Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga?

0
459

Kể từ cuối tháng 3/2020 đến nay, dịch COVID-19 ở Nga diễn biến phức tạp. Đầu tháng 3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số đối tác lớn do Nga đứng đầu (OPEC+) đã không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, khiến giá dầu quốc tế giảm mạnh. Tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu khiến áp lực suy thoái của kinh tế Nga tăng lên, phá vỡ bố cục ban đầu trong chính sách kinh tế của Chính phủ Nga, và trọng tâm của chính sách này buộc phải chuyển từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sang kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 và đề phòng xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế.

Chính phủ Nga dự báo GDP trong năm 2020 có thể giảm khoảng 3%. Tổ chức xếp hạng quốc gia (NRA) của Nga cho biết tổng thiệt hại của các đơn vị kinh tế do tác động của dịch COVID-19 có thể lên tới 239 tỷ USD.

Gần đây, Tổng thống Vladimir Putin và các thành viên của Chính phủ Nga đã tổ chức một loạt cuộc họp về tình hình hoạt động của các ngành nghề có vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế quốc dân. Ngày 16/4, Putin tổ chức cuộc họp trực tuyến với các thành viên chính phủ như Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov, Phó Thủ tướng Marat Khusnullin… để thảo luận đối sách phát triển của ngành xây dựng Nga.

Khủng hoảng kinh tế mang tính hệ thống
Cuộc khủng hoảng kinh tế thường ám chỉ cuộc khủng hoảng sản xuất dư thừa bùng phát mang tính chu kỳ trong quá trình sản xuất, được thể hiện ở lượng lớn hàng hóa tồn đọng, sản xuất giảm mạnh, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, nhiều công nhân thất nghiệp, quan hệ tín dụng bị tổn hại nghiêm trọng và toàn bộ nền kinh tế xã hội bị tê liệt. Trong nền kinh tế hiện đại, cuộc khủng hoảng kinh tế thường mang nghĩa là cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu dùng những tiêu chuẩn này để đánh giá, sự suy thoái đang diễn ra ở Nga hiện nay vẫn chưa được coi là cuộc khủng hoảng kinh tế điển hình, có sự khác biệt về bản chất với cuộc khủng hoảng vào năm 1998, 2008 và 2014.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 là cuộc khủng hoảng tỷ giá hối đoái do vỡ nợ tín dụng nhà nước. Tháng 8/1998, Ngân hàng trung ương Nga tuyên bố không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn, khiến tỷ giá đồng ruble giảm mạnh. Đồng thời, do nhu yếu phẩm của Nga phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong tình hình ngoại thương mở cửa hoàn toàn và có thể tự do chuyển đổi đồng ruble, Nga đã xảy ra tình trạng lạm phát nhập khẩu nghiêm trọng và quá trình tái sản xuất bị tổn hại. Tuy nhiên, do đây chỉ là cú sốc tài chính đơn thuần, nên nền kinh tế Nga đã hồi phục vào năm 1999.

Cuộc khủng hoảng năm 2009 là cuộc khủng hoảng tài chính do nợ của doanh nghiệp tư nhân gây ra. Trước năm 2008, kinh tế Nga tăng trưởng nhanh, nhưng nguồn lực tài chính trong nước không đủ mạnh và giá cả đắt đỏ, vì vậy các doanh nghiệp phải vay nợ từ châu Âu. Trước tác động của cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ, lượng lớn nguồn vốn của Nga chảy ra nước ngoài, khiến chuỗi vốn của doanh nghiệp bị đứt đoạn và rơi vào khủng hoảng nợ và tài chính, sau đó nền kinh tế Nga đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng này vào năm 2010.

Cuộc khủng hoảng vào năm 2014 là cuộc khủng hoảng mang tính tổng hợp do ba yếu tố là cuộc khủng hoảng mang tính kết cấu kinh tế do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra và giá dầu giảm mạnh. Do các yếu tố hình thành nên cuộc khủng hoảng lần này rất phức tạp, nên Nga cũng phục hồi kinh tế rất chậm.

Tình trạng suy thoái đang diễn ra ở Nga hiện nay là do sản xuất và tiêu dùng bị tạm ngừng khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như cách ly tại nhà, chứ không phải là cuộc khủng hoảng tài chính và cung vượt quá cầu. Hiện nay, đà tăng trưởng kinh tế của Nga đã bị gián đoạn, khoản đầu tư quy mô lớn trong khuôn khổ dự án quốc gia được lên kế hoạch trước đó cũng phải tạm ngừng, nhưng rất ít khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Điều này là do nguồn năng lượng và các sản phẩm thượng nguồn của ngành sản xuất chế tạo của Nga có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, sau năm 2014, Nga đã có thể tự cung tự cấp hàng tiêu dùng cơ bản thông qua việc thực hiện chính sách thay thế nhập khẩu, dựa vào vòng tuần hoàn ở trong nước để đảm bảo các hoạt động bình thường của nền kinh tế. Sau cải cách thuế giá trị gia tăng và lương hưu, so với trước đây Nga có khả năng chịu đựng tốt hơn, có thể chống lại tác động lớn hơn trên các phương diện như cấu trúc tài chính và an sinh xã hội.

Nguy cơ tiềm ẩn
Do từng trải qua tác động của cuộc suy thoái kinh tế mang tính chuyển đổi mô hình vào những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 và 2008, nên những năm gần đây Nga luôn cảnh giác cao độ đối với các rủi ro bên ngoài, ưu tiên sự ổn định và an ninh kinh tế hơn so với tăng trưởng, “khả năng miễn dịch” trước những tác động và rủi ro bên ngoài đã được cải thiện đáng kể và dần tích lũy được kinh nghiệm đối phó với các rủi ro kinh tế. Trong gần 10 năm qua, việc Nga thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ bảo thủ chính là biểu hiện của “sự cảnh giác”.

Hiện nay, nền kinh tế Nga cơ bản tạm ổn. Dự trữ ngoại hối vào đầu tháng 3/2020 đạt 581 tỷ USD và về cơ bản trở lại mức cao nhất trong lịch sử vào năm 2007. Tháng 1/2015, Nga thực hiện chính sách thả nổi tự do tỷ giá đồng ruble, hóa giải tương đối tốt các tác động bên ngoài và rủi ro lạm phát xuất khẩu do giá dầu giảm, tránh bị buộc phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Sau năm 2018, Nga lại thực hiện thặng dư kinh tế và luôn giữ ở mức trên 3.000 tỷ ruble, chiếm hơn 3% GDP. Ngân hàng trung ương Nga cố gắng kiểm soát lạm phát, với tỷ lệ luôn duy trì ở mức dưới 4% trong một thời gian dài. Ngân hàng trung ương Nga còn tăng cường giám sát đối với các dòng vốn đầu cơ vào thị trường chứng khoán có quy mô không quá lớn, đồng thời quản lý hoạt động của các ngân hàng thương mại. Hiện tại, Nga chỉ có hơn 400 ngân hàng thương mại, việc nước này giảm số lượng các ngân hàng chủ yếu là để thoái nợ, do đó về cơ bản không có rủi ro trong hệ thống tài chính Nga. Nga đã chuẩn bị khá đầy đủ cho tình hình giá dầu xuống thấp trong thời gian dài. Tháng 10/2019, các phương hướng chính về ngân sách, thu nhập từ thuế và thuế quan giai đoạn 2020-2022 do Bộ Tài chính Nga đưa ra đã dự đoán tình trạng hoạt động tài chính quốc gia khi giá dầu sẽ giảm xuống còn 25-30 USD/thùng và đưa ra các biện pháp đối phó có liên quan. Ngày 9/4/2020, Bộ Tài chính Nga tuyên bố rằng với giá dầu từ 25-30 USD/thùng, quỹ phúc lợi quốc gia hiện nay có thể bù đắp nguồn thu tài chính bị thiếu hụt trong vòng 6-10 năm, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách.

Tuy nhiên, cũng nên nhận thấy hoạt động kinh tế của Nga tồn tại không ít nguy cơ, chủ yếu được thể hiện ở các khoản nợ tài chính và hộ gia đình. Trong bối cảnh chi tiêu tài chính công để kiểm soát dịch COVID-19 và ổn định việc làm tăng mạnh, nguồn tài chính và quỹ phúc lợi quốc gia của Nga đang tiêu hao nhanh chóng, biến động của giá dầu quốc tế khiến tình hình tài chính của Nga càng khó khăn hơn. Giá dầu dự đoán trong giai đoạn 2020-2022 của Nga là 42,4 USD/thùng dầu Urals. Hiện nay, giá dầu quốc tế đã giảm xuống mức dưới 20 USD/thùng, thấp hơn mức 25-30 USD/thùng mà Nga dự toán trước đó. Mặc dù OPEC+ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về cắt giảm sản lượng vào ngày 10/4, nhưng phải đối diện với trở ngại trong việc thực thi. Đồng thời, do hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới bị đình trệ, nên nhu cầu dầu mỏ giảm xuống. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng nêu trên tạm thời khó có thể đẩy giá dầu tăng trở lại, càng không thể quay trở lại mức 40 USD/thùng trong thời gian ngắn. Nếu nguồn lực tài chính của Nga có thể chèo chống đến cuối năm 2020 và tìm ra các kênh bổ sung mới, thì có thể duy trì được mức độ rủi ro của nền kinh tế, nhưng trong trường hợp phương Tây vẫn tăng cường các biện pháp trừng phạt và nguồn tài chính trong nước có hạn, Nga sẽ không có đủ khả năng để làm giảm rủi ro tài chính, công cụ chính sách cũng rất có hạn.

Lĩnh vực tiêu dùng xã hội Nga đã tích lũy rủi ro nợ của các hộ gia đình tương đối nghiêm trọng. Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng hơn 2%, khôi phục được niềm tin tiêu dùng và mức độ chi tiêu của người dân. Nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong năm 2019 tăng nhanh, trong đó khoảng 1.700 tỷ ruble tiêu dùng cuối cùng được trả bằng các khoản vay. Do đó, Nga đang phải đối điện với vấn đề tiền tiết kiệm giảm (63,6% hộ gia đình không có tiền tiết kiệm) và tổng mức tín dụng tiêu dùng tăng. Hiện nay, từ góc độ cấu trúc nợ của Nga có thể thấy nợ quốc gia chiếm không quá 2% GDP, tổng nợ công trong năm 2019 chiếm 17,3% GDP, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp ở mức thấp trong lịch sử và rủi ro là tương đối nhỏ, nhưng hiện nay nợ cá nhân của các hộ gia đình Nga đang ở mức cao, tác động của dịch COVID-19 khiến kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, nếu tích lũy đến mức độ nhất định sẽ làm bùng nổ rủi ro tín dụng tiêu dùng hộ gia đình.

Từ rủi ro tỷ giá hối đoái và tín dụng của đồng tiền có chủ quyền có thể thấy tỷ giá đồng ruble đã mất giá từ 65 ruble đổi 1 USD vào đầu tháng 2/2020 lên 82 ruble đổi 1 USD vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, lần mất giá này là do giá dầu giảm mạnh. So với năm 2014, cho dù là từ các góc độ như tình trạng tài khoản vốn, tình trạng tài khoản vãng lai hay mức tín dụng quốc gia, đồng ruble đều không có cơ sở để mất giá mạnh và rủi ro tỷ giá hối đoái của Nga nói chung vẫn có thể kiểm soát trong thời gian tới.

Hai biện pháp đối phó tích cực
Để đối phó với cục diện khó khăn, Chính phủ Nga đã đưa ra hai biện pháp lớn: Một là, sửa đổi ngân sách để hỗ trợ tài chính cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Điều này bao gồm sử dụng quỹ phúc lợi quốc gia để bổ sung nguồn ngân sách, soạn thảo dự luật hỗ trợ đầu tư, giải ngân các quỹ tài chính đặc biệt (dự tính là 300 tỷ ruble), áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu bằng 0% đối với thuốc, giữ lại 1.400 tỷ ruble để phòng chống dịch bệnh và đề phòng khủng hoảng, điều chỉnh cơ chế thuế, thu 13% thuế đối với tiền gửi trên 1 triệu ruble để ngăn chặn dòng tiền chảy ra ngoài, thu 15% thuế đối với cổ tức ở nước ngoài và thu nhập lãi. Hai là, thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng và nâng đỡ. Để ổn định tỷ giá đồng ruble, Ngân hàng trung ương Nga đã không mua ngoại hối ở thị trường nội địa kể từ ngày 9/3 và có kế hoạch thực hiện bốn lần mua lại, mỗi lần mua lại 500 tỷ ruble (hiện nay đã thực hiện được hai lần, lần mua tiếp theo phải tùy thuộc vào tình hình), yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ có định hướng cho các doanh nghiệp và gia đình gặp khó khăn.

Những biện pháp này tuy không thể ngăn cản xu thế sản xuất và tiêu dùng bị đình trệ, nhưng lại có thể đóng vai trò ổn định đời sống xã hội, ngăn chặn khủng hoảng xã hội và suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Khi nào nền kinh tế Nga mới thoát khỏi suy thoái phụ thuộc vào khả năng kiểm soát của dịch COVID-19. Tuy nhiên, do đã trải qua quá trình bị các nước bên ngoài áp đặt các biện pháp trừng phạt trong thời gian tương đối dài, có mức độ tài chính hóa kinh tế thấp và khả năng tự cung tự cấp mạnh mẽ, nên Nga vẫn có khả năng chống chọi bền bỉ nhất định khi nền kinh tế thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here