Những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động cho vay ngang hàng: Bài học về kinh nghiệm quản lý nhà nước từ Trung Quốc và Thụy Sĩ (Phần 1)

0
65
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mang tính bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, nhu cầu vay vốn tiêu dùng đối với cá nhân và vay vốn sản xuất – kinh doanh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày một tăng cao. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn vay thông qua các kênh tín dụng chính thức, như: ngân hàng, các công ty tài chính; dẫn đến nhu cầu vay vốn thông qua các kênh tín dụng phi chính thức tăng cao.

Trong các kênh tín dụng phi chính thức, P2P Lending được đánh giá là một trong những kênh dẫn vốn hiệu quả nhất, khi “khơi thông được nguồn vốn nhàn rỗi đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ”, “gia tăng khả năng tiếp cận vốn vay của một số đối tượng không thể hoặc gặp khó khăn tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng”, “thủ tục, quy trình cho vay, giải ngân tối giản, nên thời gian cung cấp dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả hơn” qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện. Và như một lẽ tất yếu, mô hình P2P Lending đang chứng kiến tốc độ phát triển rất nhanh và mang tính bùng nổ ở một số quốc gia. Báo cáo nghiên cứu gần đây của Report Ocean cho thấy: “thị trường P2P Lending toàn cầu có giá trị là 67,93 tỷ USD vào năm 2019 và có cơ hội tăng trưởng lên đến 558,91 tỷ USD vào năm 2027; tốc độ tăng trưởng lũy kế có thể đạt đến 29,7% trong giai đoạn 2020 – 2027”.

Tuy nhiên, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có khả năng gây phương hại đến an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động. Những rủi ro trên đã thể hiện rất rõ trong thời gian đầu, khi mô hình P2P Lending được xây dựng, vận hành và phát triển tại một số quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ các loại hình công nghệ tài chính (Fintech); nhưng lại bỏ ngỏ khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này như Trung Quốc và Thụy Sĩ; qua đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến sự an toàn và phát triển bền vững của thị trường tài chính, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào hoạt động trên.

Khái niệm về P2P Lending.

Hiện nay, chưa có công trình khoa học pháp lý chuyên sâu nào nghiên cứu pháp luật về hoạt động P2P Lending tại Việt Nam. Các vấn đề lý luận về hoạt động này chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ kinh tế và thường được nghiên cứu rải rác ở nhiều công trình khác nhau; được đúc kết từ thực tiễn khác nhau của nhiều nước, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội, đặc thù về thị trường tài chính. Nhìn chung, P2P được hiểu là việc kết hợp giữa người vay và nhà đầu tư thông qua một nền tảng trực tuyến và nhà điều hành P2P, với tư cách là đại lý cho các nhà đầu tư và thu hồi nợ của người vay.

Làm rõ hơn khái niệm trên, tại Dự thảo Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra định nghĩa về P2P Lending như sau: “Cho vay ngang hàng (Peer to peer Lending hay P2P Lending) là hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính do công ty cho vay ngang hàng thực hiện với vai trò trung gian kết nối người đi vay với người cho vay.”.

Những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động P2P Lending.

Hiện nay, các công trình nghiên cứu đã khái quát được 5 nhóm rủi ro tiềm ẩn có khả năng gây phương hại đến sự an toàn và phát triển bền vững của thị trường tài chính, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào hoạt động P2P Lending; gồm:

(i) Rủi ro mất vốn hoặc chậm trả: Khoản vay dưới hình thức P2P Lending thường là những khoản vay không có tài sản bảo đảm; và nhà đầu tư không được bảo hiểm tiền gửi như ngân hàng truyền thống; bởi vì công ty vay P2P không phải là trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, thường đối tượng khách hàng tiếp cận đến P2P Lending, là những khách hàng đã bị ngân hàng từ chối cấp tín dụng; hoặc không đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu khắt khe về năng lực thanh toán; nên rủi ro nợ xấu và thanh toán không đúng hạn ở mức rất cao. Hơn nữa, công ty P2P Lending, thường đóng vai trò trung gian môi giới, nên không có trách nhiệm hoàn trả tiền vay cho nhà đầu tư.

(ii) Xâm hại đến bí mật đời tư cá nhân: Khi đăng ký khoản vay, người đi vay thường phải đăng nhập các thông tin liên quan đến đời sống cá nhân, các mối quan hệ gia đình, bạn bè đồng nghiệp; dẫn đến đối diện với rủi ro về rò rỉ thông tin do lỗ hổng bảo mật; hoặc các hành vi mua bán thông tin trái phép; hoặc khi người đi vay không có khả năng thanh toán nợ, những người thân của họ sẽ phải đối diện những hình thức đòi nợ, làm phiền trái pháp luật.

(iii) Thông tin bất đối xứng: Mô hình P2P Lending, hiện nay đang hoạt động theo 2 mô hình cơ bản; một là: mô hình cho vay ngang hàng chủ động: Hình thức này cho phép các nhà đầu tư trực tiếp lựa chọn khoản cho vay để tài trợ từ một nhóm đối tượng đi vay được liệt kê; và hai là mô hình cho vay ngang hàng chủ động: Nhà đầu tư không chọn được nhu cầu vay cụ thể mà chỉ trực tiếp chọn loại rủi ro, thời hạn và kỳ hạn cho vay ma họ sẵn sàng tài trợ, từ đó các nền tảng vay ngang hàng sẽ khớp các yêu cầu đó với đề nghị vay vốn của nhà đầu tư.

Như vậy, dù là hình thức nào, người đi vay và người cho vay, thông qua nền tảng P2P Lending sẽ không nắm được thông tin trực tiếp về nhau; để có thể đưa ra phương án đánh giá, xử lý rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản phù hợp và hiệu quả nhất. Toàn bộ thông tin liên quan đến các khoản vay đều được thu thập và cung cấp bởi công ty P2P Lending; thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng. Tuy nhiên, mặc dù hệ thống luôn được cập nhật và kết nối với hệ thống trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, nhưng vẫn không dự đoán chính xác được cách thức các khoản vay sẽ hoạt động vì nền tảng P2P Lending có số lượng dữ liệu lịch sử cho vay hạn chế.

(iii) Các công ty P2P Lending thực hiện những hoạt động ngoài phạm vi trung gian kết nối thông tin: Trực tiếp huy động và cấp tín dụng cho người đi vay, như một ngân hàng (shadow banking); hay hoạt động theo mô hình xác sống (ponzi) với nhiều dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người cho vay và cả người đi vay; thực hiện cả chức năng trung gian thanh toán. Theo một báo cáo cho thấy, ở Trung Quốc có đến 95% nền tảng P2P Lending là lừa đảo.

(iv) Rủi ro vận hành: Vì hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, nên tiềm ẩn các rủi ro trong quá trình vận hành nền tảng, như phần mềm bị lỗi, hoặc ngưng hoạt động, hoặc đơn giản là bên cung cấp dịch vụ rút khỏi thị trường;

(v) Rủi ro về đạo đức, như: Bên vận hành nền tảng P2P lending hoạt động như tổ chức huy động vốn rồi đem cho vay, thông đồng lập hồ sơ giả; thổi phồng thông tin; sử dụng tiền nhà đầu tư cho các mục đích khác, không đúng với mục đích ban đầu; khớp nối kỳ hạn của khoản vay không đúng nguyên tắc; ngầm bắt tay với các kênh tín dụng chính thức cho vay ngang hàng để ăn chênh lệch… (Còn nữa)

ThS. NGUYỄN NAM TRUNG (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh – UEF)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here