt động, hình thức kinh doanh trên không gian mạng, an ninh mạng, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, cơ chế bảo vệ sáng tạo…
Thưa ông, cải cách thể chế luôn là trọng tâm trong hoạt động của Chính phủ. Đây tiếp tục là một trong 3 đột phá chiến lược được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Ông kỳ vọng những thay đổi gì từ hoạt động cụ thể về cải cách thể chế của giai đoạn tới?
Cấu trúc kinh tế mới đang rất khác. Chúng ta bị tác động, bị cạnh tranh bởi những tập đoàn không hề có hiện diện tại Việt Nam. Người Việt Nam có thể ngồi tại nhà, đăng ký kinh doanh ở Singapore để tận dụng các quy định thuận lợi, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ở đó. Người lao động của doanh nghiệp Việt Nam có thể làm cho các dự án ở nước ngoài mà không cần dịch chuyển…
Một vài ví dụ để thấy thể chế hiện tại của chúng ta chưa tương xứng với cấu trúc của nền kinh tế số, cần phải có những thay đổi thực sự về bản chất.
Đòi hỏi cải cách thể chế giai đoạn này còn phức tạp ở chỗ, chúng ta vẫn phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo thị trường các nhân tố sản xuất, đất đai, lao động, khoa học – công nghệ… hoạt động theo đúng nguyên lý thị trường.
Có thể nói, cải cách thể chế sẽ phải thực hiện song song bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và xây dựng thể chế cho cấu trúc thị trường, cấu trúc kinh tế mới?
Đều là những việc khó, nhưng cần phải làm song song, vì nếu không, năng lực của nền kinh tế không thay đổi, sẽ không thể tận dụng các cơ hội từ mở cửa, hội nhập và từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ví dụ, Luật Đất đai sẽ phải sửa, nhưng câu hỏi phải đặt ra là sửa thế nào, vì sau 5 lần sửa đổi, làm mới, tính từ năm 1988, Luật Đất đai vẫn đang cần phải sửa.
Quan điểm của tôi là phải đặt rõ đất đai là nguồn lực, là tài sản thì phải xác định rõ quyền tài sản, quyền định giá tài sản… Nhưng không chỉ sửa Luật Đất đai là có thể giải quyết được các vấn đề của thị trường bất động sản. Đơn cử, để chống đầu cơ đất, cần đánh thuế lũy tiến tài sản. Với cách làm này, quỹ đất trên thị trường luôn có, thay vì hiện tại, cứ nắm được quy hoạch, ôm được đất là có lợi…
Rõ ràng, việc phải làm rất nhiều, rất khó, nhưng càng để chậm, càng phức tạp, càng khó khăn.
(Khánh An/baodautu.vn)