Những mối lo ngại về phi công nghiệp hóa sớm

0
378

Phi công nghiệp hóa sớm: Tự động hóa không phải là mối đe dọa lớn đối với công nhân tại các quốc gia mới nổi như nhiều người thường nói.

Số lượng hàng may sẵn xuất khẩu của Bangladesh nhiều hơn 60% so với Ấn Độ – một quốc gia với số dân gấp hơn 8 lần Bangladesh. Trên những con phố tấp nập của Dhaka, thủ đô Bangladesh, những chiếc xe van trắng di chuyển vội vã trong làn xe cộ để làm “Nhiệm vụ xuất khẩu khẩn cấp” – dòng chữ được sơn dọc thân xe phần nào làm người ta liên tưởng đến những chiếc xe cứu thương. Sự thành công của ngành công nghiệp thâm dụng lao động này đã giúp Bangladesh trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2014, dựa trên đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, một số người cho rằng ngành công nghiệp dệt may của Bangladesh hiện đang phải đối mặt với một vấn đề khó khăn không kém gì tình trạng giao thông tại nước này: đó là mối đe dọa từ tự động hóa. Robot đã trở nên phổ biến trong các ngành công nghiệp sản xuất khác, nhưng vẫn khá hiếm trong ngành dệt may. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), trong 1,63 triệu robot công nghiệp đang hoạt động trên toàn thế giới trong năm 2015, chỉ có 1.580 robot được sử dụng trong ngành dệt may, quần áo và đồ da.

Đối với robot, dệt may là một công việc khá khó khăn do vật liệu sản xuất quá mềm. Khi nhấc lên hay đặt xuống, miếng vải sẽ mất đi hình dáng, bị nhàu và gấp nếp lại dưới các hình dạng không thể đoán trước. Điều này sẽ khiến robot khó có thể nhận biết được vật liệu nó đang xử lý là gì và khi nào nó nên hành động. Theo ông Michael Chui, Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, “tự động hóa các hoạt động của một nhà thiết kế thời trang còn dễ hơn tự động hóa hoạt động của các thợ may quần áo”.

Ông Jian Dai, giáo sư về robot của Đại học King’s College London, từng miêu tả mức độ khéo léo kỳ công của robot cần phải có dù chỉ để là quần áo, công việc mà bất kỳ thanh thiếu niên nào cũng có thể làm được (dù không phải lúc nào cũng sẵn sàng làm). Việc là quần áo đòi hỏi robot phải có cảm biến nhiệt để tìm các mép của miếng vải, sau đó phải kẹp chặt các mép đó giữa các đầu ngón tay của robot. Robot cũng phải duy trì độ căng và phẳng của vải cũng như phải giữ thẳng các đường may. Theo giáo sư Dai, để làm được tất cả những điều này, robot cần phải có nhiều các bộ phận di chuyển được kết nối trong một chuỗi động mạch.

Một công ty đang phải đối mặt với các thách thức tương tự là SoftWear Automation, có trụ sở ở Atlanta, tiểu bang Georgia, Mỹ, cách Dhaka 8.000 dặm. Sản phẩm Sewbot của công ty sử dụng máy ảnh tốc độ cao để kiểm soát tấm vải, ống hút chân không để nhấc và xoay các mảnh vải, và các bi quay gắn trên bề mặt hoạt động để di chuyển tấm vải qua lại. Palaniswamy Rajan, giám đốc điều hành của công ty, cho biết: “Công nghệ của chúng tôi có khả năng giúp robot thao tác xử lý tấm vải giống như một thợ may”. Các máy móc của Rajan đã có thể sản xuất các sản phẩm đơn giản như gối và thảm nhà tắm ở quy mô thương mại. Năm sau, công ty hi vọng có thể sản xuất dòng sản phẩm áo phông. Công ty cho biết một máy Sewbot có thể sản xuất 1.142 chiếc áo phông trong một ca 8 tiếng, gấp 17 lần số lượng một công nhân dệt may truyền thống có thể sản xuất trong cùng khoảng thời gian tương tự.

Những sáng kiến này ở Atlanta phản ánh bước tiến lớn hơn trong công nghệ robot. Theo ông Chui, các loại robots đang trở nên rẻ hơn, an toàn hơn, linh hoạt hơn và dễ sử dụng hơn. Không như những robot công nghiệp hiện nay phải giữ trong lồng kín, các robot đời mới nhất có thể được sử dụng trong không gian làm việc đông đúc. Chúng có thể được “lập trình” một cách dễ dàng, với từ “lập trình” được ông Chui đặt trong ngoặc kép do lập trình robot hoàn toàn không yêu cầu đến việc mã hóa.

Giờ đây robot không chỉ dành riêng cho các quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Đức. Theo IRF, trong năm 2015, 1/3 tổng số robot công nghiệp đã được chuyển tới các quốc gia có thu nhập trung bình, phần lớn số robot này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất ô tô và đồ điện tử. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia mua nhiều robot nhất trên thế giới.

Hiệu suất ngày càng gia tăng của robot đã khiến nhiều nhà kinh tế học phải nhìn nhận lại một số mô hình phát triển thành công truyền thống của mình. Theo công trình nghiên cứu của Simon Kuznets trong các thập niên 1960 và 1970, phát triển kinh tế hiện đại đòi hỏi cần phải chuyển nguồn lực từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, và sau đó từ công nghiệp sang các ngành dịch vụ. Vòng cung của quá trình công nghiệp hóa này được cho là sẽ làm cho các nước nghèo giàu lên trước khi công nghiệp hóa dần biến mất, nhường chỗ cho các ngành dịch vụ phức tạp.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu robot làm việc tại các nhà máy thay vì con người? Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey tính rằng, về mặt kỹ thuật, 67% số công việc trong nền công nghiệp của Ấn Độ có thể được tự động hóa (dù về mặt kinh tế là không hợp lý). Indonesia và Thái Lan cũng cho những con số tương tự. Nếu các quốc gia chậm phát triển không chuyển dịch đủ lao động vào ngành công nghiệp, các lợi ích của gia tăng năng suất trong sản xuất sẽ không có tính lan tỏa đối với nền kinh tế. Cơ hội phát triển của các nước này sẽ bị quá trình tự động hóa bóp nghẹt.

Theo ông Dani Rodrik đến từ Đại học Havard, vòng cung công nghiệp hóa trên thực tế đã thay đổi. Hiện nay, tại các nền kinh tế mới nổi, số lượng lao động của ngành công nghiệp đang tăng ở mức thấp hơn so với trước đây và tại thời điểm sớm hơn trong giai đoạn phát triển của các nền kinh tế. Ông Rodrik cho biết, xu hướng phi công nghiệp hóa sớm này “không phải là tin tốt cho các quốc gia đang phát triển”.

Tuy nhiên, kết quả phân tích của giáo sư Rodrik thực sự không quá đáng lo ngại. Ông chỉ ra rằng Châu Á tới nay đã tránh được xu hướng phi công nghiệp hóa sớm, và về tổng thể, Châu Phi hạ Sahara cũng vậy. Xu hướng này chỉ thể hiện rõ nhất ở Nam Mỹ, và nó phản ánh việc các quốc gia Mỹ Latinh dần từ bỏ việc “thay thế nhập khẩu” (Import Substitution) từ sau những năm 1960, khi chính phủ các nước này cắt giảm các hàng rào thuế quan đưa ra để bảo trợ các sản phẩm nội địa trước sự cạnh tranh của các mặt hàng công nghiệp nước ngoài. Xu hướng này cũng có thể phản ánh việc Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, robot gần như không có tác động đến quá trình này, và sử dụng robot trong các ngành công nghiệp ở Châu Mỹ Latinh cũng không phải phổ biến.

Một số nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải tất cả các quốc gia đang phát triển đều đã phi công nghiệp hóa. Họ cho rằng lao động sản xuất trở nên tập trung hơn về mặt địa lí sau năm 1990 nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng. không kém phần quan trọng. Ông Nobuya Haraguchi thuộc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), ông Charles Fan Chin Cheng đến từ Đại học New South Wales và Eveline Smeets, một nhà tư vấn, đã thu thập và phân tích số liệu về lao động của hơn100 các nước đang phát triển kể từ năm 1970. Họ phát hiện ra rằng tỉ lệ lao động sản xuất trung bình của mỗi quốc gia thực sự đã giảm đi kể từ đầu thập niên 1990 như Dani Rodrik đã chỉ ra. Nhưng khi họ nhìn số liệu tổng hợp của tất cả các nước đang phát triển thì tỉ lệ lao động trong ngành sản xuất lại cao hơn các thập kỷ trước đây.

Các kết quả này trên thực tế không hề mâu thuẫn. Để hiểu tại sao, hãy giả sử thế giới chỉ có 2 quốc gia: Trung Quốc và Colombia. Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), ở Colombia, tỉ lệ lao động trong ngành công nghiệp là 30% vào năm 1990, và giảm xuống còn 20% vào năm 2015. Ở Trung Quốc thì ngược lại. Tính trung bình, tỉ lệ lao động trong ngành công nghiệp của cả hai nước trong giai đoạn đó giữ nguyên trong cả hai năm là 25%. Nhưng khi tổng hợp số liệu của cả hai quốc gia lại, tỉ lệ lao động trong ngành công nghiệp lại tăng đáng kể, vì 1/10 dân số lao động Trung Quốc nhiều hơn rất nhiều so với 1/10 dân số lao động Colombia.

Tỉ lệ lao động trong ngành công nghiệp của Trung Quốc có thể đã đạt tới đỉnh điểm. Số lượng lao động trong ngành công nghiệp của Trung Quốc đã bắt đầu giảm từ năm 2013, và tỷ trọng xuất khẩu đồ may mặc của Trung Quốc trên toàn thế giới cũng chững lại từ thời điểm đó. Và theo ông Arvind Subramanian, cố vấn kinh tế trưởng của Chính phủ Ấn Độ thì đây chính là một “cơ hội lịch sử” cho các quốc gia như Ấn Độ. Các nước như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đang nắm bắt cơ hội này, nhưng chính bản thân Ấn Độ lại tụt hậu. Phần lớn các bất lợi của Ấn Độ đều do họ tự tạo ra. Các công ty sản xuất đồ may mặc của Ấn Độ phải trả thuế cao để nhập khẩu các loại sợi nhân tạo đang thịnh hành trong ngành dệt may. Các công ty xuất khẩu có thể được hoàn thuế, nhưng quá trình rất rườm rà. Có lẽ quá trình này nên được tự động hóa.

Hiện tại, đối với các nhà sản xuất đồ may mặc tại các nước Nam Á, các rào cản quy chế gây tổn hại lớn hơn nhiều so với tự động hóa. Quả thực, những người vận hành chuỗi cung ứng cho các công ty bán lẻ quần áo khá hoài nghi về vai trò của robot trong ngành công nghiệp. Spencer Fung, giám đốc của công ty Li & Fung ở Hong Kong cho biết: “Có rất nhiều người đã đi theo con đường bán tự động hóa, nhưng một nhà máy dệt may tự động hóa hoàn toàn thì từ trước đến nay chưa từng có… chắc hẳn nhiều năm nữa điều đó mới có thể xảy ra”. Chủ tịch của công ty, ông William Fung cũng đồng ý với điều này. Thương mại điện tử có thể đã biến đổi môi trường bán lẻ, nhưng “chuỗi cung ứng cung cấp cho thị trường tiêu dùng được số hóa cao này thật ra lại khá thủ công”.

Tự động hóa có thể làm tăng năng suất sản xuất, nhưng đồng thời chi phí sản xuất cũng tăng lên. Một chiếc máy Sewbot của SoftWear có thể có năng suất gấp 17 lần một thợ may truyền thống, nhưng giá lao động thông thường ở Mỹ, thậm chí chỉ tính ở mức lương tối thiểu, lại cao gấp 18 lần giá lao động ở Bangladesh. Và đó là còn chưa tính chi phí mua máy robot.

Công ty SoftWear Automation lại thận trọng một cách đáng ngạc nhiên khi nói về công nghệ của họ. Theo ông Rajan, giám đốc công ty, “mọi người vẫn cho rằng robot sẽ thay thế con người và tự động hóa tất cả mọi thứ”, nhưng ông tin rằng thậm chí trong vòng 20 hay 30 năm tới, máy Sewbot vẫn sẽ chỉ chiếm phần nhỏ trong ngành công nghiệp may mặc. Ông dự đoán: “Tôi dự kiến ngành công nghiệp may mặc sẽ được tự động hóa khoảng 20% đến 25%”. Robot sẽ sản xuất các loại đồ may mặc cơ bản với số lượng lớn, nhưng đối với mặt hàng thời trang cao cấp với số lượng ít thì vai trò của con người không thể nào thay thế được.

Softwear Automation đôi khi cũng nhận được yêu cầu từ các công ty dệt may của Bangladesh, tuy nhiên, họ chỉ phục vụ thị trường Mỹ. “Sẽ là sai lầm nếu bạn muốn sử dụng công nghệ của chúng tôi để giảm giá thành lao động”, ông Rajan nói. Thay vào đó, công ty hướng tới việc giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm ô nhiễm môi trường và giải quyết sự thiếu hụt lao động trầm trọng ở Mỹ. Một trong những khách hàng chính của họ đang cung cấp quân phục cho Quân đội Mỹ: theo luật pháp Mỹ, quân phục phải được sản xuất trong nước. Điều luật lỗi thời này trên lý thuyết sẽ giúp Mỹ duy trì khả năng tự sản xuất những vật dụng cung cấp cho quân đội của họ, nhưng ông Rajan chỉ ra rằng “độ tuổi trung bình của một thợ may ở Mỹ là 56 tuổi”.

Vì vậy, trong tương lai gần, Sewbot không phải là mối đe dọa với các nước có lực lượng lao động dồi dào như Bangladesh. Sự tồn tại của Sewbot phụ thuộc phần lớn vào các sáng kiến mang tính đột phá và một phần không nhỏ vào cơ chế bảo hộ thương mại lâu năm của Mỹ. Thật không may, quốc gia này sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hình thức bảo hộ khác.

(Theo The Economist, 5/10/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here