Kinh tế Mỹ

0
95
(AFP)
(AFP)

1. Báo chí Mỹ: Tác động từ gói kích thích mới nhất của Chính quyền Biden và sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đối với phần còn lại của thế giới

Một số trang báo như New York Times (NYT), Wall Street Journal (WSJ) và Washington Post (WP) gần đây có bài viết về tác động của gói kích thích mới nhất và sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.

Các bài báo đánh giá sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ thông qua các chương trình kích thích chi tiêu của Chính phủ, và việc triển khai trên diện rộng tiêm chủng vắc-xin sẽ có tác động thuận với các nước có nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ, nhất là các nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Gói kích thích mới cùng với xu hướng người dân tích lũy tài chính từ các gói kích thích trước đã tạo ra 1,7 nghìn tỷ USD tiết kiệm, sẵn sàng cho các hoạt động chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Việc người dân Mỹ tăng chi tiêu sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng tiêu dùng nhập khẩu, trong đó có các mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc, hoạt động vận chuyển hàng hóa ở Hà Lan hay các sản phẩm nông nghiệp từ Đức, Úc.

WSJ nhận định việc nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia như Thái Lan hay Việt Nam. Theo đó, ngành công nghiệp phụ tùng ô tô của Thái Lan trong năm 2021 có thể đạt 22 tỷ USD doanh thu, trở lại mức của năm 2019 sau sụt giảm năm 2020. Theo ước tính của một công ty dịch vụ tài chính Alianz và Euler Hermes, chỉ riêng khoản kích thích của Mỹ cũng sẽ bổ sung 1,4% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 năm tới.

Theo WP, bên cạnh gói kích thích kinh tế của CQ Biden thúc đẩy chi tiêu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp, lãi suất gần bằng 0 của FED cũng đã mang lại lợi ích cho cả các tập đoàn Mỹ và nước ngoài. Alibaba đã huy động được 5 tỷ USD trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ trong tháng 3/2021 với lãi suất thấp nhất là 2,1%; hay một ngân hàng phát triển khu vực nông thôn do CP Đức hậu thuẫn cũng đã trả lãi suất dưới 1% để huy động được 1,75 tỷ USD.

Tuy nhiên, các bài báo cũng cho rằng, việc kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới, nhất là khu vực Châu Âu và các quốc gia kém phát triển hơn vẫn đang phải vật lộn với việc chống dịch đang nguy cơ tạo ra những chia rẽ mới trong nền kinh tế toàn cầu.

Một trong những tác động của việc nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ là đang tạo ra tình trạng cầu vượt cung, làm tăng thêm áp lực đối với các chuỗi cung ứng. WSJ dẫn ví dụ trường hợp của nhà sản xuất xe đạp có thể gấp gọn của Anh cho biết dù đã có kế hoạch tăng ưu đãi sản lượng cho một số thành phố lớn của Mỹ như New York, Chicago và San Francisco song vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Áp lực này được cho là sẽ còn gia tăng do tác động từ việc ngưng trệ vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez thời gian gần đây. Theo NYT, áp lực này sẽ còn rõ hơn trong nhóm các nước nghèo hơn, đang đối mặt với sự hạn chế nghiêm trọng về nguồn cung vaccine và hỗ trợ chi tiêu của Chính phủ.

Một xu hướng khác cũng đang có nguy cơ diễn ra là sự chênh lệch ngày càng tăng giữa nhóm phục hồi kinh tế đi đầu như Mỹ và Trung Quốc với nhóm các nước nghèo. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng đã đều đưa ra cảnh báo về kịch bản này, cho rằng các quốc gia nghèo hơn đang bị tụt hậu xa hơn, sự phân hóa không chỉ trong phạm vi các quốc gia mà còn giữa các quốc gia và khu vực.

Các bài viết trên cũng cảnh báo sự chênh lệch trên sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu gói kích thích chi tiêu mới của Chính phủ đẩy lạm phát lên cao và buộc FED phải tăng lãi suất cơ bản sớm hơn so với dự kiến. Điều này sẽ làm tăng chi phí đi vay của nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. Theo WP, hiện 120 nước đang phát triển dự kiến sẽ trả khoản nợ 1,1 nghìn tỷ USD, song 72 nước trong số đó sẽ không có khả năng chi trả, trừ phi phải dừng chi tiêu cho tiêm chủng hoặc cứu trợ kinh tế.

2. Kế hoạch cơ sở hạ tầng mới của Chính quyền Biden có thể định hình lại cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo Bloomberg ngày 03/04/2021, bối cảnh quốc tế hiện nay đã khiến việc một nước có thể giữ được vị trí thống trị toàn cầu sẽ thông qua phát triển kinh tế và một nền kinh tế lành mạnh sẽ cần tới một nền cơ sở hạ tầng có đủ năng lực. Kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden do đó là một minh chứng rõ cho nhận định kể trên, và mục tiêu của kế hoạch này sẽ là nhằm định hình lại nền kinh tế Mỹ và chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua đầu tư vào hạ tầng, thay vì vào tiềm lực quân sự.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành vị trí lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ 21 vừa bước sang một ngã rẽ mới và sẽ không kết thúc giống như giai đoạn Chiến tranh Lạnh, và Trung Quốc không bị lép vế về kinh tế dẫn tới phá sản và phải từ bỏ đấu tranh như Liên Xô trước đây. Trong lĩnh vực hạ tầng những năm gần đây (cả về hạ tầng cứng lẫn hạ tầng số), Mỹ cũng đang bị Trung Quốc đuổi kịp. Trong vòng chưa đầy 10 năm, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc lớn hơn tất cả các nước khác cộng lại, dẫn đầu toàn cầu về năng lượng xanh và đạt được thành công nổi trội về triển khai mạng 5G.

Do đó, các nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc đưa Mỹ trở lại cuộc chơi rất có thể sẽ làm thay đổi tính toán của Trung Quốc. Trong những năm qua, các hành vi quyết đoán của Trung Quốc được cho là xuất phát từ niềm tin  Mỹ cùng các nước phương Tây đã sang giai đoạn suy yếu và cơ hội của Trung Quốc đang ở phía trước. Điều này dẫn tới suy nghĩ Trung Quốc không nên nhượng bộ tiếp cận thị trường hay phải từ bỏ mô hình công nghiệp của mình.

Kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden có thể xem là một sự khởi đầu tuyệt vời. Cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc lâu nay thường tập trung vào việc cố gắng vượt lên đối thủ hơn là bắt kịp tốc độ của chính mình. Trong khi Mỹ càng cố gắng hạ gục Trung Quốc, thì Trung Quốc càng làm việc chăm chỉ hơn để đạt được sự “tự cường” trong lĩnh vực công nghiệp. Các nỗ lực theo đuổi cách tiếp cận kể trên hầu hết đều thất bại.

Bằng cách tiếp cận của chính quyền Biden, việc thúc đẩy một nền kinh tế Mỹ lành mạnh hơn cũng sẽ giúp xây dựng tốt hơn các liên minh kinh tế cần thiết để có thể đẩy lùi các hành vi của Trung Quốc, giúp Mỹ cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc, và cải thiện cả các triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ, các bước triển khai hiện nay của chính quyền Biden có thể đưa cạnh tranh Mỹ – Trung vào giai đoạn mới, song sẽ có lợi hơn cho Mỹ.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here