Tờ Nikkei Asian Review vừa đăng bài viết tựa đề “Việt Nam trở thành nước hưởng lợi chính từ cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung”.
Từ tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ để gây sức ép buộc Bắc Kinh thay đổi các yếu tố chính trong chính sách công nghiệp của nước này. Trung Quốc cũng tiến hành áp thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, mặc dù quy mô nhỏ hơn – nhằm vào lượng hàng trị giá 60 tỷ USD.
Theo cuộc khảo sát mới nhất được tiến hành với các công ty Mỹ và Trung Quốc, các công ty Việt Nam đang nổi lên là bên hưởng lợi chính trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 29/10, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Quảng Châu công bố cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 21/9-10/10 với các công ty Mỹ và Trung Quốc. Kết quả cho thấy, do cuộc xung đột thương mại, họ đã mất thị phần vào tay các công ty ở Đông Nam Á, đặc biệt là các công ty của Việt Nam.
Đa số các công ty Mỹ và Trung Quốc trả lời khảo sát của AmCham cho biết, đã cảm thấy tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt của Mỹ, mặc dù tỷ lệ các công ty Mỹ đồng ý với điều này cao hơn đáng kể so với các đối tác Trung Quốc.
Những công ty được hỏi xác nhận, tác động hàng đầu của cuộc xung đột thương mại là lợi nhuận bị sụt giảm đáng kể. Hầu hết các công ty tham gia khảo sát cho biết, họ đang xem xét chuyển dịch sản xuất, lắp ráp hoặc cung ứng vật tư sang các nước thứ ba và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu.
Một số công ty đã xúc tiến kế hoạch chuyển dịch sản xuất. Ví dụ, Panasonic đang chuyển sản xuất thiết bị điện tử của ô tô từ Trung Quốc sang Thái Lan, Malaysia và Mexico. Công ty GoerTek của Trung Quốc chuyên lắp ráp tai nghe không dây cho Apple đã thông báo cho các nhà cung cấp rằng họ có ý định chuyển một số sản phẩm của mình sang Việt Nam. Nhà sản xuất polyester Trung Quốc Zhejiang Hailide New Material đang đầu tư 155 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam với mục tiêu hướng tới xuất khẩu sang Mỹ.
Cuộc khảo sát mới nhất đã xác nhận, phần lớn kết quả của cuộc khảo sát tương tự được tiến hành một vài tuần trước đó với khoảng 430 thành viên của các phòng thương mại Mỹ ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Sự khác biệt lớn nhất là gần 2/3 số công ty trả lời khảo sát trước đó cho biết, họ không có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc mặc dù bị Mỹ áp đặt mức thuế quan mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng tới bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, nhưng ít hy vọng sẽ có một bước đột phá trong giải quyết xung đột thương mại.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa thông báo cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2019 đối với khu vực châu Á từ 5,9% xuống 5,8% do xung đột thương mại. Tuy nhiên, ADB lưu ý không phải mọi quốc gia đều bị ‘tổn thương” ở mức độ như nhau khi thương mại được chuyển hướng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu sang các nền kinh tế sản xuất hàng hóa tương tự, mà các nước ở Đông Nam Á được hưởng lợi đặc biệt.
Kim Chi (theo Nikkei Asian Review)