Việt Nam cần biến thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 thành tăng trưởng kinh tế. Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam trong nỗ lực biến những thành quả chống dịch COVID-19 thành động lực tăng trưởng kinh tế, nội dung như sau:
Đầu tiên, có vẻ như Việt Nam đã hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi âm thầm đón nhiều doanh nghiệp tháo chạy khỏi nền kinh tế đang bị lung lay của Trung Quốc đại lục. Giờ đây, Việt Nam có lẽ đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Tuy nhiên, liệu các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để cải tổ nền kinh tế đặc biệt phụ thuộc vào thương mại hay sẽ lãng phí tất cả vốn liếng đã tích lũy cho đến nay?
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam vừa may mắn, vừa nhanh nhạy. Tất nhiên, các nỗ lực mở cửa thị trường và bãi bỏ quy định của Việt Nam chính là những nguyên nhân giúp Việt Nam giành được việc làm từ tay Trung Quốc. Tuy nhiên, sự gần gũi về mặt địa lý và ý thức hệ với nền kinh tế lớn nhất châu Á và cùng có một chính phủ Cộng sản cũng là những nhân tố giúp Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Danh tiếng như một Trung Quốc thu nhỏ của Việt Nam trở nên hữu dụng khi Nikei, Samsung và nhiều công ty đa quốc gia khác đặt ra các ưu tiên về sản xuất.
Liên quan tới dịch COVID-19, các quan chức ở Hà Nội đang nhận được sự khen ngợi của toàn thế giới vì đã khống chế được số ca nhiễm mới và nhanh chóng tái khởi động nền kinh tế. Việt Nam đã nhận được những lời ngợi khen từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (USCDC). Thành công của Việt Nam trái ngược hoàn toàn với sự bùng phát dịch bệnh ở Indonesia và Singapore, những nước đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tốc độ mà Hà Nội tuyên bố san phẳng “đường cong” lây nhiễm của dịch COVID-19 cho thấy kỹ năng và sự nhanh nhạy của Việt Nam. Có thể có ý kiến phản đối các biện pháp quyết liệt của Việt Nam, trong đó có việc kiểm dịch chặt chẽ, đóng cửa các cơ sở kinh doanh và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, việc không có trường hợp tử vong nào ở một quốc gia 96 triệu dân là một kỳ tích. Nước láng giềng Philippines, với dân số 105 triệu người, đã có hơn 630 người tử vong vì dịch bệnh này.
Vẫn còn những hoài nghi vì tốc độ xét nghiệm khá chậm. Tuy nhiên, thậm chí kể cả như vậy, Việt Nam vẫn là một trong những câu chuyện thành công của châu Á giống như Hàn Quốc, Đài Loan và khác xa với Mỹ với hơn 1 triệu người mắc COVID-19.
Nếu trong thời kỳ hậu dịch COVID-19, Việt Nam lãng phí quyền lực mềm và vốn liếng chính trị đã giành được thì đó sẽ là điều đáng tiếc. Hành động của các chính phủ trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu thường quyết định vị trí của họ trong con mắt của các nhà đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp và người dân.
Hà Nội vẫn còn dư địa để hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể giảm lãi suất chuẩn như đã làm hồi tháng 3 từ 6% xuống còn 5%. Bên cạnh đó, có không gian tài chính để tài trợ cho các dự án hạ tầng lớn để tạo việc làm.
Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đứng ở mức 38%. Fitch Ratings dự báo con số này có thể tăng lên 42,5% trong năm nay.
Dù vậy, chắc chắn Việt Nam không có thời gian để mở tiệc ăn mừng. Các làn sóng gây lo ngại cho tăng trưởng toàn cầu đang tác động tiêu cực tới Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, thấp hơn một nửa so với con số 7% trong các năm 2018 và 2019. Việt Nam có thể dễ dàng rơi vào tình trạng tăng trưởng âm do nhu cầu từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đang đi ngang. Ngành du lịch, vốn tạo ra 10% GDP, có lý do phải tạm ngừng.
Tuy nhiên, triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu – nhân tố tác động mạnh nhất tới nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam – dường như vẫn còn xa vời khi 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rung lắc và nhiều khả năng, chủ nghĩa bảo hộ sẽ nổi lên ở các nước này trong 12 tháng tới. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp trả đũa đối với Trung Quốc vì cách xử lý của Bắc Kinh trước dịch bệnh. Có vẻ như ông Trump đang cân nhắc không thanh toán các chứng chỉ nợ của Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ.
Những rối loạn trên thị trường mà cuộc chiến thương mại phiên bản 2.0 gây ra có thể sẽ gây tổn hại cho Việt Nam.
Hà Nội không thể không có dự trữ, trong đó có dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 84 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải trả giá nếu không hành động nhanh chóng hơn để giải quyết vấn đề tham nhũng, củng cố ngành ngân hàng và đa dạng hóa nền kinh tế để không lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Hà Nội cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động giáo dục và đào tạo để tăng năng suất lao động. Mặt khác, Hà Nội cũng cần thu hẹp khu vực quốc doanh để tạo dư địa cho các công ty khởi nghiệp.
Một nguy cơ là các ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ làm giảm sức chịu đựng của Hà Nội để thực hiện các cuộc cải tổ quan trọng nhằm tăng vai trò của khu vực tư nhân và xây dựng một lĩnh vực dịch vụ có quy mô lớn hơn. Kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào tháng 4 cho thấy 60% doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn và lượng tiền mặt giảm. Ít nhất 35.000 doanh nghiệp đã bị phá sản trong quý I/2020. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, số lượng doanh nghiệp bị phá sản cao hơn so với số doanh nghiệp mới thành lập.
Và khi chính trị ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn quyết định, trong khi làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai vẫn luôn rình rập, có thể dễ dàng nhận thấy động lực cải tổ nền kinh tế có thể sẽ mất đi như thế nào.
Bên cạnh đó, các rủi ro địa chính trị cũng có thể sẽ phát sinh. Hà Nội và Bắc Kinh đang bất đồng về vấn đề Biển Đông, trong khi nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lại làm gián đoạn các chuỗi cung ứng của châu Á đang xuất hiện trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 tới.
Trong một thế giới u ám như vậy, Việt Nam một lần nữa lại nổi lên. Tuy nhiên, để tiếp tục tỏa sáng, Việt Nam cần phải vận dụng các kỹ năng và sự nhanh nhạy mà họ đã có khi đối phó với dịch COVID-19. Đó là điều “nói dễ hơn làm”.
Thọ Anh